Dù là một nhiệm kì đầy khó khăn nhưng trong giai đoạn 2010-2015, Quảng Ninh vẫn có tốc độ tăng trưởng GDP 9,2% /năm, bình quân đầu người đạt 3.900 USD, giảm nhanh tỉ lệ hộ nghèo và cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Dưới đây là 6 thành tựu nổi bật của Quảng Ninh trong giai đoạn 2010-2015.

Tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao

Trong 5 năm qua, Quảng Ninh duy trì thành công mức tăng trưởng GDP 9,2%/năm, luôn cao hơn so với mặt bằng chung cả nước. Quảng Ninh cũng nằm trong nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cao nhất cả nước. Thu ngân sách nhà nước 5 năm ước đạt 160 ngàn tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với giai đoạn 2006-2010. Thu nhập bình quân đầu người đạt 3.900 USD, gấp 1,76 lần so với năm 2010 và gấp 1,77 lần so với bình quân cả nước.

{keywords}
Ảnh: Theo quangninh.gov.vn

Trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có sự bứt phá mạnh theo hướng phát triển kinh tế xanh bền vững. Tỷ trọng dịch vụ tăng từ 39,3% năm 2010 lên 43,4% năm 2015, trong khi công nghiệp giảm từ 53,4% năm 2010 xuống 50,6% năm 2015; nông nghiệp giảm từ 7,3% xuống còn 6% năm 2015.

Bước đầu thực hiện thành công 3 đột phá chiến lược

Từ 2010, Đảng bộ Quảng Ninh đã đề ra 3 khâu đột phá chiến lược: Ưu tiên phát triển hạ tầng đồng bộ, Đẩy mạnh xây dựng thể chế, cải cách hành chính và Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau 5 năm, bộ mặt Quảng Ninh đã có những đổi thay đáng kể nhờ sự đẩy mạnh 3 khâu đột phá chiến lược này.

Cụ thể, hệ thống giao thông Quảng Ninh phát triển mạnh với việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 97,4km quốc lộ; 61km tỉnh lộ; 1.290km đường giao thông nông thôn, miền núi. Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên đưa điện lưới quốc gia đến tất cả các thôn, khu, khe bản trên đất liền và các xã đảo, đặc biệt là đã đưa được điện lưới ra huyện đảo Cô Tô; tỷ lệ đô thị hóa cao, đạt 64% (cả nước là 33,7%) với 4 thành phố và 2 thị xã.

{keywords}

Ảnh: Theo quangninh.gov.vn

Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng tập trung nguồn lực và kêu gọi đầu tư triển khai các dự án lớn như Cảng hàng không Quảng Ninh, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, Quốc lộ 18A đoạn Hạ Long-Mông Dương... Hạ tầng du lịch từng bước được tỉnh đầu tư nâng cấp với nhiều dự án lớn về thương mại và du lịch hoàn thành như các trung tâm thương mại Vincom, Big C, Metro, các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp...

Trong 5 năm, Quảng Ninh mạnh dạn triển khai các đề án xây dựng thể chế và cải cách hành chính. Tỉnh đã từng bước triển khai đề án thí điểm xây dựng hai đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn và Móng Cái.

Đến nay, Quảng Ninh đã có các trung tâm hành chính công từ cấp tỉnh đến 14 huyện, thị xã, thành phố. Rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm những thủ tục hành chính không phù hợp, giảm 40% thời gian giải quyết thủ tục hành chính theo quy định; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 .

Về phát triển nguồn nhân lực trong nhiệm kỳ, Quảng Ninh đã thực hiện việc bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước cho 30.180 lượt cán bộ, đảng viên, trong đó có 666 lượt đào tạo và bồi dưỡng ở nước ngoài, 3.018 lượt cán bộ thôn, bản...

Tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2014, tỉnh đã thành lập Trường Đại học Hạ Long và đi vào tuyển sinh năm 2015. Số lượng thạc sĩ, tiến sĩ trong tỉnh tăng gấp 2,33 lần so với năm 2010; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63% (năm 2010 là 48%). Chuyển đổi cơ cấu lao động đã đóng góp đáng kể vào tăng năng suất lao động xã hội của tỉnh, trung bình cả giai đoạn tăng 12,4%, trong đó lao động trong lĩnh vực dịch vụ có mức tăng cao nhất là 17,1%/năm.

Cơ bản đạt tỉnh nông thôn mới

Đến hết 2015, Quảng Ninh cơ bản đạt tỉnh nông thôn mới với 79/125 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; có 6/10 huyện cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới. Hiện tỉnh đang triển khai thí điểm mô hình “nông thôn tiên tiến” nhằm nâng cao chất lượng và phát triển bền vững nông thôn mới.

Tăng gấp đôi ngân sách an sinh xã hội

Trong 5 năm, Quảng Ninh đã chi cho đảm bảo an sinh xã hội 4.690 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2005-2010. Giải quyết việc làm mới bình quân đạt trên 2,7 vạn lao động/năm. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị giảm từ 4,2% năm 2010 xuống còn 1,8% năm 2015; đào tạo nghề cho 22.157 lao động nông thôn, với tổng kinh phí thực hiện 111 tỷ đồng.

Tỉnh hoàn thành chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo về đích trước 2 năm so với kế hoạch của Chính phủ. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 7,68% năm 2010 xuống còn 1,55% năm 2015, trung bình cả giai đoạn giảm 1,2%/năm.

Nhiều chỉ tiêu đạt cao so với bình quân chung của cả nước như: Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 70% (cả nước 37,7%); đạt tỷ lệ 12 bác sĩ/vạn dân (bằng 1,6 lần bình quân cả nước); 36 giường/vạn dân, gấp gần 2 lần bình quân cả nước.

Quốc phòng, an ninh, đối ngoại

Tỉnh luôn chủ động giải quyết kịp thời, có hiệu quả các tình huống, góp phần giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị

Quảng Ninh đi đầu cả nước trong thí điểm bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý, thông qua thi tuyển; triển khai bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư tại 79% đại hội đảng bộ cơ sở và bầu trực tiếp bí thư tại 17/20 đảng bộ cấp huyện. Toàn tỉnh có 9 đảng bộ bí thư, kiêm chủ tịch HĐND, 2 đảng bộ bí thư kiêm chủ tịch UBND (huyện Cô Tô và Tiên Yên).

D.Minh (tổng hợp)