Theo báo cáo của Bộ Công Thương tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết 115 của Chính phủ, bộ đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện.

Đối với Bộ Công Thương, cần sửa đổi một loạt các văn bản chính sách như triển khai các các cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi trên cơ sở Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 111/2015/NĐ-CP được Chính phủ phê duyệt. Hiện, Nghị định này vẫn đang giai đoạn sửa đổi.

Bộ soạn dự thảo Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 4 tháng 3 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn từ 2016-2025, bổ sung các nội dung: như hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi kỹ thuật số, phát triển giải pháp nhà máy thông minh vào quy trình sản xuất, hệ thống quản trị sản xuất và quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực quản lý và sản xuất của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0;  Hỗ trợ các thủ tục về thử nghiệm, kiểm định, đo lường chất lượng, giám định và chứng nhận chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ mua bán, sáp nhập doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Đặc biệt, chính sách được kỳ vọng lớn nhất là xây dựng và trình Quốc hội phê duyệt Luật phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ phải triển khai 02 dự án đầu tư công xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp trong năm nay.

Đối với Bộ Tài chính, cần chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn chính sách cấp bù lãi suất thông qua các ngân hàng thương mại và hỗ trợ lãi suất cho vay đối với các khoản vay của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển. Đây là chính sách quan trọng nhất ở Nghị quyết 115 đã được ban hành từ năm 2020 nhưng hiện, vẫn còn "nằm trên giấy".
Ngoài ra, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành có liên quan đánh giá tổng thể việc thực hiện chính sách thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô trong thời gian vừa qua, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung phù hợp trong năm 2022; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm nhập khẩu; chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương xây dựng cơ chế thu kinh phí xử lý sản phẩm thải bỏ đối với các sản phẩm sản xuất trong nước theo quy định của pháp luật môi trường về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ.

Đặc biệt, Bộ Tài chính cần nghiên cứu sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng nhằm tạo điều kiện thuận lợi về vốn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Phương Linh