Tôi thấy phổi lợn rất rẻ và hợp khẩu vị với mình. Tuy nhiên, những người xung quanh thường khuyên tôi không nên ăn vì họ cho rằng phổi lợn là bộ phận bẩn nhất, chứa nhiều vi khuẩn. Xin chuyên gia cho tôi lời khuyên! (Phạm Thị Thanh, 36 tuổi, Mỹ Đình, Hà Nội)
Phó giáo sư Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Thực phẩm, Trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) tư vấn:
Phổi là một bộ phận hô hấp của lợn. Phổi lợn hay của bất kỳ loài động vật nào cũng là cơ quan nội tạng “bẩn” nhất. Phổi chứa vi khuẩn, bụi bẩn, các tạp chất mà cơ quan hô hấp đưa vào. Đây cũng là cơ quan dễ viêm nhiễm nhất. Đặc biệt, các chuyên gia thống kê động vật cũng có thể bị viêm phổi.
Theo kết quả kiểm nghiệm, 60% thành phần độc tố trong thức ăn chăn nuôi, các chất tạo nạc trong quá trình nuôi nhốt tồn tại trong phổi lợn. Ngoài ra, phổi còn nhiều đường khí quản để không khí lưu thông nên rất khó làm sạch. Vì vậy, khi chế biến các loài động vật từ gà, lợn, bò, dê… người dân thường bỏ bộ phận này đi.
Tuy nhiên, một số người vẫn thích món này nên bạn có thể ăn khoảng 1 tuần/lần, không ăn nhiều quá và chế biến thật sạch. Cụ thể, rửa phổi dưới vòi nước để nước có thể chảy vào các khí quản sau đó dốc sạch máu đọng, giảm mùi hôi. Bạn nên mua phổi tươi, sạch, có màu hồng, không ăn phổi thâm đen, tanh, hôi.
Lưu ý, quan niệm "ăn gì bổ nấy" không đúng. Tôi từng gặp bệnh nhân lao phổi hay viêm phổi mua phổi lợn về tẩm bổ. Đây là hành động sai lầm. Ngoài ra, trẻ nhỏ, người già không nên ăn phổi và các loại nội tạng khác của lợn.