Đối với mỗi người dân Việt Nam, đi chùa là nét văn hóa truyền thống được hình
thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản
sắc dân tộc. Để tiếp tục tô điểm và phát huy những giá trị văn hóa ấy, nhiều
người trẻ ngày nay/ đã đưa nét đẹp truyền thống này trở thành một thói quen
không thể thiếu/ trong các dịp đặc biệt/ hay thậm chí là cả những ngày bình
thường.
Trong bối cảnh hiện nay, việc gìn giữ những nét đẹp văn hóa của dân tộc được
coi là một “bài toán khó”; bởi một bộ phận trong xã hội hiện đại dường như
đang chạy đua theo những xu hướng mới, thay vì hướng đến những giá trị
truyền thống. Chính vì vậy, việc thế hệ trẻ trở lại với văn hóa đi chùa chính là
một tín hiệu đáng mừng và phần nào thể hiện ý thức trong việc phát huy những
nét đẹp cổ truyền của dân tộc. Không ít các bạn trẻ lựa chọn đi chùa với mong
muốn lĩnh hội những kiến thức về văn hóa truyền thống và các giá trị về tín
ngưỡng, tâm linh. Với họ, đi chùa không đơn thuần là để tiếp xúc với các nghi
lễ, phong tục, mà đó còn là cơ hội để gặp gỡ, học hỏi từ chính những thế hệ đi
trước. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bạn Bảo Yến, sinh viên năm hai tại Đại
học Sư Phạm - Hà Nội, cho biết:
[Băng phỏng vấn 1]: Đối với mình thì đi chùa là cơ hội để quan sát và lắng
nghe. Trước tiên là mình được quan sát thực tế kiến trúc nhà chùa, sau đó là
quá trình mọi người dâng lễ, hành lễ và thực hiện những nghi thức truyền
thống. Thứ hai là mình được lắng nghe câu chuyện về lịch sử, văn hóa và những
bài học cuộc sống từ chính các sư thầy, các bà vãi hoặc các cụ cao niên. Trải
nghiệm này nó khá là mới với mình và nó giúp mình được khai sáng rất nhiều
kiến thức về văn hóa truyền thống mà trước đây mình chưa từng biết.
Xu hướng chữa lành “lên ngôi” cũng là một trong những nguyên do, giúp truyền
thống đi chùa trở lại với thế hệ trẻ. Trong cuộc sống hối hả và áp lực hiện nay,

không gian nhà chùa với tiếng chuông vang vọng/ và làn khói hương tỏa bay/ có
thể mang đến một cảm giác an lạc/ để tĩnh tâm, suy ngẫm. Khoảng thời gian vãn
cảnh nơi cửa Phật cũng được coi là một “nốt trầm”, giúp người trẻ tạm gác lại
âu lo, tập trung kiếm tìm định hướng/ trước khi đối mặt với những thách thức
trong cuộc sống.
Hiện nay, một số bình luận trái chiều trên các trang mạng xã hội cho rằng, việc
thế hệ trẻ duy trì thói quen đi chùa là xuất phát từ sự mê tín. Tuy nhiên, ta cần
hiểu rằng, đi chùa vốn là nét đẹp truyền thống của con người Việt Nam và người
trẻ chỉ đang tiếp nối những giá trị văn hoá của dân tộc. Việc đi chùa sẽ không bị
biến tướng thành mê tín dị đoan, nếu các bạn trẻ có nhận thức đúng đắn và
không để bản thân/ trở thành nạn nhân của các hành vi “buôn thần, bán thánh”.
[Nhạc chuyển]
Việc giới trẻ đi chùa đã góp phần quan trọng trong việc gìn giữ và tiếp nối
những truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đặc biệt, trong thời kỳ hội nhập, thế hệ
trẻ ngày nay được ví như những “đại sứ” triển vọng, giúp lan tỏa nét đẹp văn
hoá của con người Việt Nam đến với đông đảo bạn bè quốc tế. Bạn Thu Trang,
hiện đang sinh sống tại quận Tây Hồ - Hà Nội, là người bạn đồng hành quen
thuộc của nhiều du khách nước ngoài khi ghé thăm di tích chùa Trấn Quốc:
[Băng phỏng vấn 2]: Thường thì một tháng mình sẽ đi chùa khoảng 2 lần. Theo
mình thấy thì chùa Trấn Quốc thì sẽ có nhiều khách nước ngoài đến tham quan.
Có những người họ không có hướng dẫn viên du lịch đi theo, thì sẽ rất khó để
họ có thể hiểu về lịch sử của chùa. Cho nên là mình cũng cố gắng vận dụng hết
khả năng ngoại ngữ để phiên dịch cho họ dựa theo những thông tin mà mình tìm
hiểu được. Mình cũng giải thích thêm cho người ta là “Vì sao người Việt lại hay
đi chùa? Cái hành động thắp hương có mục đích gì?”. Trước đấy thì mình
không đi chùa nhiều, thường thì chỉ đi ngày Tết. Cái thói quen này mình mới bắt
đầu khoảng tháng 10 năm ngoái. Mình cảm thấy rất vui khi mà có thể giúp du
khách nước ngoài hiểu thêm về văn hóa của Việt Nam.

Sự trở lại với truyền thống đi chùa đã tạo ra nhiều cơ hội tiềm năng, giúp thế hệ
trẻ được tiếp xúc và hiểu sâu hơn về những nét đẹp văn hóa. Và một khi đã hiểu
thì tình yêu sẽ nảy nở, bởi nó chính là những hạt mầm/ được ươm sẵn trong
dòng máu của mỗi người “con lạc, cháu hồng”. Từ tình yêu đó, nét đẹp truyền
thống ấy sẽ được kế thừa và phát huy cho những thế hệ mai sau.