Hồi tuần trước, Đại sứ Israel tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Gilad Erdan cho biết quốc gia Trung Đông này đang "làm việc để cung cấp cho Ukraine hệ thống cảnh báo sớm". Theo ông Erdan, những hệ thống này sẽ giúp “cứu mạng sống dân thường Ukraine khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa, và máy bay không người lái (UAV) của Nga”.
Chia sẻ với tờ Business Insider, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Israel cho biết hệ thống cảnh báo sớm gửi cho Ukraine sẽ "không phải là Iron Dome", hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Israel. Người phát ngôn nói thêm đây là "hệ thống báo động giúp người dân tìm nơi trú ẩn", và sẽ khá giống hệ thống radar Tzeva Adom hay “Mật mã đỏ” của Israel.
Hệ thống radar cảnh báo sớm Tzeva Adom ban đầu được Israel lắp đặt tại các thị trấn xung quanh Dải Gaza vào cuối những năm 1990. Hiện tại, hệ thống này đã bao phủ toàn bộ Israel. Khi phát hiện dấu hiệu phóng tên lửa, hệ thống cảnh báo sẽ được tự động kích hoạt. Israel hiện là một trong những nước dẫn đầu thế giới về hệ thống phát hiện cảnh báo sớm.
Việc sử dụng hệ thống này ở Ukraine đồng nghĩa với việc Israel sẽ cử các chuyên gia đến giúp Ukraine tích hợp. Người phát ngôn của Israel hiện chưa thể xác nhận khi nào việc này diễn ra, nhưng nhấn mạnh hệ thống Tzeva Adom và những hệ thống tương tự sẽ giúp người dân Ukraine có thêm thời gian để di chuyển đến các hầm trú an toàn.
Bước ngoặt quan hệ Nga – Israel
Trong 2 năm bùng nổ xung đột Nga - Ukraine, Israel đã tuân theo đường lối ngoại giao cẩn trọng. Theo ông Erdan, trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, Israel đã gửi "hơn 100 tấn thiết bị nhân đạo" cho Ukraine.
Một bệnh viện dã chiến ở biên giới Ukraine đã "điều trị cho hơn 7.000 người bị thương", và "hàng trăm bệnh nhân Ukraine được chăm sóc tốt nhất có thể" tại các bệnh viện và trung tâm phục hồi chức năng trên khắp Israel.
Tuy nhiên, Israel không viện trợ quân sự cho Ukraine, hoặc tham gia các biện pháp trừng phạt của phương Tây để tránh khiêu khích Nga.
Mặc dù việc Israel gửi hệ thống cảnh báo sớm khó có thể tạo ra thay đổi đáng kể đối với cục diện xung đột Ukraine, nhưng nó vẫn báo hiệu sự thay đổi lớn trong chính sách đối ngoại của Israel. Thậm chí, ông Erdan còn gọi Ukraine là "đồng minh", và "những người bạn cần giúp đỡ" của Israel.
Còn theo ông Amir Weitmann, chính trị gia thuộc đảng cầm quyền Likud của Israel, đây "chỉ là bước khởi đầu" trong cam kết của Israel với Ukraine.
Song ông cho biết Israel hiện "không có khả năng" cung cấp vũ khí cho các quốc gia khác, nhất là khi Israel đang phải chiến đấu với nhóm vũ trang Hezbollah có kho dự trữ lên tới 150.000 tên lửa và rocket.