Bóc trần thủ đoạn làm món bít tết giả bằng... keo dính thịt

Để thưởng thức được món bít tết thơm ngon, nhiều người đã bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có nhiều người cảm thấy sốc khi biết sự thật này.

Cộng đồng mạng Youtube sửng sốt với "keo dính thịt"

Ông Greg Mrvich, người sáng lập ra kênh nấu ăn Ballistic BBQ trên Youtube đã tuyên bố một thông tin gây sốc rằng một số nhà hàng đang sử dụng một sản phẩm, được biết đến với cái tên là "keo dính thịt", cho phép các đầu bếp tạo ra một miếng thịt bít tết trông rất bắt mắt và ngon miệng từ những miếng thịt vụn.

Keo dính thịt
hay còn được gọi là một loại enzyme transglutaminase. Nó ở dạng bột, được làm từ huyết tương gia súc, thường được sử dụng trong công nghệ sản xuất xúc xích, cá viên hay sáng tạo món ăn.

Keo dính thịt có khả năng "thần thánh" được dùng như phụ gia chế biến thực phẩm để kết dính các mảnh thịt vụn nhỏ để tạo thành một miếng thịt lớn. Chỉ cần 1 muỗng transglutaminase cho vào các mẩu thịt thừa trộn đều, bọc lại, ướp lạnh khoảng 6 tiếng, nhà hàng sẽ có một miếng thịt phi lê tươi ngon bán với mức giá cắt cổ.

keo dính thịt
Kéo dính thịt tồn tại ở dạng bột có khả năng kết dính các mảnh thịt vụn nhỏ để tạo thành một miếng thịt lớn.


Ông Greg đã tuyên bố rằng phương pháp này thường được sử dụng tại một số nhà hàng có phục vụ phần ăn buffet để cắt giảm chi phí nhiều nhất có thể.

Trong đoạn video được đăng tải, ông cho biết: "Lý do tôi chia sẻ clip này đó là vì có rất nhiều sự dối trá liên quan đến loại phụ gia này. Nếu bạn đi siêu thị và thấy một miếng gà to như con khủng long, đó chắc chắn được tạo nên nhờ keo dính thịt. Tôi nghĩ rằng bất kỳ ai cũng có suy nghĩ rằng phải có cái gì đó để khiến cả miếng thịt kết dính lại với nhau.

Tôi cũng nhận thấy rằng, tại nhiều căn tin hay thậm chí nhà hàng cũng đều dùng tới chiêu thức này để kết dính các mảnh thịt vụn thành một miếng bò bít tết thật, trông vô cùng bắt mắt. Và tất nhiên họ không bao giờ tiết lộ điều này cho khách hàng".


Ngay sau đó, ông Greg tái hiện lại quá trình tạo ra một miếng bít tết từ những mẩu thịt vụn nhờ keo dính thịt. Sau khi đó, ông nếm thử miếng bít tết giả này và cho biết: "Nếu không biết sự thật, chắc chắn tôi sẽ nghĩ nó là miếng bò bít tết đích thực. Vị của nó rất ngon".

Và bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra một vấn đề rất đáng quan tâm: "Trong quá trình nướng, vi khuẩn trong miếng thịt "giả" sẽ không được tiêu diệt hết vì những con vi khuẩn dính ở phía ngoài miếng thịt lại bị dính chặt vào giữa miếng thịt. Nên ăn miếng thịt này không tốt chút nào".

trình bày
Ông Greg tái hiện lại quá trình tạo ra một miếng bít tết từ keo dính thịt.


Khi miếng thịt được "chắp vá" bằng chất keo dính thịt. Ảnh cắt từ clip.


Keo dính thịt, mánh khóe làm giả thực phẩm tinh vi


Đây không phải là lần đầu tiên vụ việc keo dính thịt được phát hiện. Trước đó vào năm 2011, tại Australia, một nữ thực khách đã thấy có sự bất thường ở miếng thịt bò hảo hạng tại một nhà hàng. Cô đã quyết định chụp lại miếng thịt này và gửi đến các chuyên gia ẩm thực kiểm định. Các chuyên gia này đều cho rằng miếng thịt có vẻ như đã được xử lý bằng keo dính.

