Năm nay, món gỏi gà măng cụt không còn sốt rần rần khắp mạng xã hội như thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Song, loại quả xanh non ăn giòn nhưng không rõ mùi vị này vẫn xuất hiện tràn ngập chợ với giá bán vô cùng đắt đỏ, khiến nhiều người mê mẩn.
Chị Ngô Thị Huyền Trang ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị mua 1 con gà ta thả vườn loại ngon ở ngoài chợ đã luộc sẵn giá chỉ 300.000 đồng, còn 1kg ruột măng cụt - nguyên liệu món gỏi gà măng cụt - lên đến 800.000 đồng, đắt gần gấp 3 lần giá gà. Song, cả gia đình đều rất khoái ăn món này nên cuối tuần chị mua về làm.
“Ở chợ họ cũng bán măng cụt xanh nguyên trái giá 120.000 đồng/kg. Nếu mua về để gọt được 1kg ruột sẽ có mức giá tương đương”, chị nói.
Năm ngoái, lúc đang sốt món gỏi gà măng cụt, chị mua quả xanh về tự gọt. Do hàng non nhiều nhựa, gọt rất mất thời gian lại tốn nước. Năm nay, chị chuyển qua mua măng cụt gọt sẵn cho nhanh.
Hiện, một cân măng cụt xanh có giá dao động từ 80.000-130.000 đồng tuỳ loại, đắt hơn cả măng cụt chín.
Đáng chú ý, măng cụt xanh gọt sẵn (ruột măng cụt) giá siêu đắt, lên đến 650.000-850.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với năm ngoái. Mức giá này đắt ngang cơm sầu riêng hàng VIP.
Chị Đàm Thị Hải - bán măng cụt gọt sẵn ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết, đây là loại quả non, nguyên liệu không thể thiếu để làm món gỏi gà và măng cụt nên rất đắt hàng.
Năm nay, chị nhập về bán từ tháng 4. Thời điểm đầu, chị nhập cả măng cụt xanh nguyên quả nhưng không được khách ưa chuộng vì “ngại gọt vỏ”. Sau đó, chị chuyển sang hàng gọt sẵn, lượng khách mua tăng mạnh dù giá rất cao.
Hiện chị Hải bán ruột măng cụt với giá 830.000 đồng/kg. Một ngày chị tiêu thụ hết khoảng 20-30kg tùy đơn khách đặt. Hàng này được chị nhập của mối sỉ ở Bình Dương. Họ gọt đóng túi rồi chuyển hàng ra Hà Nội cho chị bằng đường hàng không nên đảm bảo măng tươi ngon.
Chị Vũ Minh Thu ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ, khách mua hàng nguyên trái bao nhiêu cũng có vì có sẵn. Riêng ruột măng cụt phải đặt trước vì công đoạn gọt rất mất thời gian, một ngày chỉ làm được 20kg.
Thế nên, ruột măng cụt ngày nào cũng “cháy hàng”, còn loại nguyên trái chị bán được 60-80kg, chị Thu chia sẻ. Theo chị, vỏ măng cụt dày, phải gọt khoảng hơn 4kg quả mới được 1kg ruột. Chưa kể, thời gian gọt lâu nên giá mới đắt đỏ như vậy.
Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), măng cụt được trồng tập trung ở các tỉnh phía Nam nước ta. Diện tích măng cụt hơn 10.000 ha, sản lượng ước đạt gần 50.000 tấn. Mùa thu hoạch bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến hết tháng 6.
Việc thu hái măng cụt xanh sẽ ảnh hưởng lớn đến cây và sản lượng quả ở những vụ tiếp theo. Do đó, rất ít nhà vườn hái trái non bán. Cung khan hiếm, nhu cầu lại cao nên giá nguyên trái và ruột măng cụt năm nay tăng mạnh.