Phân khúc xe điện mini có thể là xu hướng giao thông xanh mới tại Việt Nam trong tương lai, giống cách mà Trung Quốc đã phát triển bấy lâu nay. Wuling Hongguang Mini EV - mẫu xe  Trung Quốc chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào hồi tháng 6/2023 với mức giá từ 239-282 triệu đồng. Mẫu xe này được lắp ráp bởi TMT Motor và hiện đã đổi tên thành Wuling Mini EV.

Chiều 7/5, VinFast đã chính thức công bố giá bán của VinFast VF3 có giá 240 triệu đồng bản thuê pin và 322 triệu đồng bản kèm pin. Mức giá này lập tức được người tiêu dùng đặt lên bàn cân so sánh với Wuling Mini EV.

Trong bài viết dưới đây, VietNamNet sẽ đưa ra góc nhìn tổng quan về hai mẫu xe này.

Xem nhanh:
  • Giá bán xe Trung Quốc Wuling Mini EV rẻ hơn VinFast VF3
  • Thiết kế VinFast VF3 nam tính, kích thước lớn hơn
  • VinFast VF3 có động cơ khoẻ hơn, quãng đường di chuyển sau 1 lần sạc dài hơn Wuling Mini EV
  • Chi phí "nuôi" Wuling Mini EV rẻ hơn VinFast VF3
  • Nhận định chung

VF3 có giá niêm yết 240 triệu đồng (thuê pin) và 322 triệu đồng (gồm pin) và là mẫu xe ô tô điện rẻ nhất hiện tại trong dải sản phẩm của VinFast. Trong khi đó, Wuling Mini EV có hai phiên bản LV1 và LV2, giá dao động từ 239-282 triệu đồng. Mức giá bán của cả hai mẫu xe này chỉ tương đương với những loại xe mô tô phân khối lớn giá rẻ như Honda CB650R (254 triệu đồng) hay Yamaha MT-07 (259 triệu đồng).

Thời điểm mới ra mắt, mẫu xe minicar Trung Quốc đã mạnh tay tung ưu đãi giảm 20 triệu đồng cho 500 khách hàng đầu tiên mua xe. Trong khi đó, VinFast hiện chỉ tung ưu đãi giảm 5 triệu đồng cho khách mua VF3 thuê pin và 7 triệu đồng cho bản mua pin. Thời gian cũng chỉ kéo dài trong ba ngày từ ngày 13-15/5.

Chỉ so về giá, Wuling Mini EV đang rẻ hơn VinFast VF3. Wuling kèm pin, bản LV1 có thể tiết kiệm tới 83 triệu đồng và LV2 tiết kiệm 67 triệu đồng so với mua VF3 bản kèm pin. 

Dù Wuling Mini EV đang là mẫu xe ô tô có giá bán rẻ nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại, song giá không phải là yếu tố quan trọng nhất với khách hàng khi quyết định mua một chiếc xe. 

W-Ảnh chụp Màn hình 2024 05 09 lúc 21.24.36.png
Thông số kỹ thuật và bảng giá của VinFast VF3 và Wuling Mini EV. Đồ họa: Đình Quý

Về bản chất, VinFast VF3 là dòng xe miniSUV. Trong khi đó, Wuling Mini EV là dòng xe minicar. VF3 có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) lần lượt 3.190 x 1.679 x 1.622 (mm) và chiều dài cơ sở đạt 2.075mm. Wuling Mini EV có kích thước (dài x rộng x cao) lần lượt 2.920 x 1.493 x 1.621 (mm) và chiều dài cơ sở đạt 1.940mm.

Như vậy, khi di chuyển trên phố, mẫu xe của VinFast dù là xe điện mini nhưng trông to lớn hơn hẳn. Vì là dáng SUV nên khoảng sáng gầm của VF3 lớn hơn, đồng thời dễ dàng đi các đoạn đường xấu hơn so với xe Wuling.

Ngược lại, với kích thước nhỏ hơn, Wuling Mini EV có thể có chút thuận lợi khi di chuyển  trong các ngõ, ngách nhỏ như ở Hà Nội. Đánh đổi lại, không gian khoang nội thất không được thoải mái như VF3.

Về tổng thể thiết kế, VF3 thiết kế vuông vức, mạnh mẽ hơn hẳn.

Trong khi đó, mẫu xe Trung Quốc có hơi hướng tối giản, đơn điệu và bình dân, phù hợp với giới trẻ, sinh viên, phụ nữ làm nội trợ.

VinFast VF3 có dáng SUV khối hộp tương tự như Suzuki Jimny, Mercedes-Benz G-Class, trông thời trang và sang hơn nên sẽ phù hợp với khách hàng nam giới trẻ tuổi. Tuy nhiên, kiểu dáng của VinFast VF3 cũng được cho là khá giống với mẫu xe Baojun Yep. 

Một ưu điểm của VinFast VF3 là có 9 màu ngoại thất trẻ trung, hợp xu hướng nhưng khách hàng phải chi thêm 8 triệu đồng nếu lựa chọn 5 mã màu nâng cao. Ở phía còn lại, Wuling Mini EV chỉ có 5 màu chính kèm theo tuỳ chọn phối màu nóc xe trắng hoặc đen.

Không gian nội thất bên trong của VinFast VF3 dù chưa lộ diện hoàn toàn nhưng qua bản thiết kế cho thấy sự hiện đại hơn Wuling Mini EV. Mẫu xe điện Việt Nam có màn hình trung tâm 10 inch, lớn hơn so với bảng đồng hồ 7 inch trên Wuling Mini EV. Điểm chung là cả hai mẫu xe đều có thiết kế 4 chỗ ngồi. Tuy nhiên, vì là xe mini đô thị, nên hàng ghế thứ hai thường không dành cho người lớn hoặc chỉ để đồ khi gập lại.

