- Nhiều người lao động ở Nam Định rỉ tai nhau đi học ở những trung tâm có khả năng “bao đỗ” và sẵn sàng nộp 2.500 đến 3.000 USD làm “lệ phí chống trượt”. Tuy nhiên, họ đã phải sống trong tâm trạng lo sợ...
LTS: Sau 7 năm đưa lao động đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình cấp phép mới (gọi tắt là EPS) đã có khoảng 6,4 vạn lao động Việt Nam được đưa sang Hàn Quốc làm việc.

Theo quy định, lao động muốn sang làm việc tại Hàn Quốc thì phải  vượt qua kỳ thì kiểm tra tiếng Hàn một cách khắt khe.

Sau khi vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, hồ sơ của lao động sẽ được đưa lên mạng và chủ sử dụng Hàn Quốc sẽ lựa chọn theo hình thức “3 chọn 1”- nghĩa là chủ muốn nhận 1 lao động thì có thể chọn từ 3 hồ sơ có sẵn trên mạng.

Thực tế cho thấy, tỉ lệ lao động Việt Nam được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn khá cao nên nhiều nơi “cò” XKLĐ lợi dụng việc này để thu khống tiền của người lao động.

PV VietNamNet đã về Nam Định, nơi có nhiều người lao động đang rơi vào thảm cảnh “chấp nhận mất tiền” nhưng vẫn chưa thể xuất ngoại…để tìm hiểu về đường dây “cò” XKLĐ”.


Lộ diện đường dây môi giới XKLĐ


Chúng tôi có mặt tại tỉnh Nam Định, khi kỳ kiểm tra tiếng Hàn lần thứ 9 dành cho lao động Việt Nam đang tới rất gần. Nam Định lâu nay không có “truyền thống” đi XKLĐ nhưng giờ đây dọc con đường Giải Phóng, các trung tâm mọc lên như nấm với những thông báo đào tạo tiếng Hàn cấp tốc, thường xuyên.

Nhiều người lao động ở Nam Định rỉ tai nhau đi học ở những trung tâm có khả năng “bao đỗ” và sẵn sàng nộp 2.500 đến 3.000 USD làm “lệ phí chống trượt”.

Cách đây 1 năm, gia đình anh Trần Phú Cường (SN 1978, ở 36P, ô 18, phường Hạ Long, TP Nam Định) đã phải “cắn răng” vay 6 cây vàng để đổi ra 6.000 USD nộp cho bà Vũ Thị Bích Ngọc- cán bộ phòng khai thác thị trường, Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐTB&XH tỉnh Nam Định để bà Ngọc “chạy” cho Cường thi đỗ tiếng Hàn đi XKLĐ tại Hàn Quốc
 

Khi đăng ký vượt qua kỳ thi tiếng Hàn, gia đình Cường đã phải đưa cho bà Ngọc 6.000 USD.


Trong căn nhà mái bằng chật hẹp tại con hẻm nhỏ ở TP. Nam Định, bà Trần Thị Thúy Hiển – mẹ Cường buồn bã cho chúng tôi biết: “Chúng tôi tin tưởng bà Ngọc vì bà ấy làm ở nơi tiếp nhận hồ sơ của lao động đăng ký đi Hàn Quốc. Bà ấy lại có mối quan hệ thông gia bề trên với gia đình chúng tôi và bà ấy cũng từng đưa nhiều người trong họ đi XKLĐ rồi nên không nghi ngờ gì”.

Tiếp lời bà Hiển, anh Cường nói, khi đã đăng ký và nạp tiền, bà Ngọc cam kết sẽ chạy được cho anh đi sớm nhất và hướng dẫn anh tới nhà thầy giáo Thanh để “luyện” tiếng Hàn. Bà Ngọc cũng là người giúp cho anh nộp hồ sơ và đăng ký dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn tại trung tâm nơi bà này làm việc.

Mong muốn được đi làm việc tại Hàn Quốc cộng với sức ép của khoản vay nợ đang đè nặng trên vai, không còn cách nào khác anh Cường phải lao đầu vào học và thi tiếng Hàn nên cuối cùng đã vượt qua.

Sau khi trúng tuyển kỳ thi tiếng Hàn, hồ sơ của anh Cường được đưa lên mạng nhưng chờ mãi vẫn không thấy được gọi đi học giáo dục định hướng để chờ bay. Trong khi đó các bạn học tiếng và thi đỗ cùng đã lần lượt được xuất cảnh.

Trong một cuộc liên hoan chia tay người bạn cùng học tiếng Hàn sau khi bạn đã có thông báo xuất cảnh, anh Cường được bạn cho hay bà Ngọc không có vai trò tác động cho Cường “bay nhanh” được, rồi khuyên nên đòi lại tiền đã nộp cho bà Ngọc.

Nợ nần chồng chất do giá vàng khi vay chỉ 27 triệu/ cây, giờ lên tới hơn 45 triệu/ cây, số lãi từ giá vàng tăng cao đã khiến gia đình Cường mất cả trăm triệu đồng.

