https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/chinh-sach-cua-chinh-phu-rat-quyet-liet-618607.html

- Để duy trì đà tăng trưởng, một biện pháp thường được dùng là tăng chi Ngân sách nhà nước (NSNN) để kích thích kinh tế, tăng cầu đầu tư và tiêu dùng. Nhưng dịch bệnh sẽ làm thu NSNN giảm mạnh (theo kịch bản của Bộ KHĐT), vậy thì có thể dùng biện pháp này không, thưa ông?

Kịch bản cần phải cụ thể hơn, đánh giá đến từng lĩnh vực, ngành cụ thể phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh từng tháng, từng quý để có kịch bản ứng phó và có giải pháp phù hợp; đặc biệt mỗi giải pháp phải đánh giá tác động đến tăng trưởng như thế nào và dứt khoát phải đánh giá được hệ quả gây ra cho nền kinh tế và những ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô. 

Ví dụ, nếu hạ lãi suất, tăng cung tiền thì phải xem hiệu ứng kép như thế nào. Mặt tốt là doanh nghiệp được tiếp cận vốn rẻ hơn, nhưng làm tăng dư nợ tín dụng và tăng tỷ lệ tổng dư nợ tín dụng/GDP, tỷ lệ này 2019 đã rất cao và tỷ lệ này các tổ chức quốc tế dùng để đánh giá tín nhiệm quốc gia, rồi cũng phải tính toán đến rủi ro trong kiểm soát lạm phát.

Giảm thuế cũng cần đánh giá ảnh hưởng thế nào nếu không có giải pháp bù đăp nguồn thu? Tăng đầu tư công không chỉ nghĩ đến đủ tiền để tăng chi mà cần đánh giá ảnh hưởng như thế nào đến nợ công/ bội chi/ khả năng trả nợ, rồi công trình đó đóng góp như thế nào cho tăng trưởng, cả tăng trưởng trước mắt cũng như tăng trưởng các năm sau.

{keywords}
Ông Hoàng Quang Hàm: "Mỗi giải pháp phải đánh giá tác động đến tăng trưởng như thế nào, hệ quả gây ra cho nền kinh tế và những ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô".

- Ông có sáng kiến nào không?

Tôi giả sử, chúng ta định hướng nhiều dự án hàng chục ngàn tỉ đồng đầu tư bằng hình thức đối tác công tư (PPP) để huy động nguồn lực xã hội, dành tiền ngân sách để đầu tư cho nhiều công trình khác nữa phục vụ phát triển đất nước, nhưng nay chuyển sang đầu tư công 100% để hướng tới việc đạt mục tiêu tăng trưởng thì cần phải đánh giá kỹ lưỡng, nhiều mặt.

Đầu tư công giờ đang thiếu tiền mà dốc toàn bộ cho dự án lớn, hiệu quả chưa đánh giá kỹ thì không nên. Với tình hình hiện nay cần tính toán, phân bổ vốn đầu tư cho các dự án để bảo đảo mục tiêu tăng trưởng 2020 nhưng cũng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng cho các năm sau.  Không phải chỉ cho chống dịch hôm nay, cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,8% mà phải đặt trong tổng thể về tăng trưởng bền vững. Nghĩa là cần nhìn tổng thể, tính toán lại, cái gì cần thì mới đầu tư, dự án nào cần dồn vốn mới dồn vốn.

- Còn các gói hỗ trợ thì sao, nên tính toán như nào?

Dịch bệnh đến mức phải hỗ trợ thì cần các gói hỗ trợ nhưng mức hỗ trợ cho tình huống dịch bệnh khác nhau không giống nhau. Trong xây dựng các kịch bản đặc biệt nếu tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới kéo dài cần tính đến các gói hỗ trợ. Chẳng hạn hết tháng này hết dịch có thể không cần các gói hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách, nhưng phải xem tình hình sản xuất như thế nào để tính toán vực dậy sản xuất của ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng, bởi những gói về thuế chỉ giải quyết được khó khăn thôi, còn doanh nghiệp không có nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào hay không có thị trường nếu khỗng hỗ trợ để có nguồn cung, có thị trường thì doanh nghiệp sẽ “chết”, việc hỗ trợ về thuế sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

Như vậy thiếu thị trường phải tính đến hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng tối đa lợi thế các FTA đã ký, sẽ ký và cũng phải tính đến việc tạo dựng thị trường trong nước, tạo dựng các chuỗi giá trị. Thiếu nguồn cung thì phải hỗ trợ cơ cấu lại thị trường, tốt nhất là trong nước để đáp ứng nguồn cung. Gói hỗ trợ ở đây là phải tính toán mức thiệt hại của từng ngành, lĩnh vực và phải xác định cách thức hỗ trợ phù hợp.

- Nhưng mà một miếng bánh thì không thể chia đều tất cả mọi người được…

À không, đã nói hỗ trợ thì phải là hỗ trợ ngành, lĩnh vực, đối tượng bị thiệt hại và thiệt hại khác nhau thì hỗ trợ khác nhau, phải có thứ tự ưu tiên phù hợp với nguồn lực.

- Cái đó làm tăng chi đó, mà ông không ủng hộ tăng chi thì phải?

Không, tôi chưa bao giờ không ủng hộ tăng chi cả; nếu tăng chi là cần thiết, hợp lý thì phải tăng chi. Vấn đề là phải thuyết minh tăng chi làm gì, hiệu quả ra sao. Trong điều kiện dự toán ngân sách đã được Quốc hội quyết định thì việc đầu tiên phải làm là sử dụng dự phòng, sắp xếp lại chi, nếu vẫn thiếu thì mới đề cập đến tăng chi, nguồn để tăng chi.

