“Nếu Chính phủ muốn tạo ra được sự đột phá thực sự thì nhiệm vụ đầu tiên là phải lấy lại được niềm tin của người dân, của DN. Lấy lại bằng cách nào? Không có cách nào khác ngoài việc lời nói và hành động phải đi đôi với nhau. Một chính phủ kiến tạo thì phải đồng hành với doanh nghiệp. Một chính phủ hành động là đã nói thì phải làm. Một chính phủ chịu trách nhiệm là phải có ai đó sẽ ra đi nếu những việc đã giao cho họ không làm được”, TS. Vũ Thành Tự Anh.

Kỳ 1: GS Harvard nói về căn bệnh "già vẫn chưa giàu" của Việt Nam

13 tỉnh góp ngân sách nuôi cả nước

Nhà báo Việt Lâm: Theo GS Hausman, ứng dụng lý thuyết Độ phức tạp của nền kinh tế này vào tình hình Việt Nam thì một chiến lược như thế nào sẽ khả thi?

GS. Ricardo Hausmann: Ý tưởng phía sau lý thuyết Độ phức tạp của nền kinh tế là: Các quốc gia thường đa dạng hoá sản phẩm của mình bằng cách chuyển từ những ngành mà họ biết làm sang những ngành khác, nhưng không quá khác biệt mà vẫn có chút ít liên quan. Những tri thức – kĩ năng được tích luỹ trong các ngành công nghiệp trước đó có thể tái sử dụng cho các ngành công nghiệp mới.

Thường chúng tôi sẽ nhìn xem đâu là những ngành công nghiệp hiện tại ở tất cả các vùng, sau đó đánh giá xem đi tiếp như thế nào.

Khi áp dụng phương pháp này vào Việt Nam, chúng tôi nhìn vào 63 tỉnh thành của Việt Nam. Mỗi tỉnh, là một lịch sử khác nhau.

Hiển nhiên là Hà Nội, TP.HCM có nhiều hoạt động kinh tế phức tạp và sản xuất đa dạng, được kết nối thuận tiện tới các cơ sở hạ tầng, sân bay, cảng biển. Rất nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào đây. Trong khi đó, các tỉnh khác thì ít lợi thế hơn nhiều. Đối với những tỉnh này, họ muốn thu hút không chỉ các công ty nước ngoài mà còn cả các công ty trong nước đến từ Hà Nội hay TP.HCM. Rõ ràng là sẽ dễ dàng để tạo ra sự lan toả về tri thức – kĩ năng bằng cách mang tri thức – kĩ năng đã có sẵn trong nước đến những tỉnh này, thay vì cố gắng mang tri thức – kĩ năng từ nước ngoài vào.

Bởi vậy, lời khuyên của tôi là: Đối với Hà Nội và TP.HCM, hãy tiếp tục nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực sản xuất tiên tiến hơn. Đối với các tỉnh khác, họ cũng có thể làm vậy nhưng cách thức khả thi hơn là cố gắng thu hút các tri thức – kĩ năng đã có sẵn ở Việt Nam.

TS Vũ Thành Tự Anh: Tôi cho rằng, phương pháp của GS Ricardo Hausmann áp dụng cho nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ là một cách thức rất thú vị để nhận dạng được mức độ phức tạp hiện nay của nền kinh tế và sau đó chỉ ra được là những sản phẩm, nhóm sản phẩm nào sẽ là hướng đi tiếp theo.

Tôi có hai bình luận liên quan tới việc này.

Thứ nhất, kinh tế Việt Nam có sự chia cắt giữa khu vực năng suất cao, công nghệ cao với khu vực năng suất thấp và năng lực công nghệ thấp hơn. Nếu chúng ta không bắc được cầu nối giữa hai khu vực này thì rất khó để tạo ra sự lan toả về tri thức – kĩ năng.

Để làm được điều này, chúng ta cần phải có một chiến lược rất rõ ràng về việc nâng cao năng lực của DN vừa và nhỏ (ở đây tôi không dùng từ hỗ trợ vì nó khiến chúng ta nghĩ đến việc DN phải đi xin xỏ, ban phát). Nói cách khác, phải tạo ra được một môi trường kinh doanh bình đẳng như hôm nhóm của GS. Ricardo Hausmann đã trình bày trước Thủ tướng, tức là giải quyết được hàng loạt trước điểm nghẽn tăng trưởng để cho doanh nghiệp khu vực vừa và nhỏ có thể phát triển được.

