Viện Pháp tại Hà Nội vừa phối hợp với Nhà xuất bản Tri thức tổ chức tọa đàm ra mắt Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945: Khai sinh và tiến trình của GS Bùi Xuân Bào.
Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 - 1945: Khai sinh và tiến trình nguyên là luận án thứ hai (phụ) mà GS Bùi Xuân Bào đệ trình cùng luận án thứ nhất (chính) để lấy bằng Tiến sĩ Văn chương Quốc gia tại Đại học Sorbonne (Pháp) năm 1961. Năm 1972, luận án được in thành sách tại Sài Gòn, góp mặt trong tủ sách Nhân văn Xã hội, tới năm 1985 thì được in tại Paris trong tủ sách Đường Mới. Bản dịch lần này là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris.
GS Bùi Xuân Bào là một học giả văn học và nhà giáo có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam và Pháp. Sinh ra trong một gia đình có nền tảng văn hóa vững chắc và có cơ hội được du học tại Pháp, ông nghiên cứu và nuôi dưỡng đam mê với văn chương. Sau khi trở về Việt Nam, ông tiếp tục cống hiến cho văn học và giáo dục nước nhà. Bằng sự liêm khiết và tận tâm với nghiên cứu văn học cũng như vai trò trong giáo dục và ngoại giao, Bùi Xuân Bào đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử văn hóa của Việt Nam và Pháp.
Cuốn sách này bao gồm rất nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm mà bạn đọc ngày nay ít biết, những câu trích dẫn rất đắt, những nhận định của người đương thời. Tất nhiên, cũng có một số ý kiến chưa thỏa đáng đối với nhà văn hay tác phẩm nào đó, khác hẳn với những đánh giá hiện thời. Nhưng chúng ta hãy nhớ đây là một tài liệu lịch sử, đã ra đời cách nay hơn 70 năm.
Chính vì tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, sự khác biệt trong quan niệm của tác giả mà cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam và đông đảo công chúng.
Tác giả Bùi Xuân Bào định nghĩa tiểu thuyết Việt Nam hiện đại “theo cách hiểu rộng nhất bao gồm tất cả các tác phẩm hư cấu bằng văn xuôi được thể hiện dưới hình thức tự sự và được viết bằng chữ quốc ngữ”.
Ông không nghiên cứu tiểu thuyết với tư cách là một thể loại riêng biệt mà như một cấu thành của quá trình chuyển đổi tư tưởng văn hóa từ xã hội truyền thống phương Đông sang xã hội hiện đại kiểu phương Tây. Tiểu thuyết hiểu theo nghĩa như vậy là sản phẩm của thời nay, “đối lập với tiểu thuyết thời xưa gồm tất cả các truyện hư cấu viết trước thế kỷ XX”.
GS Bùi Xuân Bào đã vượt lên cách phân chia sáng tác của các học giả Dương Quảng Hàm, Mộc Khuê, Nguyễn Xuân Huy để nhìn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại một cách khác. Cuốn sách có sự phân tích đánh giá tác phẩm của các nhà văn được xét đến. Tác giả đề cao sự hài hòa của nội dung và lối viết, tuy chưa có điều kiện đi sâu vào kỹ thuật của tiểu thuyết như các nhà nghiên cứu về sau nhưng ông cũng không ngại đưa ra sự chê trách.
“Tôi nghĩ cuốn sách vẫn còn những vấn đề mà ngày nay chúng ta cần bàn thêm nhưng tác phẩm này thực sự có ích cho những nhà nghiên cứu văn học Việt Nam”, GS.TS Trần Đình Sử, nguyên giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay.
Nhấn mạnh điểm độc đáo của Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925-1945: Khai sinh và tiến trình, PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Trưởng khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “GS Bùi Xuân Bào mô tả tính đa dạng của tiểu thuyết Việt Nam trong từng giai đoạn, qua đó kể câu chuyện riêng của ông về tiểu thuyết. Đây là một chứng tích lịch sử giúp độc giả hình dung về giai đoạn người Việt Nam đã tiếp thu tư tưởng khai phóng giáo dục đại học và khoa học Pháp. Từ đó, áp dụng để viết về lịch sử, văn học, văn hóa của dân tộc mình”.
Nói về quá trình biên dịch, dịch giả - nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bày tỏ: “Cái may của tôi khi biên lại tác phẩm này ở chỗ ông Bào đã cẩn thận ghi chú và trích dẫn cụ thể các đoạn trích từ tiếng Việt sang tiếng Pháp. Nếu không thì người dịch hay người đọc cũng đành bó tay không hiểu”.
Tận dụng phương pháp nghiên cứu và lý luận Tây phương ở đại học Sorbonne, Giáo sư Bùi Xuân Bào với Tiểu thuyết Việt Nam 1925-1945: Khai sinh và tiến trình giúp người Việt hiểu thấu kho tàng văn học quý báu của dân tộc. Từ đó giúp cho cuốn sách trở thành một tư liệu tham khảo tốt cho những ai yêu mến và quan tâm đến văn xuôi quốc ngữ Việt Nam.
Ảnh: BTC