Giả sử giờ dồn tiền cho dự án nào thì phải thuyết minh được dự án đó mang lại hiệu quả tăng trưởng như thế nào cho hiện tại và tương lai trong bối cảnh nguồn lực có hạn, nhiều dự án phải đầu tư, không thì phải dừng, giãn đầu tư.

Đến thời điểm này (sau này còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh) tôi tin là dự phòng ngân sách đủ để xử lý dịch bệnh; đáng ngại nhất là hụt thu do sản xuất, xuất nhập khẩu, du lịch… chậm lại. Mà thu ngân sách có thể ảnh hưởng cả trong dài hạn chứ không phải thời gian ngắn. Hết dịch kinh tế Trung Quốc, kinh tế thế giới có khi là cả chúng ta không phục hồi ngay được.

- Quay về giải pháp thúc đẩy đầu tư công, lâu nay giải ngân vẫn được cho là khâu yếu, vậy thì làm thế nào để thúc đẩy được đây?

Giải ngân đầu tư công ách tắc do nhiều nguyên nhân nhưng theo tôi trọng tâm là 2 khâu. Trước hết là lập, giao, điều chỉnh kế hoạch và thứ hai là hạn chế của việc chuẩn bị đầu tư nhiều dự án.

Nhiều năm nay, thực tế là chưa bao giờ, kế hoạch đầu tư tháng 10 trình Quốc hội có danh mục các dự án theo qui định của Luật đầu tư công, nghĩa là phía trình chưa biết đầu tư vào đâu (có thể đã có phương án nhưng chưa chắc chắn) thì tất yếu sẽ chậm chễ trong giao kế hoạch. Khi đã giao, phân bổ xong kế hoạch thì vấn đề tiếp theo là điều hành.

Chỗ nào không giải ngân được thì phải cắt, giảm để chuyển sang chỗ giải ngân được. Nhưng thực tế việc điều chỉnh kế hoạch thường không kịp thời, rất khó khăn trong việc điều chỉnh giảm kế hoạch đã giao cho các bộ, ngành, địa phương, các dự án dẫn đến thực trang nguồn lực hạn hẹp, nhiều công trình thiếu vốn nhưng nhiều năm giải ngân đạt thấp so với kế hoạch, có tiền không tiêu được kể cả tiền vay của các dự án ODA nhiều khi không giải ngân được vẫn phải trả phí cam kết. Đây là vấn đề cần đổi mới tư duy và cách làm.

Điểm thứ hai nữa là khâu chuẩn bị đầu tư nhiều dự án chất lượng kém, quá trình triển khai phải điều chỉnh dẫn đến chậm trễ thời gian, phát sinh công việc vì thêm thủ tục, tăng vốn làm ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch đầu tư đã được quyết định… Không khắc phục yếu kém trong chuẩn bị đầu tư thì không khắc phục được tình trạng giải ngân vốn chậm.

Một quốc gia thiếu tiền mà không giải ngân hết vốn đầu tư là cực kỳ vô lý và cần quan tâm hơn đến khâu điều hành.

- Có một điều lâu nay người ta vẫn nói, và đến khi gặp dịch bệnh này nó lại rõ hơn, đó là sự phụ thuộc của VN vào thị trường Trung Quốc. Mà sao đến giờ này vẫn chưa có giải pháp nào cho việc này?

Tôi rất tán đồng với câu hỏi này, đây là thực trạng đã diễn ra khá lâu và chưa khắc phục được. Cần phải đa dạng nguồn cung, mở rộng thị trường, đây cũng là giải pháp dài hạn và là giải pháp căn cơ để chúng ta ứng phó với không chỉ dịch cúm lần này mà là với biến động của thế giới nói chung. Như dân chứng khoán nói là “không bỏ trứng vào một giỏ”.

Vấn đề mở rộng thị trường hay đa dạng hoá nguồn cung là việc phải làm. Nhưng nó không hề dễ. Hiện nay chúng ta đã ký được FTA với EU rồi, nhưng EU là thị trường rất khắt khe, DN phải phát triển thế nào để dài hạn có thể đáp ứng được tiêu chuẩn châu Âu, mới có thể xuất hàng được, không thì chúng ta sẽ bị ảnh hưởng, thiệt hại, Hàng châu Âu chúng ta nhập nhưng chúng ta không xuất được hàng của mình sang châu Âu.

Việc mở rộng thị trường không phải bây giờ Chính phủ mới nghĩ đến, Chính phủ đã đặt ra từ lâu, nhưng mở như thế nào và phải có giải pháp về thị trường chứ không phải chỉ đề cập chung về định hướng.

- Vậy ông đưa ra gợi ý nào không?

Giờ có hỏi thì vẫn là đa dạng nguồn cung và mở rộng thị trường, thế thôi. Tuy nhiên không phải nói là làm được ngay vì làm được hay không phụ thuộc vào sản phẩm của Việt Nam. Muốn chiếm lĩnh thị trường phải phát triển được sản xuất trong nước, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng sản phẩm để chinh phục các thị trường khó tính; muốn thay đổi nguồn cung thì phải tổ chức lại sản xuất, tạo ra các chuỗi giá trị, sản phẩm của các doanh nghiệp phải là chuỗi liên kết…

Không phải là đễ, để thực hiện được cần có đột phá về tư duy và chính sách.

- Xin cảm ơn ông! 

Hải Triều (thực hiện)