Bình luận thứ hai liên quan đến kinh tế địa phương. Nghiên cứu các nền kinh tế địa phương 10 năm nay, tôi nhận thấy hiện có tới 50 tỉnh nhận trợ cấp từ TƯ. Chỉ có 13 tỉnh thực sự đóng góp ngân sách cho TƯ. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi họ muốn làm thì năng lực hiện hữu cũng khó có thể làm được gì, trừ khi phải đi xin nguồn lực đầu tư từ TƯ vào cơ sở hạ tầng. TƯ mà đứng trước cảnh 50 tỉnh cùng đi xin như thế, trong khi nguồn lực của chúng ta đang phân tán như thế thì rất khó để thực hiện.

Lời khuyên của GS Hausmann về việc thu hút đầu tư từ các tỉnh phát triển về các tỉnh khác là xác đáng bởi vấn đề của VN đúng là nằm ở sự lan toả. Trước đây, TP.HCM đã đóng vai trò là một cực tăng trưởng, từ đó lan ra Bình Dương, Đồng Nai, vòng thứ hai là Long An, Tiền Giang, Tây Ninh…

Tuy nhiên, tôi hơi e ngại khi sử dụng các tỉnh làm đơn vị để thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp thậm chí là chiến lược phát triển công nghiệp.

Lý do vì thứ nhất, đơn vị tỉnh quá nhỏ, thứ hai, là nguy cơ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh. Thực tế, chúng ta đã chứng kiến cuộc cạnh tranh xuống đáy suốt 10 năm qua giữa các địa phương trong việc thu hút đầu tư thông qua hàng loạt những biện pháp phá rào về mặt ưu đãi đầu tư. Do đó, tôi cho rằng cách tiếp cận phát triển của Việt Nam nên là cách tiếp cận vùng chứ không nên theo từng địa phương.

GS. Ricardo Hausmann: Để khắc phục tình trạng đó, theo tôi, cách tiếp cận từ quốc gia sẽ có vai trò nhất định. Cần có những chính sách chung từ góc độ quốc gia để đảm bảo tất cả đều được đối xử công bằng. Nhưng tất cả quốc gia đều phải đối mặt với tình trạng phức tạp này.

Đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn đang sống ở khu vực nông thôn. Để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, 80% dân số phải sống ở thành thị. Tức là trong vòng hai thế hệ tới, có khoảng 50 triệu dân sẽ đô thị hoá. Tất nhiên, họ không thể chỉ sống ở Hà Nội, TP.HCM. Việt Nam sẽ có những thành phố lớn khác trên khắp lãnh thổ. Và các bạn sẽ muốn đảm bảo những thành phố lớn này có đủ các cơ sở hạ tầng, hậu cần và kết nối cũng như chất lượng cuộc sống đạt chuẩn.

Như vậy, Việt Nam sẽ có nhiều thành phố tầm trung trở lên có năng suất cao. Những thành phố này hiện chưa xuất hiện ở Việt Nam. Chúng không từ trên trời rơi xuống, trừ phi chúng ta chuẩn bị các cơ sở hạ tầng, điều kiện thiết yếu để tạo điều kiện cho chúng.

{keywords}
GS. Ricardo Hausmann (trái)

Nhà báo Việt Lâm: Ông Tự Anh có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ phát triển. Đây cũng là một trong những trọng tâm trong nghị trình cải cách của Thủ tướng kể từ khi ông lên nắm quyền. Ông đánh giá thế nào về thực tế triển khai cho đến nay?

TS Vũ Thành Tự Anh: Nhìn về mặt thông điệp, chính sách của Thủ tướng tương đối mạch lạc. Thông điệp thứ nhất về cải thiện môi trường kinh doanh thì ngay khi nhận nhiệm sở thì Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ra đời nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, sau đó đến tháng 5 thì có thêm nghị quyết 35 về phát triển doanh nghiệp. Đến 13/10 ngày doanh nhân thủ tướng lại gặp doanh nghiệp.

Thông điệp thứ hai là một nền kinh tế chuyển dần ra khỏi tăng trưởng về số lượng chuyển sang tăng trưởng về mặt chất lượng. Chính phủ đã đề ra các chỉ tiêu để TFP sẽ đóng góp từ 10-30% vào trong GDP.

