Tiềm năng, cơ hội thị trường quốc tế rất lớn

“Theo thống kê của chúng tôi, Việt Nam đã có 45.403 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Hết năm 2023, khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đã đi ra nước ngoài, doanh thu khoảng 7,5 tỷ USD, tương đương 80% tổng doanh thu của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Tuy nhiên, so với mức chi tiêu công nghệ thông tin của thế giới thì con số 7,5 tỷ USD này vẫn cực kỳ nhỏ bé. Gartner dự kiến chi tiêu công nghệ thông tin toàn cầu năm 2024 là khoảng 5.000 tỷ USD, trong đó, chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và chi tiêu cho truyền thông khoảng 1.500 tỷ USD, chi tiêu phần mềm khoảng 1.000 tỷ USD, còn lại là các dịch vụ khác”, ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, cung cấp một số số liệu đáng chú ý tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 5/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra chiều 13/5. 

DN cong nghe so 3.jpg
Ông Lê Nam Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông phát biểu tại buổi họp báo (Ảnh: Thảo Anh).

Ông Trung đánh giá cao hoạt động kinh doanh quốc tế mở ra một không gian mới, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tăng trưởng doanh thu, khẳng định uy tín, thương hiệu sản phẩm “Make in Vietnam”, khẳng định vị thế công nghệ thông tin Việt Nam trên thế giới. Các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài cũng sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước, gia tăng cơ hội để Việt Nam gia nhập chuỗi toàn cầu. 

Theo đánh giá của các tổ chức/công ty nghiên cứu thị trường, Việt Nam hiện nay nằm trong Top cao của các quốc gia có triển khai các dịch vụ công nghệ thông tin, phần mềm. Các yếu tố đánh giá chính gồm: Sự hấp dẫn về tài chính, Kỹ năng và sự sẵn có của nguồn nhân lực; Môi trường kinh doanh; Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. 

“Việt Nam được đánh giá cao về các nguồn lực chi phí thấp, cộng với cách tiếp cận nhiều mới mẻ, năng động, và năng lực chuyển đổi số của Chính phủ tương đối cao. Tiềm năng, cơ hội thị trường quốc tế đối với các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam rất lớn. Vấn đề là chúng ta có nắm bắt, tận dụng được cơ hội hay không”, ông Trung lưu ý.

Trước đó, tại Hội nghị Hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hồi cuối tháng 3/2024 ở Hà Nội, hàng loạt lời mời gọi hấp dẫn đã được đại diện các cơ quan thương mại và đầu tư từ 7 thị trường lớn gồm Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản gửi tới doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

“Với tổng dung lượng thị trường công nghệ trị giá hơn 1 nghìn tỷ USD, Vương quốc Anh (UK) rộng cửa chào đón doanh nghiệp công nghệ Việt”, ông Will Lawrenson, Phó Tổng Lãnh sự, Trưởng phòng Đầu tư – Thương mại, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam nhấn mạnh.

Bà Eunjung Han, Phó Chủ tịch, Tiểu ban Kĩ thuật số, EuroCham nhận xét: “Thị trường số châu Âu tiềm tàng nhiều cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khai thác. Một số lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm gồm: Thương mại điện tử; Quảng cáo số; Fintech (công nghệ tài chính)… và đặc biệt là AI trong bối cảnh đầu năm 2024, Nghị viện Châu Âu vừa thông qua Đạo luật AI - bộ quy tắc cơ bản đầu tiên trên thế giới để quản lý AI.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Jetro tha thiết đề xuất: “Nhật Bản đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động và kỹ sư công nghệ thông tin trầm trọng. Thị trường Nhật Bản cần các doanh nghiệp Việt tham gia hỗ trợ hợp tác, cùng tạo ra giá trị và thu lại lợi ích. Chúng tôi rất muốn doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản”. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt đã tăng cường giao dịch kinh doanh, đầu tư tại Nhật Bản, hiện đã đảm nhiệm các nhiệm vụ liên quan đến hoạt động chuyển đổi số phức tạp. Có thể kể tới: FPT Software; Luvina, VietIS, Tinh Vân, NTQ Solutions, Kaopiz, CMC, HBLab, AHT Tech, Techvify, Bunbu, BCC IT Innovation, Rabiloo, Solashi, Goline, B&K, SYP… Trong đó, FPT là doanh nghiệp thành công nhất.

