Theo Project Syndicate, chuyên gia chính trị quốc tế Ian Bremmer mới đây đã đăng tải một bài viết nhằm nhận định về tương lai của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp không còn Mỹ.

"NATO là liên minh quân sự thành công nhất trong lịch sử, và đang trở nên lớn mạnh hơn bao giờ hết. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đã nhấn mạnh giá trị và sự hiện diện của NATO. Bên cạnh đó, liên minh cũng đã thành công kết nạp 2 thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển", ông Bremmer nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, NATO đang đứng trước tương lai khó khăn, nhất là khi cuộc xung đột Ukraine đang gây ra mâu thuẫn trong nội bộ khối và quan điểm của Mỹ có thể thay đổi mạnh sau cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.

Các nhà lãnh đạo NATO đều biết cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có cơ hội lớn để trở lại Nhà Trắng vào tháng 11, và những tuyên bố trước đó của ông Trump đã gây ra những quan ngại về cam kết lâu dài của Mỹ với liên minh. Hồi tháng 10/2023, ông Trump từng úp mở khả năng rút Mỹ khỏi NATO nếu tái đắc cử, trừ khi toàn bộ thành viên liên minh tăng chi tiêu quốc phòng.

44agmji53jpztdr4uc6jnnxn5u.jpg
Trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ. Ảnh: Reuters

"Trên thực tế, quan điểm của ông Trump không phải là không chính đáng. Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crưm, các thành viên NATO đã cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng vào năm 2024. Cách đây 2 tháng, Tổng thư ký Jens Stoltenberg đã tỏ ra lạc quan về cam kết này, nhưng đó là do những thành viên có biên giới gần Nga đã chi tiêu nhiều hơn hạn ngạch", ông Bremmer cho biết.

Cụ thể, có 13 trong tổng số 31 thành viên của NATO (chưa tính Thụy Điển mới gia nhập) vẫn chưa đạt ngưỡng chi tiêu quốc phòng. Rõ ràng các nhà lãnh đạo NATO đều hiểu rõ sự cần thiết phải gia tăng chi phí quân sự trước những nguy cơ tại châu Âu, nhưng các tuyên bố kiểu "Nga nên làm bất kỳ điều gì họ muốn" của ông Trump lại làm mọi thứ phức tạp hơn.

Để chuẩn bị cho viễn cảnh Washington không còn đáng tin cậy, Tổng thư ký Stoltenberg đã đề xuất một quỹ hỗ trợ 5 năm trị giá 100 tỷ Euro cho Ukraine, và quỹ này sẽ không phụ thuộc vào kết quả bầu cử tại Mỹ. Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu cũng đang thể hiện vai trò mạnh mẽ hơn trong việc dẫn dắt chính sách quốc phòng và công nghiệp của liên minh.

Tuy vậy, kịch bản Mỹ rời NATO là điều không ai mong muốn. Về cơ bản, NATO vẫn đang phụ thuộc lớn vào vũ khí và khả năng tình báo của Mỹ. Những nguy cơ từ Nga sẽ khiến các quốc gia châu Âu tăng cường năng lực quốc phòng, nhưng họ không thể thay thế vai trò của Mỹ trong một sớm một chiều. Bên cạnh đó, có rất nhiều thành viên NATO sẵn sàng ngả theo Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử, đơn cử là Thủ tướng Hungary Viktor Orbán và Thủ tướng Slovakia Robert Fico.

"Sau 75 năm tồn tại, NATO đang đứng trước tương lai đầy bất định, và ngay cả khi ông Biden chiến thắng thì những cuộc tranh luận trong nội bộ liên minh cũng sẽ không biến mất", ông Bremmer nhận xét.

>> Đọc tin thế giới nhanh nhất trên báo VietNamNet