Cực chẳng đã ông Trần Văn Thuận - bố Cường đã đến xin bà Ngọc trả lại tiền. Khi ấy, bà Ngọc vẫn khẳng định Cường sẽ được xuất cảnh, song ông Thuận cứng rắn yêu cầu trả lại tiền nên bà Ngọc chấp nhận trả 4.000 USD. Còn 2.000 USD thì bà nhất định không trả với lý do đó là số tiền đã chi để lo cho Cường.

Sống trong sợ hãi


Lần theo đường dây chạy đi XKLĐ Hàn Quốc tại Nam Định, chúng tôi tìm đến nhà Mai H. (xã Lộc An, TP. Nam Định) một lao động đã được xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc. Điều đáng nói để được xuất cảnh sang Hàn Quốc, gia đình Mai H. phải chịu một mức phí quá đắt và phải sống trong tâm trạng hoang mang, lo sợ.

Tại nhà  H., khi nghe chúng tôi hỏi chuyện, bố đẻ của H. không khỏi bức xúc: “Con tôi đi XKLĐ tại Hàn Quốc rồi nhưng người ta còn thuê “đầu gấu” đến đây để đe dọa đòi tiền nhà tôi, dù mức phí gia đình tôi mất cho con đi XKLĐ tại Hàn Quốc quá đắt”.
 
Theo bố H. kể lại, qua “cửa” chạy đi XKLĐ Hàn Quốc của bà Vũ Thị Bích Ngọc, gia đình H. đã nộp 3.500 USD cho bà Ngọc để bà lo cho H. đi học và thi đỗ tiếng Hàn. Tổng mức chi phí mà gia đình H. phải trả cho bà Ngọc là 10.000 USD khi H. nhận được giấy báo xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

Dọc con đường Giải Phóng mọc lên như nấm với những thông báo đào tạo tiếng Hàn cấp tốc, thường xuyên.


Nhận được 3.500 USD của gia đình H., bà Ngọc đã hướng dẫn cho H. đi học tiếng Hàn tại nhà thầy giao Thanh (cùng địa điển với anh Cường) và H. cũng đã may mắn vượt qua kỳ thi tiếng Hàn với mức điểm tối đa 200/200.

Sau khi thi H. đỗ tiếng Hàn và nộp hồ sơ chờ bay thì bất ngờ ông Đoàn Văn Nhạc (là người có quan hệ liên gia với người nhà H.) biết chuyện nên đã nói với bố của H.: "Ông vứt hẳn 3.500 USD nộp cho bà Ngọc đi sau tôi đòi lại cho. Tôi mất 5.000 cho con ông đi”.

Bố H. băn khoăn nên đã hỏi người quen làm công an thì được biết không ai có thể chạy đi Hàn Quốc được nên đã từ chối lời “giúp đỡ” nhiệt tình của ông Nhạc.

Thế nhưng, ngày 25/2/2011,con gái ông Nhạc gọi Mai Hoàng (anh trai của H.) ra để nói chuyện. Sau đó, ông Nhạc đưa cho Hoàng 13 triệu đồng vào nộp cho Sở LĐTB&XH Nam Định, đồng thời yêu cầu Hoàng ký vào tờ giấy cam kết nợ 5.000 USD vì lo cho H. đi Hàn Quốc.

Đến khi H. được bay thì ông Nhạc quay sang đòi bố H. số tiền 5.000 USD mà Mai Hoàng đã ký trong tờ giấy cam kết lo cho H. đi XKLĐ tại Hàn Quốc.

“Ông ấy đòi số tiền 5.000 USD, sau đó ông ấy còn đưa cả dân “đầu gấu" đòi nợ thuê vào nhà tôi đòi tiền. Cuối cùng không còn cách nào khác tôi phải trả 2.500 USD và số tiền 13 triệu vay nộp cho Sở LĐTB&XH” - bố H. cho biết.

Mất tiền oan với ông Nhạc, bố và anh trai của H. đã đến nhà bà Ngọc đòi lại số tiền 2.500 USD thì bà Ngọc đã xé toạc tờ giấy vay nợ trước mặt hai hai người. Cuối cùng, bà Ngọc chỉ trả lại 22 triệu đồng trong tổng số tiền 2.500 USD mà bà đã nhận trước đó.

Điều đáng nói, trong quá trình bố H. đòi tiền bà Ngọc, đã có người gọi điện đến đe dọa. “Họ gọi điện đến dọa bố mẹ em: “mày còn đòi tiền chị tao, tao cho người đến đập nhà mày”... khiến gia đình em rất lo sợ”, Mai Hoàng cho biết.

Ngồi ở góc giường, mẹ của H. vừa nói vừa giàn giụa nước mắt: “Họ còn dọa là cho ăn mày, ăn xin ở bên Hàn Quốc hại con tôi... Bà Ngọc còn vào tận nhà đe dọa chứ không chỉ thuê người đâu. Tối đến cả nhà tôi phải đóng cửa sớm, không ai dám ra ngoài cả…”.

Nhóm PV

(còn nữa)