VinFast VF3 sử dụng động cơ điện đặt ở trục sau, công suất 42 mã lực và mô-men xoắn đạt 110Nm, mạnh hơn so với Wuling Mini EV khi chỉ được trang bị động cơ điện 27 mã lực và mô-men xoắn 85Nm. Khả năng vận hành của VF3 có thể sẽ mạnh mẽ và bốc hơn so với mẫu xe đối thủ thương hiệu Trung Quốc.

VinFast trang bị cho VF3 nguồn pin dung lượng 18,64 kWh, theo thông số sẽ đi được quãng đường 210km sau mỗi lần sạc. Trong khi đó, Wuling Mini EV được trang bị nguồn pin nhỏ hơn với dung lượng 9,6 kWh và 13,4 kWh (tuỳ cấu hình), phạm vi hoạt động lần lượt đạt 120km và 170km mỗi lần sạc đầy.

Xét về mặt lý thuyết, nếu mỗi ngày đi quãng đường 30km, người dùng VinFast VF3 sử dụng xe được 7 ngày nhưng người dùng Wuling Mini EV chỉ sử dụng được từ 3-5 ngày.

VinFast VF3 có lợi thế tùy chọn sạc nhanh từ 10-70% pin chỉ trong vòng 36 phút tại trụ sạc. Nguồn sạc dân dụng của VF3 tương tự như Wuling Mini EV nhưng hiện hãng chưa công bố rõ thiết bị sạc. Nếu sử dụng thiết bị 2,2kW, thời gian sạc tại nhà của VF3 rơi vào khoảng 5-6 tiếng.

Với Wuling Mini EV, thời gian sạc phải mất tới 6,5 tiếng để sạc từ 20-100% với ổ cắm điện dân dụng 220V. 

Do công suất nhỏ, cả 2 loại xe đều có thể sạc tiện ích nhiều nơi như tại nhà riêng, hầm chung cư, bãi gửi xe hoặc quán cà phê tùy thỏa thuận của người chủ xe với bên có nguồn điện. 

Về cơ bản, điểm chung của hai mẫu xe đô thị cỡ nhỏ này là chi phí "nuôi" xe sẽ rẻ hơn nhiều so với các loại ô tô chạy xăng cỡ A.

Khi lăn bánh, cả hai chiếc xe điện mini này dù được miễn lệ phí trước bạ, nhưng sẽ vẫn mất thêm các chi phí tương tự ô tô động cơ đốt trong, bao gồm: bảo hiểm bắt buộc (437.000 đồng/năm), phí bảo trì đường bộ (1.560.000 đồng/năm), bảo hiểm thân vỏ (khoảng 3.500.000 đồng/năm), tiền biển số tùy theo từng địa phương (cao nhất lên đến 20 triệu đồng ở Hà Nội và TP.HCM). Các khoản chi phí cố định cho người dùng sẽ khoảng 5.500.000 đồng/năm, tương đương mỗi tháng sẽ mất khoảng 458.000 đồng.

Về chi phí vận hành, với nguồn pin dung lượng 18,64kWh, người dùng VinFast VF3 sẽ tốn khoảng 72.000 đồng để sạc pin đầy tại trụ (giá điện tại trụ: 3.858 đồng/kWh), sạc tại nhà chỉ mất khoảng 35.000 đồng nếu dùng điện 3 pha hoặc 50.000 đồng (giá điện sinh hoạt cố định: 2.649 đồng/kWh). Wuling Mini EV khi sạc tại nhà, tính theo giá điện sinh hoạt cố định mất chi phí từ 25.000 đồng (đối với pin 9,6kWh) đến 35.500 đồng (đối với pin 13,4kWh).

Tuy nhiên, khách hàng mua VinFast VF3 nếu chọn thuê pin phải tốn thêm chi phí từ 900.000-2.000.000 đồng/tháng, tuỳ theo quãng đường di chuyển, tương đương 10,8-24 triệu đồng/năm. 

Wuling Mini EV từng là mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới giai đoạn 2020-2022. Đây là mẫu xe có lợi thế về khung gầm và công nghệ do chuyển giao từ GM của Mỹ, là sản phẩm ra đời từ sự hợp tác giữa GM, Wuling và SAIC nên dễ dàng thay đổi nâng cấp kỹ thuật. Tuy nhiên tại Việt Nam, Wuling Mini EV vào với kỳ vọng ban đầu bán 5.000 xe/năm nhưng hiện ước tính chỉ đạt được khoảng 10% con số này.

VinFast VF3 đang có lợi thế lớn hơn về thương hiệu so với đối thủ đến từ Trung Quốc Wuling Mini EV. Cùng với hệ sinh thái khách hàng lớn của Tập đoàn Vingroup và mức giá rẻ cùng tâm lý ủng hộ thương hiệu Việt, thị phần tới đây của VF3 sẽ có thể tăng nhanh. 

Trong bối cảnh này, các mẫu xe đô thị cỡ nhỏ như Hyundai Grand i10, Honda Brio, KIA Morning có thể bị ảnh hưởng thị phần. 

Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Thị trường ô tô sôi động phân khúc xe cỡ nhỏictnews Thị trường tiếp tục cho thấy sự sôi động trong phân khúc A và B khi hàng loạt cái tên mới như VinFast Fadil, Honda Brio xuất hiện và sự tăng trưởng mạnh của các mẫu xe như Toyota Vios, Hyundai Accent hay Hyundai Grand i10.