Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia vừa phát tin cho biết, lúc 7h sáng 27/6, xuất hiện vùng áp thấp có vị trí ở khoảng 13,5-14,5 độ Vĩ Bắc; 119,5-120,5 độ Kinh Đông trên khu vực phía Nam đảo Luzon (Philippines).

Dự báo trong 24 giờ tới vùng áp thấp di chuyển chậm theo hướng Tây và có khả năng hoạt động mạnh dần lên. Trong ngày và đêm nay (27/6), ở vùng biển phía Đông của khu vực Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Đông của quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. 

Khoảng ngày 29/6-2/7, vùng áp thấp có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) với xác suất khoảng 70-80%, sau có khả năng mạnh lên thành bão với xác suất 40-60% trên khu vực Bắc Biển Đông. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia đang tiếp tục theo dõi vùng áp thấp này.

Ảnh mây vệ tinh vùng áp thấp ở Philippines. Ảnh: NCHMF

Từ chiều tối ngày 29/6 đến 2/7, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có mưa rất to. Từ ngày 29/6 đến 3/7, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ khả năng có mưa
rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.

Cần đề phòng nguy cơ lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sạt lở đất, lũ quét ở vùng núi khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp, ven sông. Ngoài ra, trên các sông, suối nhỏ thuộc khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt lũ nhỏ.

Dự báo xa trong khoảng thời gian diễn ra kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (6-9/7) ở khu vực Bắc Bộ, các tỉnh Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng diễn ra mưa rào và dông.

Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm cho biết, từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ). Trong đó, có từ 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta, ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.

Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Từ tháng 7 đến tháng 9, lượng mưa tại Bắc bộ có khả năng cao hơn TBNN. Ngược lại, Tây Nguyên và Nam bộ sẽ có lượng mưa thiếu hụt so với TBNN.

Từ khoảng tháng 10, 11, khu vực ven biển Trung bộ và Tây Nguyên dự báo lượng mưa cao hơn TBNN. Cảnh báo nguy cơ cao xảy ra mưa lớn dồn dập. Ngoài ra cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Về nắng nóng, trong tháng 7 khu vực Bắc bộ, Trung bộ nhiều khả năng tiếp tục xảy ra nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 37 độ C. Tây Nguyên và Nam bộ từ tháng 7-9, nhiệt độ phổ biến cao hơn TBNN khoảng 0,5 độ C.

Còn hôm nay, ở khu vực từ Thanh Hóa đến Phú Yên vẫn xảy ra nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 38 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 45-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 11-17 giờ.

Bắc Bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày từ 50-65%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 13-16 giờ.

Từ ngày 29/6, nắng nóng có xu hướng giảm dần ở Bắc Bộ; Trung Bộ nắng nóng còn có khả năng kéo dài đến ngày 30/6.

Tuần sau miền Bắc kết thúc chuỗi ngày 'nóng như đổ lửa'

Tuần sau miền Bắc kết thúc chuỗi ngày 'nóng như đổ lửa'

Nắng nóng đã kéo dài 10 ngày nay tại Hà Nội và miền Bắc, dự báo sang tuần sau từ ngày 29/6, nắng nóng có xu hướng giảm dần. Trung Bộ nắng nóng còn có khả năng kéo dài đến ngày 30/6.
Dự báo thời tiết 27/6: Miền Bắc và Trung Bộ tiếp diễn nắng nóng gay gắt

Dự báo thời tiết 27/6: Miền Bắc và Trung Bộ tiếp diễn nắng nóng gay gắt

Dự báo thời tiết 27/6, miền Bắc và Trung Bộ lại tiếp diễn nắng nóng đến gay gắt, trời oi bức. Nam Bộ dịu mát khi chỉ nắng nóng vào ban này, đến chiều tối lại đón mưa giông.