Thông điệp thứ ba là phát triển một cách sáng tạo, cụ thể là trong một triệu doanh nghiệp mới từ nay đến 2020 phải có nhiều DN khởi nghiệp một cách sáng tạo cũng như nhiều DN áp dụng những công nghệ mới.

Câu hỏi tiếp theo là những định hướng này triển khai thành chính sách như thế nào? Trước khi bình luận cụ thể, tôi muốn lưu ý một thực tế. Chính phủ mới có rất nhiều thành viên mới, từ Thủ tướng, ba phó Thủ tướng cho tới nhiều bộ trưởng. Để những con người mới này làm quen, nhập cuộc với một hệ thống mà họ phải điều hành sẽ mất thời gian nhất định nên khó có thể đòi hỏi qua 6 tháng đã nhìn thấy ngay kết quả.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào hoạt động cụ thể của nền kinh tế thì có những tín hiệu khá tích cực, chẳng hạn như chỉ số về quản trị mua hàng, hay kết quả thăm dò của một số công ty marketing thực hiện cho thấy các DN tương đối lạc quan với môi trường hiện nay.

Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải nhìn nhận thực tế khác là số lượng DN giải thể thời gian qua rất lớn và điều này mâu thuẫn trực tiếp với việc tạo ra 1 triệu DN theo mục tiêu của chính phủ. Mặt khác, 1 triệu DN đó có năng suất như thế nào, khả năng cạnh tranh ra sao.

Nếu nhìn vào những kết quả đo lường được, ví dụ như tăng trưởng GDP thì không đạt được mức 6,7% đã đề ra.

Tuy nhiên, đây không phải kết quả gì gây thất vọng do năm nay Việt Nam phải chịu thiên tai khiến nông nghiệp suy giảm, rồi sự cố Formosa, giá dầu sụt giảm.

Thực ra, ngay cả khi chúng ta không chạy theo chỉ tiêu 6,7% GDP cũng đã là một thông điệp quan trọng. Bởi chúng ta hoàn toàn có thể đạt được con số 6,7% nếu bơm thêm vốn đầu tư và nới lỏng tín dụng, nhưng hệ luỵ bất ổn vĩ mô sẽ chờ đón chúng ta trong vài năm tới. Như vậy, việc chấp nhận tốc độ tăng trưởng thấp hơn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô cũng là một thông điệp quan trọng.

Thể chế phải song hành với chính sách

Nhà báo Việt Lâm: GS Ricardo Hausmann đã có cuộc gặp với Thủ tướng và các thành viên chính phủ. Qua cuộc gặp đó, ông cảm nhận về ý chí cải cách của bộ máy lãnh đạo VN như thế nào?

GS. Ricardo Hausmann: Trước tiên tôi phải nói rằng tôi thực sự vô cùng vinh dự được gặp một số ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng, phó thủ tướng và 7 thành viên nội các.

Chúng tôi đã có dịp được trình bày các ý tưởng, thảo luận bàn tròn và sau đó tiếp tục thảo luận với Thủ tướng trong bữa ăn tối. Qua đó, tôi cảm nhận được mối quan tâm và ý chí quyết tâm của Chính phủ Việt Nam để có được những ý tưởng mới và cách thức hiện thực hoá các ý tưởng nhằm tiếp tục thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế ở Việt Nam.

Nhà báo Việt Lâm: Vừa qua, chúng ta cũng quan sát thấy thực tế Thủ tướng quyết tâm cắt bỏ các giấy phép con cản trở DN tự do kinh doanh thì chính một số bộ vẫn chưa sẵn sàng làm việc đó. Vậy làm thế nào để ý chí cải cách từ lãnh đạo cấp cao có thể thấm xuống bộ máy bên dưới bởi suy cho cùng chính bộ máy bên dưới đó mới là những người trực tiếp làm việc với DN?

TS Vũ Thành Tự Anh: Tôi nghĩ đầu tiên chúng ta phải có trách nhiệm giải trình. Khi đã có chiến lược, chương trình hành động thì phải có ai đó chịu trách nhiệm về chương trình hành động đó.

Ở đây, có thể chính các bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trực tiếp. Như vừa rồi, Bộ Công thương sau hàng loạt vụ lùm xùm đã có một quyết định hết sức quan trọng là cắt bỏ các điều kiện kinh doanh hay giấy phép con như chúng ta thường gọi. Đấy là những biện pháp cụ thể và chắc chắn sẽ mang lại kết quả. Vấn đề là nếu như chuyện đó không xảy ra thì ông bộ trưởng sẽ chịu trách nhiệm như thế nào trước Chính phủ?

Thứ hai, hệ thống thể chế cũng phải song hành với những biện pháp chính sách. Nếu không thì rất có thể chính sách sẽ đi một đằng còn thể chế được thiết kế đi một nẻo. Đơn cử ví dụ, cách đây nửa năm Chính phủ có chủ trương cắt giảm giấy phép con. Sau đó, rất nhiều bộ lồng ghép luôn các điều kiện kinh doanh vào các nghị định, nghĩa là bây giờ bản thân nghị định đã chứa các giấy phép con rồi, chứ không còn nhằm trong các quyết định hành chính của các bộ nữa.

GS. Ricardo Hausmann: Tôi cho rằng thông tin có ý nghĩa rất quan trọng đối với Chính phủ để biết được những gì đang diễn ra. Khi các cơ quan chính phủ vận hành, họ có thể khiến người dân không hài lòng. Và khi người dân không hài lòng, họ cần có các kênh để bày tỏ với Chính phủ chỗ nào và ở đâu đang có vấn đề. Chính phủ tiếp nhận các phản hồi để có hướng khắc phục.

Một trong những ý tưởng thú vị được thảo luận trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam là làm thế nào tạo dựng một hệ thống thu thập các phản hồi của người dân, đồng thời dựa vào đó để xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan chính phủ. Tôi nghĩ rằng cần phải trao quyền cho người dân để họ có tiếng nói nhiều hơn, có thể thông tin trực tiếp đến Chính phủ những vấn đề đang tồn tại trong hệ thống, giúp các chính khách biết nên đặt trọng tâm vào đâu.

Nhà báo Việt Lâm: Câu chuyện một số bộ ngành chưa sẵn lòng từ bỏ các điều kiện kinh doanh phải chăng cho thấy rằng quan ngại của một số nhà lãnh đạo và người dân về bóng dáng của các nhóm lợi ích trong hoạch định chính sách công nghiệp là có thật?

TS Vũ Thành Tự Anh: Theo tôi hiểu thì các bộ, ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ngân hàng nhà nước đều từng đặt vấn đề là có lợi ích nhóm hay không. Nhưng cho đến giờ chúng ta có thấy trên báo chí hay báo cáo nào về nhóm lợi ích hay không? Tuyệt nhiên không? Tôi nghĩ nếu bây giờ Chính phủ có lập tổ công tác để đi tìm nhóm lợi ích chắc cũng không thể tìm được.

Vậy vấn đề nằm ở đâu? Phải chăng đang có sự chia cắt, giữa một bên là lợi ích nhóm mà chúng ta quan sát được từ thực tế cuộc sống với một bên là thông tin mà Chính phủ có được. Có lẽ đó là vấn đề mà GS Hausmann vừa nói: Chính phủ hoặc là chưa nhận ra hoặc vẫn chưa tập trung để có thể thấy được những gì đang xảy ra.

Đơn cử trường hợp của thép Cà Ná. Chúng ta thấy những quyết định của UBND Ninh Thuận đưa ra rất nhanh. Chỉ mất 3 ngày dự án này đã lấy xong ý kiến của các sở ban ngành, mất thêm vài ngày để đi vào quy hoạch của Bộ Công thương. Vừa rồi, khi Bộ Công thương ban hành văn bản mới về quy hoạch thì tên của nhà đầu tư đã được xoá khỏi danh sách các dự án thép. Tức là dự án vẫn còn nhưng tên của nhà đầu tư vì yếu tố nào đó đã bị loại ra.

Như thế, từ góc độ bên ngoài nhìn vào, người dân có quyền đặt câu hỏi vì sao lại có sự thiếu minh bạch thông tin như vậy. Các quy trình được thông qua trong một thời gian ngắn như vậy có phải là bất thường hay không? Nếu các nhà chức trách không giải trình được thì không thể trách người dân và các nhà khoa học nghi ngờ. Họ có quyền nghi ngờ khi đồng thuế của họ đóng, môi trường cuộc sống của họ phụ thuộc vào những quyết định hết sức quan trọng nhưng lại không được minh bạch và giải trình.

