Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay, hiện, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, điển hình là các vi phạm như phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ,...
Theo bà Chi, nhóm đối tượng vi phạm an toàn giao thông rất nhiều trong thời gian vừa qua là học sinh THPT. “Những vụ tai nạn giao thông gây nên những hậu quả thảm khốc, để lại những đau xót cho các gia đình, dòng họ và các nhà trường. Nhưng trong thực tế, những học sinh lại chưa phải chịu những sự quản lý chặt chẽ về mặt pháp lý, pháp luật như yêu cầu bằng lái xe, chế tài xử lý về trách nhiệm công dân...”, bà Chi chia sẻ.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho hay, năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em. Như vậy, có khoảng 2.100 trẻ em tử vong và bị thương (khoảng 900 em tử vong, gần 1.200 em bị thương).
Cũng theo thống kê, gần 1.500 em trong độ tuổi học sinh trung học phổ thông thương vong.
“Nhìn con số các cháu tử vong như thế này, ai mà không xót xa. Nuôi bao giờ cho được một đứa con. Nhưng những đứa trẻ ở độ tuổi 15-18, ra đường là tử vong”, ông Hùng nói và cho rằng vấn đề này cần được vào cuộc một cách nghiêm túc.
Ông Hùng cho hay, thời gian tới, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT và UBND một số địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức thí điểm một khóa dạy về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe máy an toàn cho học sinh THPT và tổ chức sát hạch như sát hạch cấp phép lái xe, trước mắt sẽ thí điểm ở các tỉnh Hà Nam, Lào Cai...
Ông Hùng đề nghị Bộ GD-ĐT xem xét nội dung giáo dục pháp luật cần được quy trách nhiệm người đứng đầu cơ sở giáo dục, thậm chí đến từng giáo viên chủ nhiệm các lớp khi yêu cầu các phụ huynh, học sinh cam kết không vi phạm an toàn giao thông...
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Kim Chi cho hay Bộ GD-ĐT sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để thảo luận, xây dựng và ban hành thông tư quy định về giáo dục an toàn giao thông trong trường học.
Theo đó, các kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn giao thông được tích hợp vào các môn học chính khóa, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục sẽ được quy định cụ thể trong chương trình giáo dục mầm non, chương trình phổ thông.
Ngoài ra, cũng sẽ quy định rõ thời lượng tổ chức các hoạt động giáo dục an toàn giao thông trong các nhà trường đối với từng cấp học.