Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký văn bản bác đơn xin ân giảm của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa.

TIN BÀI KHÁC

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa ký văn bản 2221 bác đơn ân giảm của tử tù Nguyễn Đức Nghĩa. Như vậy, theo quy định mới của luật Thi hành án hình sự, Nguyễn Đức Nghĩa sẽ bị tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Trước đó, vào ngày 11/11/2010, TAND Tối cao mở phiên phúc thẩm xem xét kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa (SN 1984) tại Kiến An, Hải Phòng, hung thủ giết người sau đó chặt đầu, phi tang xác nạn nhân gây rúng động dư luận. Xét hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, HĐXX phiên phúc thẩm đã bác toàn bộ đơn kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Đức Nghĩa tử hình về tội giết người.

Nguyễn Đức Nghĩa bật khóc trước tòa (Ảnh: VietNamNet)

Sau khi bị bác đơn kháng cáo, Nguyễn Đức Nghĩa đã viết đơn xin ân giảm. Ngày 15/11/2010, đơn xin ân giảm của tử tù này đã được Trại giam số 1 phê duyệt và gửi lên Chủ tịch nước.
Trong lá đơn viết trên giấy khổ A4 dài khoảng 20 dòng, Nguyễn Đức Nghĩa đề cập việc có bố là thương binh, đã một tai nạn giao thông, bản thân Nghĩa phạm tội lần đầu tiên khi tuổi đời còn rất trẻ. Tử tù này cũng khẳng định: “Tôi kính xin ông Chủ tịch nước ân giảm án tử hình cho tôi để tôi có cơ hội làm lại cuộc đời, được có cơ hội trở về phụng dưỡng mẹ già cũng như thắp nén nhang trên phần mộ của cha, và trở thành một người dân bình thường”.

Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa sát hại người yêu cũ là một trong những vụ án gây chấn động dư luận nhất trong năm 2010. Vào ngày 4/5/2010, Nguyễn Đức Nghĩa đã ra tay sát hại Nguyễn Phương Linh (SN 1984) trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, người yêu cũ của Nghĩa, tại tòa nhà chung cư thuộc Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội. Sau khi gây án, Nghĩa lấy máy tính xách tay, điện thoại di động và xe máy của nạn nhân đi cầm cố được 5 triệu đồng. Để che giấu hành vi, Nghĩa đã dã man cắt đầu và ngón tay của nạn nhân rồi mang đi vứt tại khu vực thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh

Sau đó, khi cơ quan công an phát hiện thi thể nạn nhân, Nghĩa bỏ trốn lên Thái Nguyên và bị bắt.

Lê Minh (Tổng hợp)