Trái cây thường chỉ có 1 trong 4 vị: đắng, cay, ngọt, chua. Tuy nhiên, ở núi rừng Tây Nguyên, có một loại quả đặc biệt tạo ra vị mặn như muối, từng được nhiều người sử dụng thay muối.
Theo Người Đưa Tin, đây là loại quả của cây muối rừng (còn gọi là cây sơn muối, diêm phu mộc).
Đây là loại cây thân gỗ, cao từ 2-8m, phân thành nhiều cành. Hoa muối rừng màu vàng, mọc thành từng chùm. Quả muối rừng tròn, nhỏ như hạt đậu, có màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng cam hoặc đỏ và nâu sậm.
Cây muối rừng thường ra hoa từ tháng 6-7 và ra quả từ tháng 10 đến tháng 11. Ở Việt Nam, chúng mọc nhiều ở khu vực Tây Nguyên.
Ngoài Việt Nam, cây muối rừng còn xuất hiện ở một số nước khác như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc.
Điểm đặc biệt của quả muối rừng là dịch mà nó tiết ra có chứa muối. Chỉ cần bóp nhẹ quả muối rừng là “muối mặn” sẽ tiết ra, sau đó có thể sử dụng để chế biến như gia vị thông thường.
Trước đây, loại quả này mọc hoang trong rừng và tự rụng nhưng không có ai thu hái. Sau này, người dân ở một số nơi tại Tây Nguyên đã vào rừng hái trái muối rừng về sử dụng như một thứ gia vị thay muối bởi nó có vị mặn đặc trưng.
Những năm gần đây, quả muối rừng bỗng được ưa chuộng. Loại quả này được các đầu bếp tại các nhà hàng lớn biết đến và “săn lùng” để chế biến các món ăn độc đáo.
Bán quả muối rừng trên chợ mạng, chị Thùy Linh (ở TP.HCM) chia sẻ trên Tri Thức và Cuộc Sống: sở dĩ quả rừng này được ưa chuộng bởi nó có vị mặn và chua thanh, mùi thơm nên lúc tạo ra món ăn sẽ đưa lại những hương vị khác biệt. Ngoài ra, người ta còn giã hạt muối rừng thành bột rồi trộn với các món nộm hoặc chỉ cần chấm thịt lợn luộc với nước làm từ loại hạt này là ăn không biết ngán.
Muối rừng là nguyên liệu làm nên hương vị đặc biệt của món gà thả vườn. Thịt gà vốn rất hợp với muối tiêu chanh nên khi dùng trái muối rừng làm gia vị, chất mặn vừa phải, hương chua thoang thoảng hòa quyện đều vào thịt, cho cảm giác thơm ngon mà không ngấy.
Theo Tri Thức và Cuộc Sống, quả muối rừng giờ trở thành gia vị độc đáo xuất hiện trên bàn tiệc cao cấp, được các đầu bếp nhà hàng sử dụng để chế biến món ăn.
Một đầu bếp ở Kon Tum đã giới thiệu tại bàn tiệc Chiếc Thìa Vàng món cá chạch gai xốt muối rừng ăn kèm ngũ vị lá.
Do quả muối rừng được nhiều người tìm mua nên gần đây, đến mùa, bà con dân tộc lại vào rừng hái quả muối rừng bán cho thương lái hoặc bày bán ở bên đường để phục vụ khách du lịch. Một kg quả muối rừng có giá khoảng 120.000 đồng/kg.
Ngoài quả tươi, nhiều người còn đem phơi khô quả muối rừng và nghiền thành bột để dùng quanh năm và bán cho các nhà hàng, quán ăn.