Làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?

Lò vi sóng chỉ tạo ra những sóng điện từ làm chín thức ăn, vì thế không thể khiến thức ăn bị nhiễm xạ, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi dùng.

Kể từ khi lò vi sóng được giới thiệu lần đầu tiên vào những năm 1940, thiết bị nhà bếp này đã gây tranh cãi vì bị cho là ảnh hưởng đến sức khỏe và dinh dưỡng của con người. Nhưng nếu bạn hiểu nguyên lý vật lý của nó và cách sử dụng đúng, bạn sẽ thấy rằng nó tốt cho sức khỏe và hiệu quả không kém các phương pháp nấu ăn truyền thống.

Làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?-1

1. Lò vi sóng chỉ dùng để hâm nóng và không làm ô nhiễm thức ăn

Trong lò vi sóng có một bộ phận được gọi là ống phát vi sóng (sóng vi ba). Vi sóng này phản xạ bên trong lớp kim loại của lò vi sóng và tác động lên thực phẩm, làm rung các phân tử nước từ đó sinh ra nhiệt để làm nóng hoặc đun chín thức ăn. Đây là lý do tại sao thực phẩm có hàm lượng nước cao (chẳng hạn như rau tươi) được nấu chín nhanh hơn các thực phẩm khác.

Năng lượng vi sóng được thực phẩm hấp thụ và chuyển thành nhiệt năng mà không làm cho thực phẩm bị nhiễm phóng xạ hoặc ô nhiễm bức xạ. Mặc dù nhiệt sinh ra trực tiếp trong thức ăn nhưng lò vi sóng không làm chín thức ăn từ trong ra ngoài. Khi nấu thức ăn dày, lớp ngoài chủ yếu được làm nóng và nấu nấu chín bằng lò vi sóng, còn bên trong chủ yếu được làm chín bằng cách dẫn nhiệt từ lớp nóng bên ngoài vào. Tóm lại, lò vi sóng chỉ tạo ra những sóng điện từ làm chín thức ăn, vì thế không thể khiến thức ăn bị nhiễm xạ, nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm khi nấu ăn bằng lò vi sóng.

Làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?-2

2. Lò vi sóng có thể kích thích hoặc duy trì nhiều giá trị dinh dưỡng hơn

Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng ở hầu hết các trường hợp, chất dinh dưỡng trong rau củ được làm chín bằng lò vi sóng không bị mất đi. Cụ thể nhiều đơn vị nghiên cứu đã lần lượt làm các thí nghiệm và cho kết quả: phần lớn các hợp chất kháng bệnh trong những loại rau họ cải được xử lý bằng lò vi sóng vẫn được giữ lại; các hoạt động chống oxy hóa của củ cải đường, đậu xanh, hành tây, tỏi và khoai tây đều không bị mất đi sau khi được làm chín bằng lò vi sóng.

Thậm chí, một cuộc khảo sát trên Tạp chí Khoa học Thực phẩm còn cho thấy nấu ăn lò vi sóng có thể tăng cường hoạt động chống oxy hóa của cà rốt, cần tây và đậu xanh. Ngoài ra, các nhà khoa học Ý phát hiện ra rằng nấu bằng lò vi sóng có thể duy trì hàm lượng vitamin C trong bông cải xanh tốt hơn so với hấp hoặc luộc.

Như vậy, nấu bằng lò vi sóng tiết kiệm năng lượng hơn so với cách nấu truyền thống vì thức ăn được nấu nhanh hơn và năng lượng chỉ làm nóng thức ăn chứ không phải toàn bộ lò. Lò vi sóng sử dụng rất ít nước để nấu chín thức ăn, thời gian làm nóng thức ăn tương đối ngắn, tất cả đều giúp giảm sự mất chất dinh dưỡng trong thực phẩm chúng ta ăn.

Làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?-3

Còn về nỗi lo nấu nướng bằng lò vi sóng sẽ làm thay đổi cấu trúc của thực phẩm, sinh ra các hợp chất có hại như chất gây ung thư? Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào đáng tin cậy để chứng minh điều này. Hãy biết rằng chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có hại cho sức khỏe của bạn hơn nhiều so với việc tự nấu.

