Theo Chỉ số Kỳ lân công nghệ toàn cầu 2024 được Viện nghiên cứu Hurun công bố hôm 9/4, Trung Quốc bổ sung 56 kỳ lân – startup định giá hơn 1 tỷ USD – trong năm 2023, chỉ đứng sau Mỹ với 70 kỳ lân. Phần còn lại của thế giới chỉ ghi nhận 45 kỳ lân mới.
Đây là năm thứ sáu Hurun phát hành báo cáo thường niên về bức tranh kỳ lân thế giới. Theo đó, Mỹ vẫn là miền đất hứa của các kỳ lân khi hơn 700 trong số 1.453 kỳ lân đang hoạt động tại đây. Đứng thứ hai là Trung Quốc với hơn 350 kỳ lân tính đến năm ngoái.
AI đã vượt qua thương mại điện tử trở thành một trong ba lĩnh vực sản sinh kỳ lân nhiều nhất với 115 kỳ lân. Các lĩnh vực phổ biến khác là fintech (185 kỳ lân), SaaS (139 kỳ lân).
Theo nhà sáng lập Hurun - Rupert Hoogewerf, tăng trưởng trong số lượng kỳ lân có thể là do tình hình IPO ảm đạm. Một số kỳ lân trì hoãn kế hoạch niêm yết. Năm 2023, huy động vốn cổ phần tư nhân toàn cầu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2017, theo công ty dữ liệu đầu tư Preqin.
ByteDance – công ty mẹ TikTok – vẫn là kỳ lân công nghệ lớn nhất với trị giá 220 tỷ USD, tiếp đến là công ty tên lửa và vệ tinh SpaceX của Elon Musk, trị giá 180 tỷ USD. OpenAI – nhà phát triển ChatGPT – ghi nhận định giá tăng nhanh nhất, lên 14 bậc để đứng thứ ba với trị giá 100 tỷ USD. Ant Group và Shein lần lượt xếp thứ tư và năm.
Các startup khác của Trung Quốc có mặt trong danh sách bao gồm công ty fintech WeBank, xưởng game MiHoYo. Tháng 9/2020, MiHoYo ra mắt game Genshin Impact và bỏ túi 4 tỷ USD vào cuối năm 2022.
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, hầu hết trong số 30 nhà đầu tư hàng đầu đầu tư vào các kỳ lân Trung Quốc đều có trụ sở tại nước này, chẳng hạn ngân hàng đầu tư China International Capital Corporation, các Big Tech như Tencent, Alibaba và Xiaomi và các quỹ như HongShan.
Một ủy ban của Quốc hội Mỹ năm ngoái thông báo điều tra đối với bốn công ty đầu tư mạo hiểm của Mỹ về các khoản đầu tư của họ vào lĩnh vực AI và chất bán dẫn của Trung Quốc, giáng một đòn khác vào các khoản đầu tư tiềm năng của Mỹ vào Trung Quốc.
(Theo SCMP)