Nhân kỷ niệm 55 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Thụy Điển, Đại sứ quán Thụy Điển tại Hà Nội tổ chức sự kiện "Hương vị Thụy Điển - Quà chiều" nhằm kết nối và giao lưu ẩm thực giữa hai quốc gia, với sự tham gia của ông Erik Videgård, một trong những đầu bếp hàng đầu Thụy Điển.
Erik Videgård từng làm đầu bếp trên truyền hình và đài phát thanh ở Thụy Điển, là nhà phát triển sản phẩm, tác giả sách dạy nấu ăn và nhà sản xuất âm nhạc. Ông đã làm việc chuyên nghiệp ở nhiều nước và giới thiệu ẩm thực châu Á, trong đó có các món Việt, tại Thụy Điển.
Trong bài khai mạc sự kiện, Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, Ann Måwe, nhấn mạnh đây là một minh chứng cho mối quan hệ ngoại giao mạnh mẽ giữa hai quốc gia và sự đánh giá cao về ẩm thực và trao đổi văn hóa. Bà nói: "Hương vị Thụy Điển - Quà chiều" tượng trưng cho một cột mốc quan trọng trong tình hữu nghị bền vững giữa Thụy Điển và Việt Nam. Việc tôn vinh truyền thống ẩm thực giúp chúng ta nâng cao hiểu biết văn hóa và tạo dựng những liên kết vững chắc hơn. Tôi rất vui mừng được chứng kiến sự kết hợp giữa hương vị Thụy Điển và Việt Nam, và tôi tin rằng sự kiện này sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng tất cả những người tham gia, thúc đẩy sự hiểu biết sâu sắc hơn về văn hóa và di sản chung của chúng ta."
Tại Thụy Điển, "Mellanmål" đề cập đến khái niệm của một bữa ăn nhẹ được thưởng thức giữa các bữa chính, thường được thực hiện vào buổi sáng muộn hoặc buổi chiều cung cấp lượng năng lượng, chống lại cơn đói. Việt Nam cũng có khái niệm “quà chiều” tương tự, với những sự lựa chọn phong phú từ món mặn đến món ngọt để “vỗ về” chiếc bụng đói nhưng không muốn ăn quá no át các bữa chính.
Dưới sự hướng dẫn của đầu bếp nổi tiếng Thụy Điển ông Erik Videgård, phối hợp với đầu bếp trưởng một khách sạn lớn tại Hà Nội - ông Nguyễn Đăng Linh, người tham dự sẽ có cơ hội đặc biệt để chứng kiến quátrình chuẩn bị một loạt món ăn và đồ uống hấp dẫn.
Lên thực đơn cho sự kiện, ông Videgård đem đến sự kết hợp mới lạ cho “món quà chiều”, được tạo ra những nét đặc sắc trong ẩm thực của Thụy Điển và Việt Nam ít ai nghĩ tới, như bánh mì Việt Nam với thịt viên kiểu Thụy Điển kèm sốt củ dền hay bánh xèo cuộn xúc xích và sốt mayonnaise.
Sự kết hợp ít người nghĩ cho thấy khả năng sáng tạo vô bờ của người đầu bếp cũng như tính hòa hợp bất ngờ trong những nguyên liệu đặc trưng đến từ hai quốc gia châu Âu và châu Á. Bánh xèo cuộn xúc xích không hề ngấy, ngược lại, đem đến sự bùng nổ về vị giác. Phần vỏ và phần nhân đều có độ giòn và mềm nhất định, thêm một chút mượt mà của sốt mayonnaise đặc chế, giúp sự kết hợp “quà chiều Thụy Điển – Việt Nam” trở thành một bản nhạc vui tươi và đầy cảm hứng trên đầu lưỡi.
Khi được hỏi về ý tưởng của sự kết hợp mới lạ, vị đầu bếp nổi tiếng cho biết: “Thụy Điển và Việt Nam có nền ẩm thực khá khác biệt. Chúng tôi dùng rất nhiều các loại sốt và hạt tiêu, trong khi các bạn sử dụng nhiều loại rau thơm với phong cách nấu khá nhẹ nhàng và đề cao tính tươi mới. Nói đến món bánh xèo cuộn xúc xích, tôi lấy ý tưởng từ món bánh Taco Thụy Điển. Thay vì lấy vỏ bánh Taco truyền thống, tôi sử dụng vỏ bánh xèo, và xem ra cũng rất thích hợp”.
Tương tự, những chiếc bánh mì Việt Nam nho nhỏ với phần nhân là thịt viên Thụy Điển gợi nhớ đến món bánh mì xíu mại, vừa quen vừa lạ.
Được cả châu Âu yêu thích, thịt viên Thụy Điển từ lâu được coi là một trong những đặc sản phải nếm khi đến với quốc gia này. Món này được làm từ thịt bò, thịt gà, thêm sữa tươi, bột mì, trứng và một số gia vị khác, sau đó đem chiên hoặc nướng.
Theo truyền thống, thịt viên Thụy Điển được ăn kèm khoai tây nghiền hoặc luộc, nhưng “nhập gia tùy tục”, thịt viên Thụy Điển trong sự kiện "Hương vị Thụy Điển - Quà chiều" được dùng làm nhân cho bánh mì Việt Nam, vô cùng thích hợp cho một bữa xế ngày cuối tuần. Một chút vị chua và ngọt tự nhiên của salad củ dền là cầu nối hoàn hảo để thịt viên Thụy Điển hòa hợp cùng bánh mì Việt Nam.
Ông Erik Videgård tiết lộ, dù đây là lần đầu tiên đến Việt Nam, ông đã biết và ăn các món ăn Việt Nam trong khoảng 30 năm, với các món yêu thích đến nỗi ông có thể gọi tên bằng tiếng Việt, như “bánh xèo”, “phở”, “bún chả” hay “nem”.
Người đầu bếp có dáng vẻ gầy guộc nhưng tràn đầy năng lượng và cảm hứng chia sẻ: “Tôi rất vui mừng khi được tham gia sự kiện ẩm thực độc đáo này, với mục đích tôn vinh sự trao đổi văn hóa giữa Thụy Điển và Việt Nam. Đồ ăn có sức mạnh đáng kinh ngạc để liên kết mọi người, thu ngắn khoảng cách và tạo ra sự hiểu biết chung. Tôi rất hân hạnh được chia sẻ đam mê ẩm thực của mình và đóng góp chung vào sự kiện ý nghĩa này. Tôi thấy được sự kết hợp của hai nền ẩm thực Việt Nam và Thụy Điển và thực sự muốn có nhiều cơ hội để quay lại Việt Nam, học hỏi thêm về ẩm thực Việt Nam và nếm thử nhiều món ngon của các bạn”.
Qua sự kiện "Hương vị Thụy Điển - Quà chiều", cùng tài năng và tấm lòng của đầu bếp Erik Videgård, có thể thấy quà chiều, dù chỉ là những món ăn nho nhỏ, cũng có thể trở thành một thử nghiệm ẩm thực sáng tạo. Sự kết hợp khái niệm "Mellanmål" đến từ Thụy Điển với ẩm thực Việt Nam hứa hẹn một hành trình hương vị và văn hóa đặc sắc, đa dạng và đầy cảm hứng.