Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý: Không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 vào ngày 4/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra nhiều tồn tại và thách thức về sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tình hình sản xuất kinh doanh và đầu tư của khu vực tư nhân trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút khỏi thị trường còn cao.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng lưu ý, thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; nợ xấu có xu hướng tăng.
Việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội còn chậm, 32.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được phân bổ.
Vì vậy, trong thời gian tới, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đến tinh thần kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, càng áp lực lại càng nỗ lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể.
Cùng với đó là nắm chắc diễn biến tình hình trong nước, quốc tế; nâng cao năng lực phân tích, dự báo để phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ ngành, địa phương chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn theo thẩm quyền, không trông chờ ỷ lại.
Chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, không điều hành giật cục.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong tháng 5 trình cấp có thẩm quyền chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, phát triển lành mạnh các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, vàng, xử lý nghiêm các vi phạm.
Đặc biệt là tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương.
Liên quan đến đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 tối thiểu đạt 95%; phân bổ sớm 33.000 tỷ đồng còn lại của kế hoạch đầu tư công 2024.
Người đứng đầu nêu thực tế, tình trạng các dự án đầu tư công hay kéo dài đang từng bước khắc phục, nhiều dự án đúng hạn; đặc biệt, nhiều dự án cao tốc có khả năng hoàn thành trước 3-6 tháng so với kế hoạch. Dự kiến tới 30/6/2025 có thể nối trục đường bộ cao tốc thống nhất từ Hà Nội tới TP.HCM.
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu trong mọi tình huống; triển khai hiệu quả quy hoạch điện 8; đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai để sớm đưa vào khai thác.
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu, chính sách khi ban hành phải đi vào cuộc sống, tạo động lực, tháo gỡ được điểm nghẽn, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm.
Cùng với đó tăng cường quản lý các mặt hàng nổi lên như giá vàng; chuẩn bị kỹ, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7, bảo đảm công bằng, tổng thể, thống nhất.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chính sách tiền tệ tiếp tục được điều hành chủ động, linh hoạt với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Tuy nhiên, đến 23/4, huy động vốn giảm 0,52% so với cuối 2023. Trong đó huy động tiền đồng giảm 0,08% và ngoại tệ giảm 6,26%. Đây là chỉ số cho thấy người dân, doanh nghiệp đang giảm gửi tiền vào ngân hàng, và chuyển sang các kênh đầu tư khác hiệu suất sinh lời tốt hơn là gửi tiết kiệm.
Trong tháng 4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu để hỗ trợ tỷ giá. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, góp phần hấp thụ các cú sốc, kết hợp với phát hành tín phiếu VND nhằm giảm bớt dư thừa thanh khoản VND, qua đó giảm bớt áp lực trong ngắn hạn đối với tỷ giá.
Từ ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán USD cho các ngân hàng thương mại có trạng thái ngoại tệ âm để can thiệp thị trường trong bối cảnh tỷ giá tăng nóng. Đây là biện pháp can thiệp nhằm giải tỏa tâm lý trên thị trường, khơi thông nguồn cung và đảm bảo thanh khoản ngoại tệ thông suốt.
134.284 cán bộ, công chức tại 36 cơ quan, đơn vị hành chính được hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đến hết ngày 30/6/2024. Từ ngày 1/7, cơ chế này sẽ được bãi bỏ để áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường.