Chia sẻ với PV VietNamNet, một chuyên gia đô thị cho rằng, cần nhìn chủ trương thay đá tự nhiên vỉa hè ở Hà Nội từ kết quả thực tiễn, qua đó đánh giá cách làm, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm.

Kỳ vọng độ bền 70 năm, có nơi 4-5 năm đã vỡ đá

Ghi nhận của phóng viên cho thấy, vỉa hè nhiều tuyến phố ở Hà Nội sau một thời gian thay gạch bằng đá tự nhiên, đã có tình trạng lún, vỡ, không như kỳ vọng bền 70 năm.

Về chủ trương, năm 2016, Hà Nội ban hành quy định mới về cải tạo hè phố. Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, vỉa hè của hơn 900 tuyến đường tại 12 quận nội thành được thay thế từ gạch truyền thống sang đá tự nhiên có kết cấu bền vững với tuổi thọ lên đến 70 năm.

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, sau 6 năm triển khai kế hoạch trên, đến nay các quận đã lát đá tự nhiên cho vỉa hè 255 tuyến phố, tập trung ở quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Tuy nhiên, trong thực hiện lát đá tự nhiên hè phố, đã không ít lần dư luận ồn ào về chuyện chất lượng, khi đá vỡ, nền hè lún, vênh chỉ sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng.

Nhiều đoạn vỉa hè đường Nguyễn Trãi được lát bằng đá tự nhiên bị xuống cấp. Ảnh: Quang Phong. 

Đáng nói, sau những ồn ào về việc thay đá vỉa hè ở một số nơi trong giai đoạn 2017-2018, hạng mục này đã từng bị Thanh tra TP vào cuộc thanh tra.

Đầu năm 2018, Thanh tra TP Hà Nội có kết luận về những sai phạm liên quan đến lát đá vỉa hè, trong đó có việc lập dự toán các dự án sai khối lượng, áp sai định mức, đơn giá xây dựng so với quy định.

Thanh tra TP Hà Nội còn chỉ ra việc lát đá vỉa hè trên một số tuyến phố ở các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy... chưa đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Kích thước đá lát vỉa ở nhiều quận huyện cũng có độ dày mỏng khác nhau.

Trao đổi với PV VietNamNet, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, vỉa hè các tuyến phố bị xuống cấp phần lớn được thi công trong giai đoạn 2016-2017.

Việc đá lát vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), Trần Phú (quận Hà Đông), Nguyễn Đình Chiểu (Hai Bà Trưng)… còn nhiều tồn tại ở các khâu khảo sát thiết kế, thi công, quản lý và sử dụng sau đầu tư.

Cụ thể, chất lượng mặt hè và các lớp kết cấu vỉa hè các tuyến phố trên chưa đảm bảo từ khâu thiết kế. Ngoài ra, công tác quản lý, sử dụng vỉa hè sau đầu tư tại một số tuyến phố chưa đúng mục đích.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, từ năm 2019 đến nay, sau khi thành phố có hướng dẫn quy trình lát đá vỉa hè, quá trình thi công của các quận, huyện được thực hiện theo đúng quy định.

“Sau khi có hướng dẫn của thành phố, các quận, huyện cơ bản khắc phục được những tồn tại trong việc cải tạo các tuyến phố bằng đá tự nhiên”, lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội đánh giá.

Đầu tư từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng cho vỉa hè

Ở những thời điểm khác nhau, trước thực trạng những tuyến phố được thay gạch vỉa hè bằng đá tự nhiên, kỳ vọng độ bền 70 năm, nhưng lại nhanh vỡ, nứt, nhiều ý kiến băn khoăn về nguồn kinh phí đầu tư. 

Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu chính thức nào được công bố về tổng kinh phí thay đá 255 tuyến vỉa hè trong 6 năm qua. Thực tế, mỗi quận đều thực hiện các dự án chỉnh trang riêng, chủ động nguồn vốn nên các quận quyết toán riêng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu, năm 2017, quận Thanh Xuân đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho hạng mục vỉa hè, trong đó có lát đá ở đường Nguyễn Trãi. Ban Quản lý dự án quận lý giải chi phí lớn như vậy vì toàn tuyến Nguyễn Trãi dài hơn 7km, vỉa hè rộng, phải đồng bộ cả chiếu sáng, hạ ngầm, cây xanh.

Nhưng, mới hơn 5 năm sử dụng, nhiều đoạn vỉa hè đường Nguyễn Trãi có tình trạng bị bong tróc, cập kênh, vô tình trở thành "bẫy" hè phố với người đi đường. 

Vỉa hè tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được lát bằng đá tự nhiên. Ảnh: Quang Phong

Cũng tại quận Thanh Xuân, năm 2016, TP Hà Nội đầu tư 224,6 tỷ đồng xây dựng tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Chỉ riêng các hạng mục như hệ thống chiếu sáng, hệ thống bó vỉa, gạch lát hè… tuyến phố này đã chiếm khoảng 50 tỷ đồng. Và sau 6 năm sử dụng, dù là tuyến phố kiểu mẫu, một số khu vực đã có tình trạng vỡ đá, nền hè xuống cấp.

Tại quận Hoàng Mai, nơi từng bị Thanh tra TP chỉ ra bất cập trong thực hiện thay đá vỉa hè, trong năm 2017, quận này đầu tư 10,76 tỷ đồng cải tạo đường Giải Phóng (đoạn từ phố Tương Mai đến đường Vành đai 3) với chiều dài 2,83km. Cũng trong năm 2017, quận này cải tạo duy tu mặt đường, vỉa hè đường 2,5 có giá trị 13,78 tỷ đồng, chiều dài khoảng 900m.

Với quận Đống Đa, từ năm 2018-2020, quận này đã chỉnh trang 8 tuyến phố Văn Miếu, Nguyễn Khuyến, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng. Tổng mức đầu tư 8 tuyến phố này khoảng 26 tỷ đồng.

Và từ tháng 11 đến nay, theo ghi nhận của PV. VietNamNet, một số quận tiếp tục thay đá vỉa hè như ở hai bên đường Trần Nguyên Đán (quận Hoàng Mai), Nguyễn Chí Thanh và Láng Hạ (quận Đống Đa). Có thời điểm, những nơi này như công trường, từng tốp công nhân miệt mài lột gạch cũ để thay bằng đá tự nhiên và vật liệu giả đá.

Ông Lê Tuấn Định, Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, trong năm 2022 quận này chỉnh trang 4 tuyến phố. Trong đó, vỉa hè 2 tuyến phố được làm bằng đá tự nhiên là Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh, với tổng mức đầu tư trung bình 20 tỷ/tuyến; 2 tuyến phố được làm bằng chất liệu terrazo là Trịnh Hoài Đức, Đặng Văn Ngữ, với tổng mức đầu tư 6 tỷ đồng/tuyến.

Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, việc chỉnh trang các tuyến phố theo Nghị quyết đại hội của quận và theo kế hoạch của thành phố. Trước băn khoăn về việc nhiều đoạn vỉa hè còn bền, đẹp đã được chỉnh trang, ông Định nói: “Sở ngành đã khảo sát rất kỹ mới đưa ra các tuyến phố cần chỉnh trang vỉa hè”.