Các quan chức Mỹ đã lo ngại, chỉ một tên lửa hoặc máy bay không người lái (UAV) bắn trúng và khiến nhiều người Israel thiệt mạng, Trung Đông có thể chìm trong biển lửa.
Vì vậy, khi các lực lượng Israel và Mỹ, với sự giúp đỡ của Anh, Pháp và các đồng minh Ảrập, tạo được lớp phòng thủ gần như hoàn hảo, bắn chặn thành công 99% trong tổng số hơn 350 tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV do Iran phóng về phía Israel lúc rạng sáng 14/4, họ coi đây không chỉ là một kỳ tích quân sự và ngoại giao, mà còn là một chiến thắng lớn cho nỗ lực ngăn chặn leo thang xung đột ở Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Theo báo New York Times, việc bảo vệ thành công Israel là kết quả của 10 ngày phối hợp ngoại giao và quân sự căng thẳng của chính quyền Biden cũng như nỗ lực xây dựng các mối quan hệ an ninh khắp khu vực của các chính quyền Mỹ tiền nhiệm trong nhiều năm.
Jordan, quốc gia luôn chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch quân sự chống Phong trào Hồi giáo Hamas của Israel ở Dải Gaza, đã bắn hạ các UAV của Iran bay qua lãnh thổ của nước này trên đường hướng tới Israel. Một khẩu đội phòng không Patriot của Mỹ đặt tại Iraq đã phá hủy tên lửa đạn đạo của Iran di chuyển qua không phận quốc gia Trung Đông này.
Ở một số khía cạnh, sự hợp tác lớn hơn chống Iran là kết quả của nền chính trị đang thay đổi trong khu vực, được minh họa bằng Hiệp định Abraham ký kết dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, qua đó các quốc gia Ảrập như Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất(UAE) và Bahrain đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel lần đầu tiên. Chính quyền Biden đã cố gắng kéo Ảrập Xêút tham gia hiệp định. Dù chưa đạt thỏa thuận nào, nhưng các lãnh đạo ở Riyadh đã sẵn sàng xây dựng quan hệ với Tel Aviv một phần vì chung hiềm khích với Tehran.
Phát ngôn viên Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ John Kirby ca ngợi đây là “thành công ngoạn mục, chứng tỏ một Israel mạnh hơn, một Iran yếu hơn và một liên minh - đối tác thống nhất hơn”. Ông Kirby nói đó là kết cục Iran không mong muốn. Ông đồng thời phủ nhận các đồn đoán cho rằng Tehran thực sự không muốn gây tổn hại lớn cho Israel nên đã báo trước cho các nước láng giềng và Mỹ biết về thời gian và mục tiêu tấn công.
Washington hiện hy vọng những diễn biến cuối tuần qua có thể đủ giúp cả 3 “người chơi chính” tuyên bố chiến thắng và rời đi. Iran có thể yêu cầu được minh oan vì tấn công trả đũa vụ tập kích của Israel vào đại sứ quán nước này ở Damascus, Syria hồi đầu tháng 4, khiến một chỉ huy Lực lượng Quds tinh nhuệ và 6 sĩ quan khác thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) thiệt mạng. Israel đã cho thế giới thấy quân đội của họ quá đáng gờm để thách thức và Iran bất lực trước họ. Và Mỹ đã giữ cho khu vực này không chìm trong bạo lực thêm một ngày nữa.
Tuy nhiên, mọi chuyện có thể không diễn ra theo cách đó. Thay vì hài lòng với chiến thắng như hiện tại, các quan chức chính phủ và lãnh đạo quân đội Israel hôm 15/4 tuyên bố sẽ đáp trả Iran, dù không nói rõ khi nào hay bằng cách nào. Các cố vấn của ông Biden đang theo dõi chặt tình hình để xem điều gì sắp xảy ra.