Bà Deepti Mittimani, Phó Chủ tịch phụ trách Kinh doanh  quốc tế, Hiệp hội Thương mại Việt Nam - Ấn Độ (Incham) cũng mong muốn phát triển mối quan hệ hợp tác của doanh nghiệp hai nước Việt Nam - Ấn Độ. Có 3 lĩnh vực doanh nghiệp công nghệ số Việt có thể ưu tiên đầu tư, kinh doanh tại thị trường Ấn. Một là công nghệ thông tin với các ngành tiềm năng gồm: Cơ sở hạ tầng truyền thông số, dịch vụ 5G, thiết kế và sản xuất hệ thống điện tử, trung tâm dữ liệu. Ước tính nền kinh tế số của Ấn Độ sẽ có trị giá 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025. Hai là Fintech công nghệ tài chính) với các mảng: Công nghệ bảo hiểm, ngân hàng số, phần mềm dựa trên đám mây cho công nghệ tài chính. Dự tính lĩnh vực Fintech của Ấn Độ sẽ đạt giá trị 1,3 nghìn tỷ USD vào năm 2025 và khoảng 2,1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Và ba là công nghệ giáo dục, dự kiến đạt 225 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Chris Morley, Uỷ viên Thương mại và Đầu tư Austrade khuyến nghị, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có thể khai thác 5 cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ tại Úc, đó là: Fintech; Công nghệ 5G; An ninh mạng; Công nghiệp trò chơi điện tử; Công nghệ lượng tử.

Ông Stephen L. Green, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam thuộc mọi quy mô tham gia hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp Mỹ: “Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư hàng trăm triệu USD tại xứ sở cờ hoa. Chúng tôi mong chờ có thêm nhiều doanh nghiệp Việt đầu tư và hoạt động thành công tại Mỹ”.

Ông Kim MinSeuk, Giám đốc Trung tâm Hợp tác công nghệ thông tin Hàn Quốc (KICC) gợi mở tương lai: Bằng sự hợp tác, Việt Nam và Hàn Quốc có thể giành chiến thắng trước các ông lớn công nghệ toàn cầu ở cả hai nước. Dự kiến vào năm 2027, xứ sở kim chi sẽ thiếu hụt trầm trọng lực lượng nhà phát triển (12,8 triệu người trong lĩnh vực AI, 18,8 triệu người trong lĩnh vực điện toán đám mây). Rất nhiều dự án AI đang được thực hiện ở Hàn Quốc bởi cả khu vực công và tư nhân. Hàn Quốc sẽ là nơi thử nghiệm tốt nhất cho các công ty khởi nghiệp AI có tài năng ở Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Các bộ/ngành sẵn sàng đồng hành

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm nhận định tại Hội nghị Hợp tác số toàn cầu: “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, mang sản phẩm dịch vụ số “Make in Vietnam” đi ra thế giới, giải các bài toán về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của các nước, trở thành các tập đoàn, doanh nghiệp số toàn cầu. Phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư ra nước ngoài là sứ mệnh rất vinh quang, nhưng cũng gắn với nhiều thách thức, rủi ro. Hiểu về thị trường, về năng lực và thế mạnh của mình, sẽ là tiền đề quan trọng để chúng ta có các bước đi chắc chắn, tự tin ra thế giới”.

“Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường, mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác ở các nước. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương cùng các cơ quan, tổ chức liên quan sẽ đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp trong tiến trình này”, Thứ trưởng Phan Tâm khẳng định. 

DN cong nghe so 2.jpg
Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thị trường quốc tế (Ảnh: Bình Minh)

Tại buổi Họp báo thường kỳ tháng 5/2024 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin Lê Nam Trung, thông tin cụ thể hơn về những hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài đã được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai trong năm 2023.  

Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức 60 đoàn đưa doanh nghiệp ra nước ngoài tại một số quốc gia như Singapore, Úc, New Zealand, Anh, Mỹ, Nhật, Tây Ban Nha... Kết nối 50 doanh nghiệp Việt Nam đến 3.000 doanh nghiệp quốc tế trong các phân khúc liên quan triển khai AI, bán dẫn, fintech… Tổ chức 100 cuộc Business Matching của doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài. Tổ chức 50 sản phẩm công nghệ “Make in Vietnam” tiêu biểu để đưa đến toàn thế giới tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu từ ngày 14 – 17/9/2023. Tổ chức các cuộc làm việc giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiêu biểu với các tham tán của một số quốc gia…

Nhằm cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ, đưa doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam vươn ra chinh phục thế giới, ngay từ đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông.

Thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung triển khai một loạt giải pháp gồm: Làm việc với đơn vị liên quan của Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương để thiết lập kênh, đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp tại các thị trường nước ngoài (đặc biệt tập trung vào các nước như: Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…); Khảo sát nhu cầu, khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia thị trường nước ngoài; Xây dựng Cơ sở dữ liệu Doanh nghiệp Việt Nam đang làm cho thị trường nước ngoài để xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ, tương hỗ lẫn nhau khi tham gia thị trường nước ngoài; Phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường nước ngoài để nghiên cứu, thu thập thông tin thị trường công nghệ thông tin để làm cơ sở cho các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo, xây dựng phương án kinh doanh; Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đoàn ra hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư cho doanh nghiệp (tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo liên quan đến giới thiệu, quảng bá sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông; Truyền thông, quảng bá thương hiệu, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam…

Liên quan tới hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam ra nước ngoài, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Tới cuối tháng 3/2024, Việt Nam đã có 207 dự án đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tổng vốn đăng ký 2,82 tỷ USD (chiếm gần 13% tổng vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài), sang 33 quốc gia. Phần lớn dự án đầu tư tập trung vào Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…

Các dự án viễn thông có quy mô lớn thường tập trung vào các nước châu Phi, các nước kinh tế đang phát triển. Viettel là một trong những nhà đầu tư rất thành công trong việc góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như chuyển đổi số cho các nước đang phát triển, đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của những nước này.

Mới đây, Cục Đầu tư nước ngoài vừa nhận hồ sơ đề nghị tăng vốn của FPT ở 4 thị trường: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức và Singapore. Cùng với đó, FPT và nhiều doanh nghiệp lớn cũng đang có hồ sơ thúc đẩy hoạt động kinh doanh ra quốc tế tại các thị trường khác nữa.

Liên quan tới câu chuyện đồng hành cùng doanh nghiệp, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện diện trên thị trường quốc tế. Dự kiến trong năm 2024 – 2025 sẽ tiếp tục có những hoạt động tương tự như tổ chức hội chợ quốc tế tại Việt Nam cho các sản phẩm xuất nhập khẩu; tổ chức đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài; kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại…

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khi tiến ra thị trường nước ngoài có thể hoạt động trong nhiều mảng khác nhau (phần mềm cho hệ thống, phần mềm cho ứng dụng, hoạt động tư vấn, cung cấp nguồn nhân lực, xử lý số liệu…), và bao phủ rất nhiều ngành khác nhau (y tế, giáo dục, nông nghiệp, ngân hàng, bán buôn, bán lẻ…).

Một trong những lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam khi ra thị trường thế giới, đó là mức lương: Chỉ 7,5 USD/giờ cho nghiệp vụ BPO (dịch vụ nghiệp vụ doanh nghiệp), 9,09 USD/giờ cho nghiệp vụ IT outsourcing (phát triển phần mềm, quản trị web, quản trị hệ thống…), 1,29 USD/giờ cho dịch vụ IT Implementation (chăm sóc khách hàng, dịch vụ thanh toán, đảm bảo chất lượng…), và 7,5 USD/giờ cho các dịch vụ khác (tích hợp hệ thống, cài đặt và duy trì phần mềm, đào tạo…). Mức lương này chỉ bằng 1/10 mặt bằng lương chung của thế giới.

“Ra nước ngoài là chủ trương đúng. Tại sao chỉ cạnh tranh thị trường trong nước trong khi miếng bánh cơ hội thị trường nước ngoài rất nhiều. Hiện thị phần của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên thị trường ngoại còn thấp. Tại Hàn Quốc đã có nhiều doanh nghiệp Việt như CMC, FPT…, song thị phần của doanh nghiệp công nghệ số Việt vẫn còn rất khiêm tốn, mới chỉ đạt dưới 1%”, ông Đặng Khánh Linh, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại giao thẳng thắn nêu quan điểm tại Hội nghị Hợp tác số toàn cầu với chủ đề “Cơ hội của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tại thị trường nước ngoài” do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hồi cuối tháng 3/2024.