Ngày 3/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương triển khai các biện pháp ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm.
Công điện nêu rõ, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều, riêng năm 2023 toàn quốc đã ghi nhận 125 vụ làm trên 2.100 người mắc và làm 28 người tử vong, có xu hướng gia tăng so với năm 2022.
Gần đây, trên phạm vi cả nước vẫn ghi nhận một số vụ ngộ độc, đặc biệt vụ ngộ độc xảy ra tại thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 30/4 với trên 450 người mắc phải nhập viện điều trị, tiếp tục gây lo ngại trong nhân dân.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, nhà ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, thức ăn đường phố...
Cùng với đó, thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn theo đúng quy định.
Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định; nghiên cứu xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống cảnh báo sự cố an toàn thực phẩm theo đúng quy định; chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế điều tra nguyên nhân và chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định của Luật An toàn thực phẩm và phân công của Chính phủ.
Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương tổ chức thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa, ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm và công tác phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo đúng quy định.
Thủ tướng lưu ý, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; có biện pháp phù hợp nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
Các địa phương thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ mất an toàn thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các ngành chức năng trên địa bàn tập trung cứu chữa các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm xảy ra tại thành phố Long Khánh, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe người dân.