Vấn đề bây giờ là tiếp tục củng cố niềm tin. Nếu Chính phủ muốn tạo ra được sự đột phá thực sự thì nhiệm vụ đầu tiên là phải lấy lại được niềm tin của người dân, của DN. Lấy lại bằng cách nào? Không có cách nào khác ngoài việc lời nói và hành động phải đi đôi với nhau. Một chính phủ kiến tạo thì phải đồng hành với doanh nghiệp. Một chính phủ hành động là đã nói thì phải làm. Một chính phủ chịu trách nhiệm là phải có ai đó sẽ ra đi nếu những việc đã giao cho họ không làm được.

Việt Nam là một câu chuyện ấn tượng

Nhà báo Việt Lâm: Rõ ràng còn rất nhiều việc phải làm nhưng điều đáng mừng là chính phủ đã khởi động nghị trình cải cách. Có lẽ hiện nay nhiều người đang lo ngại là làm sao duy trì được động lực và ý chí cải cách, khi mà tương lai của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rất xa vời. Trong khi TPP được kì vọng tạo ra áp lực để Việt Nam cải cách?

TS Vũ Thành Tự Anh: Trước đây, tôi từng nghĩ các áp lực bên ngoài như BTA, WTO hay TPP có thể trở thành chất xúc tác để cải cách trong nước. Nhưng càng nghiên cứu kỹ về tác động của các hiệp định này, tôi càng thấy rằng chúng chỉ có tác động nếu Việt Nam có động lực cải cách thực sự từ bên trong. Nếu không, chính những hiệp định này lại tạo ra sức ép cạnh tranh vô cùng to lớn cho doanh nghiệp trong nước.

Tại sao lại như vậy? Bởi vì, nếu chúng ta không có động lực cải cách thực sự thì chúng ta

 chỉ cố gắng tìm mọi cách để đáp ứng yêu cầu một cách hình thức của các hiệp định thương mại quốc tế. Khi chúng ta không thực sự dùng chúng để trở thành một công cụ cải cách, không có sự cộng hưởng giữa nội lực và nhu cầu cải cách bên trong với ngoại lực thì không thể tạo ra sinh lực mới cho nền kinh tế.

Trong khi đó, khi mở cửa các hệ thống thương mại, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài. Cơ hội thì luôn có nhưng năng lực chớp cơ hội của chúng ta lại không được nâng lên một cách tương ứng. Khi đó, cơ hội biến thành thách thức. Thực tế chúng ta đã thấy hàng loạt DN bán lẻ bị thâu tóm, xuất khẩu không tang bao nhiêu nhưng chúng ta phải nhập khẩu từ cây kim cho đến cái tăm.

Tóm lại, khi không có động lực cải cách bên trong thì tác dụng của các hiệp định quốc tế rất hạn chế.

Nhà báo Việt Lâm: GS Hausmann, ông đã nghiên cứu rất nhiều quốc gia đang phát triển. Ông thấy trường hợp của Việt Nam như thế nào?

GS Ricardo Hausmann: Việt Nam là một câu chuyện rất ấn tượng. Phải nói cho công bằng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu có thể nói là kỷ lục trong lịch sử thế giới.

Tuy nhiên, những thách thức đang đặt ra trước mắt cũng rất lớn. Và tôi thấy được quyết tâm lớn của chính phủ để vượt qua những trở ngại này.

Tôi cho rằng điều cần làm là có nhiều chính sách tốt hơn, nhiều cải cách hơn, nhiều cơ hội hơn cho khu vực tư nhân và siết chặt kỷ luật với khu vực DN nhà nước. Chính phủ cũng cần tạo ra nhiều cơ hội để người dân ở khu vực nông thôn kết nối với đô thị với các chính sách đô thị hoá đúng đắn. Tôi vừa đến thăm một làng quê ở miền Bắc. Người dân rất nghèo nhưng đa số đều đã đi học hết trung học cơ sở. Tức là họ đã được đào tạo một cách cơ bản. Nếu họ được trao cơ hội tốt hơn, cuộc sống của họ sẽ được cải thiện.

Nếu Việt Nam tiếp tục con đường cải cách như vậy thì chắc chắn tương lai sẽ đầy hứa hẹn.

Nhà báo Việt Lâm: Xin cảm ơn hai vị khách mời!

VietNamNet