"Ngay cả với một đầu bếp như tôi cũng rất khó phân biệt. Một lần ăn ở một nhà hàng tại Trung Quốc, lúc đầu tôi còn không biết mình ăn phải thịt "giả" cho đến khi phát hiện có điều gì không ổn với món ăn"
, đầu bếp Sam Leong cho biết.


Bóc trần thủ đoạn làm món bít tết giả bằng... keo dính thịt - ảnh 4Cận cảnh "miếng thịt bít tết" được lắp ghép từ những mảnh thịt vụn.

thịt bò bít tết
Những miếng thịt nhỏ được trộn với keo dính thịt để tạo ra miếng thịt như ý muốn.


Tuy loại phụ gia này được đánh giá là an toàn, do chất kết dính là loại enzyme transglutaminase dạng bột nhưng hành động sử dụng "keo dính thịt" không được khách hàng chấp nhận.

Theo giáo sư Yang Hongshun tại Đại học Công nghệ Thực phẩm Quốc gia Singapore, chất transglutaminase an toàn, và các công ty hoàn toàn có quyền sử dụng loại phụ gia đặc biệt này trong sản phẩm, nếu như làm theo quy trình chế biến. Song giáo sư William Chen thuộc Đại học Nanyang (Singapore) giải thích những miếng thịt này dễ bị nhiễm khuẩn.

"Trong quá trình chế biến, vi khuẩn sẽ sinh sôi do các miếng thịt không còn tươi. Mà thường chúng ta ăn miếng thịt tái, chưa được nấu chín kỹ. Vì thế, không thể tránh khỏi việc bị ngộ độc".


Giáo sư Chen nhấn mạnh "những miếng thịt chắp vá kiểu này đòi hỏi nhiệt độ nấu phải cao để có thể giảm khả năng gây hại cho sức khỏe", nếu không vi khuẩn có trong thịt sẽ gây ra các biến chứng, bệnh lý như tiêu chảy, viêm đường ruột.

Cách đây vài năm, kênh ABC của Mỹ đã có một báo cáo về keo dính thịt, trong đó đề cập rằng: “Với một miếng thịt nguyên thì mặt ngoài miếng thịt thường tiếp xúc với rất nhiều vi khuẩn từ lò mổ cho tới bàn chế biến. Thông thường, khi nấu ăn sẽ loại bỏ hầu hết các loại vi khuẩn ở phía ngoài này và bên trong miếng thịt được coi là không có vi khuẩn, điều này giúp chúng ta có được sự an toàn khi ăn bít tết từ thịt nguyên miếng. Nhưng với trường hợp các miếng thịt được kết dính lại với nhau thì kết quả khác hẳn. Các bề mặt thịt sẽ dính lại với nhau, dẫn tới việc, bên trong miếng thịt lớn được ghép từ những mảnh thịt vụn sẽ chứa vi khuẩn, chẳng hạn như E.coli“.

Theo báo cáo năm 2012, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn cho phép sử dụng keo dính thịt, còn Bộ Nông nghiệp Mỹ yêu cầu ghi thành phần này trên nhãn sản phẩm thì năm 2010, Liên minh Châu Âu (EU) đã ra lệnh cấm việc sử dụng keo dính thịt trong thực phẩm.

Trong khi đó, tại Mỹ và Châu Âu, thanh cua Surimi và thịt gà viên chiên là hai loại thức ăn bị nghi ngờ sử dụng nhiều keo dính thịt nhất. Surimi thường được làm từ cá vụn, trộn với keo dính thịt để các sợi dính lại với nhau nhằm phục vụ việc tạo hình. Thịt gà viên chiên cũng được xử lý tương tự từ gà vụn.

 Theo Trí Thức Trẻ

Tin tức mới nhất