Sáng 10/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo chuyên đề trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về canh tác trên sa mạc của Israel.

Tại hội thảo, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan bày tỏ sự ấn tượng về đất nước Israel - một quốc gia nhỏ bé với phần lớn diện tích là sa mạc nhưng lại có những phát kiến vĩ đại về tưới tiêu. Từ khóa “văn hóa tiết kiệm nước” của Israel khiến Bộ trưởng mong mỏi muốn biết vì sao một quốc gia diện tích cát lớn lại trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, thậm chí là thiết bị công nghệ cao ra thế giới.

BT Le Minh Hoan.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Việt Nam trước đây tự hào là một quốc gia nhiều nước, nhưng trước tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, đã có nhiều vùng bị hạn hán, xâm nhập mặn. Nhu cầu về nước đã biến Việt Nam thành một quốc gia thiếu nước, cần có các giải pháp để có đủ nước cho sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn thông qua hội thảo, ngành nông nghiệp Việt Nam có thể tiếp thu kinh nghiệm từ quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu công nghệ, thiết bị nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

toan canh hoi thao tuoi tie.jpg
Toàn cảnh Hội thảo chuyên đề "Chia sẻ kinh nghiệm về canh tác trên sa mạc của Israel". Ảnh: Bộ NN&PTNT

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở nhiều địa phương đang diễn ra gay gắt cũng như tương lai có thể trầm trọng hơn và nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất.

Ngài Yaron Mayer, Đại sứ Israel tại Việt Nam bày tỏ niềm vui khi đến thăm Bộ NN&PTNT và chia sẻ về công nghệ tưới tiết kiệm nước để giúp người nông dân Việt Nam cải thiện sinh kế. Israel cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn hán, khan hiếm nước nhưng quan điểm của đất nước là biến thách thức bằng cơ hội bằng công nghệ. Ngày nay, đất nước Israel không còn thiếu nước.

dai su.jpg
Ông Yaron Mayer - Đại sứ Israel tại Việt Nam

Israel có các công nghệ lõi là công nghệ tưới tiết kiệm nước là công nghệ tưới tiêu, tưới phun và công nghệ tái sử dụng nước, khử mặn nước biển thành nước ngọt, xây dựng bể nước chứa, ngoài ra còn thực hiện nhiều chiến dịch để nâng cao nhận thức của người dân về tiết kiệm nước, xây dựng văn hóa tiết kiệm nước.

han han tay nguyen 01052024 04.jpg
Diện tích cây cà phê tại xã Ea Trul, huyện Krông Bông, Đắk Lắk bị ảnh hưởng do hạn hán kéo dài. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo ông Gal Saf – Tham tán thương mại Israel tại Việt Nam, vị trí địa lý của Israel 60% là sa mạc, việc không thể xây dựng quan hệ thương mại với các quốc gia láng giềng khiến Israel không dựa được vào nguồn nước. Israel cũng thường xuyên đối mặt với hạn hán và dân số tăng mạnh từ năm 1990 khiến bài toán về nguồn cung nước trở nên cấp thiết.

Để giải bài toán này, Israel đã đưa ra được 2 sáng kiến xử lý về nước đó là tái chế nước và khử mặn. Đồng thời, Israel cũng sử dụng song song các biện pháp như tưới phun, nhà kính, nhà lưới để trồng cây sử dụng ít nước và trồng các giống cây có khả năng chịu hạn...