Theo giới phân tích, một cuộc tấn công mạng ít gây chú ý hơn hoặc một hành động quân sự rõ ràng nhưng có giới hạn có thể thỏa mãn mong muốn của Tel Aviv trong việc tái thiết lập khả năng răn đe mà không kích động Tehran bắn trả lần nữa. Ngược lại, một cuộc tấn công diện rộng và trực diện hơn vào đất Iran có thể khiến Tehran phản kích, kéo theo nguy cơ xung đột bùng nổ thành một cuộc chiến kéo dài, ngày càng nguy hiểm.
Laura Blumenfeld, cựu cố vấn chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ hiện là chuyên gia phân tích Trung Đông tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Johns Hopkins đánh giá, ông Biden đã làm được điều tốt nhất cuối tuần trước và “cuộc trình diễn phòng thủ trên không do Mỹ dẫn đầu cùng các đối tác châu Âu và Ảrập giống như đoạn giới thiệu phim hành động về một liên minh phòng không mới ở Trung Đông”. Song, bà Blumenfeld lưu ý, mối đe dọa vẫn chực chờ vì Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) chắc chắn sẽ “ăn miếng, trả miếng” Iran.
Một số nhà phân tích khác lại nhận định, ông Biden đã tính toán sai. Họ lập luận, nỗ lực tránh leo thang của ông có thể kích hoạt sự leo thang khác thay vào đó, vì Tehran và các kẻ thù khác của Israel đã thấy cơ hội khai thác những bất đồng ngày càng công khai giữa Washington và Tel Aviv về chiến dịch chống Hamas của IDF ở Dải Gaza.
“Nhận thức về sự chia rẽ này có thể là nguyên nhân khiến Iran thực hiện bước đi chưa từng có là tấn công trực tiếp vào Israel. Việc ngăn chặn các cuộc tấn công sau khi chúng bắt đầu không giống việc ngăn cản chúng diễn ra. Nếu đội ngũ của ông Biden một lần nữa tìm cách tạo ra khoảng trống giữa họ và Israel, điều đó sẽ gây ra thêm xung đột”, Ray Takeyh, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Hội đồng đối ngoại Mỹ bình luận.
Bản thân ông Biden phát biểu rất ít về vụ Iran tấn công Israel. “Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi đã đánh bại cuộc tấn công đó. Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Israel”, ông Biden tuyên bố ngắn gọn tại cuộc gặp Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani tại Nhà Trắng hôm 15/4.
Phần đông các nhà quan sát nhất trí rằng, đụng độ mới bùng phát giữa Israel - Iran đã chuyển hướng sự chú ý khỏi cuộc xung đột ở Gaza đúng vào thời điểm ông Biden bắt đầu gây áp lực buộc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phải làm nhiều hơn nữa để giảm bớt đau khổ cho dân thường Palestine trong khu vực.
Theo Shibley Telhami, một học giả về Trung Đông tại Đại học Maryland, ông Netanyahu có thể muốn kéo dài căng thẳng với Tehran, “vừa để đánh lạc hướng chú ý khỏi thảm họa nhân đạo ở Gaza, vừa như một cách chuyển trọng tâm sang một vấn đề mà ông ấy có nhiều khả năng nhận được sự đồng cảm của Mỹ và phương Tây hơn”. Học giả này tin, thành công cuối tuần qua không thể bù đắp được “thiệt hại do thất bại chiến lược” của Mỹ trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn ở Gaza.
Tuy nhiên, Natan Sachs, giám đốc Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings ở Washington cho rằng, việc ngăn chặn xung đột lớn hơn ở Trung Đông không phải là vấn đề dễ dàng, ít nhất là vào thời điểm hiện tại. Ông Sachs nhấn mạnh Tổng thống Biden xứng đáng được ngợi khen về thành công bước đầu trong việc kiểm soát xung đột Israel – Iran. Song, chuyên gia này thừa nhận Trung Đông vẫn “đang ở tình thế nguy hiểm bất thường và khủng hoảng có thể leo thang bất cứ lúc nào”.