- Nhận thấy việc Agribank Việt Nam tự ý ban hành những quy định nội bộ không tuân thủ các quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật dẫn đến thiệt hại số tiền đặc biệt lớn, HĐXX quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ”. Quyết định này sẽ được gửi tới VKSND Tối cao xem xét, điều tra vụ án.

Chiều nay (5/11), sau hơn 10 ngày xét xử và nghị án, TAND TP.HCM đã tiến hành tuyên án đối với vụ thất thoát 966 tỷ đồng xảy ra tại Agribank chi nhánh 6, TP.HCM.

Một bị cáo được đổi tội danh

Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt Dương Thanh Cường tù chung thân về hai tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

{keywords}
Ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam được triệu tập đến tòa

HĐXX cũng tuyên phạt Lê Thành Công (nguyên Giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương) 25 năm tù về hai tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. 

Giữ vai trò giúp sức cho bị cáo Công, bị cáo Đỗ Trọng Nhân (Giám đốc Công ty Siêu mẫu Việt) lãnh án 8 năm tù về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị truy tố về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, bị cáo Hồ Đăng Trung (nguyên Giám đốc Agribank chi nhánh 6) lãnh án 20 năm tù, bị cáo Hồ Văn Long (nguyên Trưởng phòng tín dụng Agribank chi nhánh 6) lãnh án 19 năm tù; ba bị cáo còn lại nguyên là nhân viên tín dụng gồm Trương Quốc Bảo, Trần Nhật Quang, Nguyễn Hoàng Quốc Thụy lãnh án từ 9 đến 12 năm tù.

Đối với nhóm bị cáo nguyên là các “giám đốc thuê” của Dương Thanh Cường đã có hành vi ký vào các hợp đồng vay vốn, đề xuất mượn lại các tài sản thế chấp, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thái Cường (nguyên Giám đốc Công ty Tấn Phát) 8 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, Lê Sơn Hùng (nguyên Giám đốc Công ty Thanh Phát) 9 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Riêng bị cáo Phạm Hoàng Thọ (Giám đốc Công ty Thanh Phát sau khi Hùng nghỉ việc) là người giúp Cường cầm 23 giấy CNQSDĐ đến ngân hàng Phương Nam đứng tên thế chấp vay tiền, HĐXX nhận thấy hành vi lừa đảo của Dương Thanh Cường trong vụ án này đã hoàn thành từ thời điểm Agribank chi nhánh 6 giải ngân 628 tỷ đồng và cho mượn lại 23 Giấy CNQSDĐ. Do đó, hành vi của bị cáo Thọ chỉ phạm vào tội “che giấu tội phạm”. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Thọ mức án 4 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, HĐXX cũng tuyên buộc Dương Thanh Cường phải bồi thường cho Agribank chi nhánh 6 toàn bộ số tiền tổng cộng 1.127,2 tỷ đồng.

Đối với 23 giấy CNQSDĐ là tài sản thế chấp mà Dương Thanh Cường đã mượn lại từ Agribank chi nhánh 6 sau đó thế chấp tại Ngân hàng Phương Nam vay tiền, HĐXX nhận thấy Agribank chi nhánh 6 quá trình nhận thế chấp đã không đăng ký giao dịch bảo đảm, không thực hiện các thủ tục theo quy định.

Trong khi đó, Ngân hàng Phương Nam hoàn toàn không biết 23 giấy chứng nhận trên đã được thế chấp tại Agribank chi nhánh 6, phía Ngân hàng Phương Nam cũng đã thực hiện các thủ tục theo quy định nhằm xác lập quyền sở hữu của mình như đăng ký giao dịch bảo đảm, phong tỏa tài sản và không nhận được bất cứ phản hồi nào từ Agribank chi nhánh 6.

Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư Lưu Văn Tám, tuyên hủy bỏ kê biên, trả lại 23 giấy CNQSDĐ cho Ngân hàng Phương Nam. Nếu có tranh chấp, Agribank có thể khởi kiện ra tòa bằng một vụ kiện dân sự khác.

Khởi tố vụ án Lạm quyền

Cũng trong phần tuyên án, HĐXX nhận định: quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn ông Nguyễn Thế Bình – nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam cũng như vị đại diện Agribank Việt Nam.

{keywords}
Các bị cáo đứng nghe tòa tuyên án

Tại tòa trước đó, ông Bình và đại diện Agribank Việt Nam đều cho rằng quyết định nâng quyền phán quyết không phải là quyết định cho vay. Do đó, dù HĐQT Agribank Việt Nam là người phê duyệt chấp nhận nâng quyền phán quyết của Agribank chi nhánh 6 từ 80 tỷ lên 700 tỷ đồng, trong trường hợp này người chịu trách nhiệm cuối cùng vẫn là Giám đốc chi nhánh.

Điều đáng nói, để xin nâng quyền phán quyết, đại diện Agribank Việt Nam và ông Bình cho rằng do để nâng cao tính “tự chủ” và đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng thì việc phê duyệt nâng quyền phán quyết của HĐQT đối với chi nhánh mà không cần thẩm định hồ sơ để đảm bảo, đây là quy định nội bộ của Agribank VN.

Sau khi xem xét, HĐXX xét thấy việc Agribank Việt Nam tự ý ban hành những quy định nội bộ không tuân thủ các quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các quy định của pháp luật dẫn đến Agribank chi nhánh 6 bị chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Từ đó, HĐXX quyết định ra quyết định khởi tố vụ án tại phiên tòa về hành vi “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Agribank Việt Nam.

Quyết định này sẽ được gửi tới VKSND Tối cao xem xét, điều tra vụ án. Quyết định trên của HĐXX đã làm “nóng” cả phòng xử án. Như vậy, để xảy ra “đại án” trên, sẽ có thêm một số cựu quan chức ngành ngân hàng vướng vòng lao lý?

M.Phượng