3. Phương pháp để cải thiện dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe

Giữ khô ráo: Về khả năng lưu giữ chất dinh dưỡng thì khi nấu nướng chúng ta sử dụng nước càng ít càng tốt vì nước làm hoà loãng các chất dinh dưỡng chảy ra ngoài. Do đó, thực phẩm nấu trong lò vi sóng có thể giữ lại được nhiều vitamin và khoáng chất vì nó nấu chín thực phẩm nhanh mà không cần nước, vitamin và chất dinh dưỡng không bốc hơi theo.

Bạn cũng nên dùng lò vi sóng để hâm nóng các loại thực phẩm cũ mà không phải cho thêm nước như khi đun nấu trên bếp. Nhiều loại rau (chẳng hạn như ớt ngọt) chứa nhiều nước, việc đun nóng bằng lò vi sóng có thể duy trì hương vị giòn và dinh dưỡng tốt hơn.

Làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?-4

Giữ an toàn: Nói chung, thủy tinh, gốm và silicone là những lựa chọn an toàn nhất cho lò vi sóng. Vì các hóa chất có hại tiềm ẩn có thể xâm nhập vào thức ăn nóng, nên tốt nhất bạn nên tránh dùng hộp nhựa, ngay cả những loại được coi là an toàn trong lò vi sóng. Bạn cũng không nên dùng vật bằng kim loại để đựng thức ăn khi nấu trong lò vi sóng vì sóng điện từ sẽ phản xạ từ các vật liệu này ra ngoài khiến thức ăn chín không đều, hơn nữa còn có thể gây nổ và làm hỏng lò.

4. Bức xạ vi sóng có khủng khiếp không?

Về lý thuyết, bức xạ vi sóng có thể làm nóng các mô cơ thể giống như cách chúng hâm nóng thức ăn và nếu tiếp xúc ở mức độ cao, vi sóng có thể gây bỏng và đục thủy tinh thể. Tuy nhiên những loại chấn thương này rất hiếm gặp và thường xảy ra khi con người tiếp xúc với lượng lớn phóng xạ rò rỉ qua các lỗ hở trong lò.

Trong khi đó, các loại lò vi sóng đều đã được thiết kế theo một cách nhất định để ngăn chặn các loại rò rỉ phóng xạ này. Ví dụ, lò vi sóng phải có hai hệ thống khóa liên động ngăn chặn việc cho ra vi sóng ngay khi cửa lò mở. Lò cũng có hệ thống giám sát ngăn thiết bị hoạt động nếu một trong các hệ thống khóa liên động bị hỏng.

Làm nóng thức ăn bằng lò vi sóng có hại cho sức khỏe không?-5

Theo khảo sát, hầu hết các hư hỏng do lò vi sóng gây ra ngày nay không liên quan đến bức xạ, rò rỉ qua các khe hở. Thường các chấn thương phổ biến nhất là do bỏng liên quan đến chạm vào các vật chứa nóng hoặc thực phẩm quá nóng hoặc tiếp xúc với chất lỏng phát nổ.

Vậy nhưng để đảm bảo an toàn và yên tâm, khi lò vi sóng đang hoạt động tốt nhất chúng ta không nên đứng trực tiếp cạnh nó lâu; không sử dụng nếu cửa lò không đóng đúng cách hoặc bị "cong, vênh hay hư hỏng"; nếu cửa lò hở mà lò vi sóng vẫn chạy thì hãy lập tức tắt nguồn và mang đi sửa chữa. Bên cạnh đó, FDA khuyến cáo người dùng nên đọc và làm theo hướng dẫn sử dụng lò vi sóng, tuân thủ đúng thời gian làm nóng từng loại thực phẩm để giúp bản thân an toàn khi sử dụng.

Theo V.K – Vietnamnet


Lò vi sóng

mẹo vặt gia đình


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.