Nằm trên phố Trần Phú (Hoàn Kiếm, Hà Nội), miến ngan trộn Thanh là một trong 5 quán ăn từng được phóng viên tờ Insider (Mỹ) liệt kê là "quán ngon đường phố của Hà Nội", cùng với bún cá Sâm Cây Si, phở bưng Hàng Trống, phở Hạnh, bánh cuốn nóng hồ Tây. Với hơn 10 năm kinh nghiệm khám phá du lịch và ẩm thực Việt Nam, phóng viên Joshua Zukas ấn tượng với miến ngan trộn Thanh không chỉ bởi hương vị mà còn vì trải nghiệm độc đáo, vừa ăn vừa ngắm tàu chạy qua trước mắt.

W-dsc-7082-s-3.jpg
Quán Thanh nằm cách đường ray tàu hỏa khoảng 20m với không gian nhỏ, đơn giản, đủ bày khoảng 15 bộ bàn ghế nhựa và phục vụ 30-40 khách/lượt. Ảnh: Kim Ngân

Chủ quán hiện tại là chị Phạm Quỳnh Anh, 37 tuổi. Chị Quỳnh Anh cho hay, quán được mở từ năm 1994 bởi mẹ chị - bà Thanh và chị kế thừa từ năm 2011. 

"Kể từ ngày mẹ tôi bán quán, Joshua Zukas đã là khách quen và thường xuyên đến thưởng thức món miến ngan trộn", chị Quỳnh Anh cho biết.

Thực đơn của quán đa dạng với các món được chế biến từ ngan như bún ngan, miến ngan trộn hoặc nước, thịt ngan chặt, ngan cháy tỏi. Mức giá dao động từ 50.000 - 300.000 đồng, phù hợp với nhiều đối tượng thực khách. Trong đó, món miến ngan trộn được phóng viên Mỹ Joshua Zukas gợi ý là món ăn được nhiều thực khách yêu thích nhất khi đến quán.

W-dsc-7003-s-3.jpg
Miến ngan trộn là món ăn được yêu thích nhất tại quán. Ảnh: Kim Ngân

Chị Quỳnh Anh cho hay, quán sử dụng ngan cỡ vừa, không to quá nhưng cũng không bé quá, khoảng 3-4kg. Ngan được nhập hàng ngày từ trang trại quen, sau đó được sơ chế kỹ với nước muối, nhặt hết lông măng và luộc 3 lần để khử mùi hôi. 

W-dsc-6991-s-3.jpg
Ngan được sơ chế và chế biến rất kĩ. Ảnh: Kim Ngân

Sau khi làm sạch, ngan được luộc chín kỹ cho đến khi thịt mềm, săn lại mà vẫn đảm bảo giữ được trọn vẹn vị ngọt tự nhiên. Ngoài ra, bí quyết tạo nên hương vị đặc trưng của quán chính là nồi nước dùng được ninh từ phần xương ngan. Phần măng sau khi bóc vỏ, luộc sơ và rửa sạch, được cắt sợi và hầm cùng nước dùng cho đến khi mềm và thấm gia vị.

"Vì được hầm lâu trong nồi nước dùng, măng nhà tôi hoàn toàn không có mùi chua hay bị hăng, ngược lại măng rất ngọt và đậm vị”, chị Quỳnh Anh chia sẻ.

W-dsc-6993-2-s-3.jpg
Nồi nước dùng nóng hổi. Ảnh: Kim Ngân

Với món miến ngan trộn mà phóng viên Mỹ Joshua Zukas hay ăn, khi thực khách gọi món, chị Quỳnh Anh sẽ chần miến trong một nồi nước riêng, rồi cho vào nồi nước dùng khoảng một phút để miến thấm gia vị. Miến chín sẽ được xếp gọn trong bát, thêm thịt ngan đã lọc và thái vừa ăn, viên mọc được làm từ thịt lợn xay cùng mộc nhĩ, nấm hương. Cuối cùng, chủ quán thêm xì dầu và hành phi, tạo thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn. Miến ngan trộn được ăn cùng một bát xáo măng đậm đà thêm hành lá, mùi tàu.

W-dsc-7075-s-3.jpg
Món ăn được thực khách đánh giá là đậm đà, gia vị hòa quyện, thịt ngan mềm, không bị khô. Miến dong dẻo, ăn kèm giá đỗ giòn giòn và những viên mọc thơm, mềm. Ảnh: Kim Ngân

Nếu cảm thấy món ăn hơi khô, bạn có thể chan thêm nước canh măng ngọt béo được ninh từ xương và thịt ngan luộc. Sợi măng dày, giòn, trung hòa vị béo ngậy của món ăn.

Theo nhận xét của Joshua Zukas, món miến ngan trộn có nước dùng đậm đà, cay nồng, giúp át đi mùi hôi đặc trưng của thịt ngan.

W-dsc-6990-1-3.jpg
Chị Quỳnh Anh, chủ quán tất bật phục vụ thực khách. Ảnh: Kim Ngân

Chị Hoàng Hằng (Hoàn Kiếm) là khách quen của quán đã hơn 10 năm. Chị thường cùng bạn bè ra đây để thưởng thức các món ngan, như ngan chặt, ngan cháy tỏi.

"Tôi thích quán này không chỉ vì các món ăn hợp khẩu vị mà còn vì chỗ ngồi thoáng đãng, còn có thể ngắm được tàu chạy qua”, chị Hằng nói.

Quán có hai khung giờ mở cửa, buổi sáng từ 7h - 14h, buổi tối từ 16h - 22h. Chủ quán cho biết, nếu thực khách muốn có trải nghiệm vừa ăn vừa ngắm tàu chạy qua có thể đến vào các khung giờ 19h, 19h45 và 20h30 hàng ngày.

Do không gian mở và lượng khách đông, quán có thể khá ồn ào, đặc biệt là lúc người dân dừng xe đợi tàu. Sau giờ cao điểm từ 19h30 đến 20h30, một số món ăn có thể hết nguyên liệu. Do vậy, thực khách nên đến sớm để có nhiều lựa chọn hơn.

Kim Ngân - Linh Trang