Bức thư tình bí mật hé lộ góc khuất của các vĩ nhân (P.2)

Với triết gia vĩ đại Các Mác, khoảng cách và thời gian chỉ là chất xúc tác nêm nếm cho tình yêu của ông và vợ thêm mặn nồng. Tình yêu ấy cũng là bài học mà về sau, ông đã khuyên dạy cho con gái mình về cách chọn chồng.



Chuyện tình sóng gió của nhà văn Victor Hugo

Victor Hugo (1802 - 1885), cha đẻ của hai kiệt tác Những người khốn khổNhà thờ Đức Bà Paris, là một trong những nhà văn Pháp vĩ đại nhất, mang đến nhiều đóng góp quan trọng cho nền văn học Pháp.
 

Theo Wikipedia, nhà văn Hugo có nhiều nhân tình, nhưng mối quan hệ nồng cháy với Juliette Drouet - nàng thơ đã truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông. Mặc dù có nhiều "bóng hồng", nhưng Victor Hugo cũng dành tình yêu tha thiết với vợ là Adèle Foucher. Bà là người bạn thanh mai trúc mã của ông.

Để đến được với nhau, hai người đã phải trải qua muôn vàn sóng gió do sự phản đối từ gia đình. Suốt quãng thời gian yêu, Hugo và Foucher đã gửi tới cho nhau hàng chục bức thư tình với những lời có cánh để bày tỏ tình yêu mãnh liệt dành cho đối phương.

Trong một bức thư tình gửi tới người yêu năm 1821, nhà văn nhấn mạnh tình cảm của hai người sinh ra để dành cho nhau và phù hợp với nhau một cách hoàn hảo: "Khi hai tâm hồn tìm thấy nhau giữa một đám đông xa lạ dù trong khoảng thời gian dài hay ngắn, thì chỉ cần họ nhận thấy họ thuộc về nhau và cảm nhận được sự thân thuộc từ đối phương.

Sự hòa hợp này chính là tình yêu, là thực tại và là sự hoàn hảo. Thứ tình yêu thế này rất ít người đàn ông có thể thấu hiểu và trân trọng một cách xứng đáng. Và chính thứ tình yêu này là cảm xúc mà em đã truyền cho tôi, và là điều mà một ngày nào đó em chắc chắn sẽ nhận được từ tôi."

Bức thư này đã giúp củng cố thêm mối quan hệ của họ. Họ kết hôn cùng năm đó sau khi mẹ của Hugo qua đời. Hai người có với nhau 5 người con.

Dưới đây là đoạn trích trong bức thư mà đại thi hào của Pháp gửi tới Adèle Foucher:

"Em thân yêu!

Dù lẫn trong đám đông nhưng tâm hồn ta đã tìm thấy nhau, thì sự hòa hợp này sẽ rực cháy, khởi nguồn từ Trái đất và bay tới tận thiên đường. Đó chính là đam mê, là tình yêu đích thực. Tình yêu đó xuất phát từ tận đáy lòng anh, với một trái tim chân thành.

Em chính là người đã khơi nguồn tình yêu đó trong tâm hồn anh - một tình yêu trong sáng và mãnh liệt. Anh muốn nói với em cả ngàn lần rằng anh rất yêu em tha thiết..."

Lời yêu thương có cánh của Các Mác dành cho vợ

Karl Marx (Các Mác) (1818 - 1883) là một trong những triết học gia vĩ đại nhất thế giới và là người đồng sáng lập học thuyết chính trị mà sau đó Lênin đã tiếp tục phát triển thành Chủ nghĩa Mác - Lênin.
 

Đời sống riêng tư cũng như tình yêu của Các Mác và người vợ Gienny từng khiến nhiều người phải ngưỡng mộ. Qua những bức thư tình đầy yêu thương Các Mác gửi cho vợ, người ta mới thấy được sự lãng mạn của triết gia vĩ đại này.

Khi hai người xa cách, ông thường viết thư gửi tới Gienny những lời có cánh. Với hai người, khoảng cách chỉ là thứ gia vị để tình yêu của họ thêm mặn nồng: "Xa cách nhau ít hôm cũng tốt, bởi giao tiếp thường xuyên dễ gây cảm giác đơn điệu."

Đây là trích đoạn trong một bức thư ông gửi tới vợ:

"Em yêu quý,

Anh lại được viết thư cho em, bởi anh đang cô đơn và cảm thấy khổ sở khi phải trò chuyện với em trong tâm tưởng - điều mà em sẽ không thể nào biết được, và chẳng thể phản hồi lại anh. Em hiện lên trước mắt anh thật sống động, anh bế em trên tay, hôn em từ đầu đến chân, quỳ dưới chân em và thì thầm: "Anh yêu em!"

Người bạn đời của Các Mác cũng phản hồi lại ông với những lời yêu thương mùi mẫn không kém. Bà gọi ông bằng biệt danh đầy trìu mến là "con lợn lòi con yêu dấu của Gienny". Trong một bức thư gửi tới Các Mác năm 1841, bà viết: "Con lợn lòi con yêu dấu của Gienny! Gienny rất mừng khi được biết Các vui... Gienny gửi đến Các ở đầu mỗi ngón tay một chiếc hôn... để cho Các cảm biến được hết niềm trìu mến của tôi."

Tình yêu của hai người còn là niềm cảm hứng cho ông khuyên dạy con gái những bài học về tình yêu và hôn nhân. Ở một bức thư tay gửi con gái, Các Mác viết: "Con đừng bao giờ tự hỏi rằng người yêu con có xứng với con không? Thứ tình yêu mà lại mặc cả như món hàng ngoài chợ thì không còn gọi là tình yêu được nữa. Yêu là không so tính thiệt hơn, con ạ!".

Ông cũng nhấn mạnh tình yêu mà ông và Gienny đã dành cho nhau: "Con hãy yêu đi, tha thiết yêu đi, yêu như trước kia mẹ con đã yêu cha".


Triết gia Các Mác bên con gái

VEO
Theo Vietnamnet

Xem link gốc Ẩn link gốc https://vietnamnet.vn/ban-doc/cong-dong/buc-thu-tinh-bi-mat-he-lo-goc-khuat-cua-cac-vi-nhan-p2-n-116720.html

người bạn đời thư tình nhân tình Tình yêu

Tin tức mới nhất