Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) gắn với thực tiễn địa phương, chú
trọng khâu thực hành, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, liên kết với DN...
là cách làm hiệu quả ở nhiều trung tâm dạy nghề.
Đào tạo nghề gắn với thực tiễn
Sau 3 tháng tham gia lớp học nghề dạy may công nghiệp do Trung tâm dạy nghề
huyện Mai Châu (Hòa Bình) tổ chức, chị Nguyễn Thị Huyền (xã Giềng Châu) đã nắm
được các kỹ thuật thêu, dệt thổ cẩm và sử dụng máy may thành thạo. Theo chị
Huyền, với sự hướng dẫn nhiệt tình, chu đáo của thầy cô, được thực hành nhiều từ
những bước đơn giản đến cả quy trình hoàn thiện sản phẩm, chị và các học viên có
thể áp dụng những kiến thức được học vào thực tế.
Sau khóa học, chị Huyền cùng các học viên được nhận về HTX dệt thổ cẩm Chiềng
Châu làm việc. Các sản phẩm ví, túi xách, khăn trải bàn, túi xách… do các chị
làm không chỉ đáp ứng nhu cầu của địa phương mà còn được tiêu thụ tại các thành
phố lớn trong nước và xuất khẩu, đem lại thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng cho
mỗi chị em.
Xác định đào tạo nghề cho LĐNT phải gắn với thực tiễn địa phương, Trung tâm dạy nghề huyện Mai Châu đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn trên địa bàn khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT, đồng thời đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Trung tâm luôn chú trọng khâu thực hành trong công tác đào tạo nghề. Đa số các học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo đã tìm được việc làm tại các DN trên địa bàn hoặc tự tạo việc làm tại chỗ.
Cùng mục tiêu đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu và có thể tạo công ăn việc làm
cho LĐNT ngay sau học nghề, Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến (huyện Yên Lạc, Vĩnh
Phúc) đã mở các lớp dạy nghề may công nghiệp, làm hoa đất, hoa lụa và thêu ren...
Không chỉ đào tạo cho người lao động những kỹ năng nghề, trung tâm còn trang bị
cho họ những hiểu biết cơ bản cần thiết về an toàn lao động và vệ sinh công
nghiệp. Nhiều DN trên địa bàn đã chủ động tìm đến trung tâm để nhận lao động.
90% học viên tại trung tâm đã tìm được việc làm với thu nhập ổn định từ 2,9 -
3,5 triệu đồng/người/tháng.
“Đầu ra” vững chắc cho các lớp học
Để đạt những kết quả khả quan, các trung tâm dạy nghề đã tổ chức điều tra, phân
tích, đánh giá đúng thực trạng nguồn LĐNT; Xác định kịp thời nhu cầu học nghề,
sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các DN, thị trường lao động trên địa bàn,
trên cơ sở đó xác định danh mục nghề đào nghề phù hợp. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên
truyền, tư vấn học nghề và việc làm đối với LĐNT; các cơ chế, chính sách hỗ trợ
LĐNT, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, đối tượng chính sách trong vấn đề học
nghề, tạo việc làm; khuyến khích xã hội hóa công tác dạy nghề và hỗ trợ việc làm
cho LĐNT...
|
Ảnh minh họa |
Hiện, các trung tâm dạy nghề địa phương vẫn gặp
phải một số khó khăn như cơ sở vật chất còn thô sơ, trang thiết bị thiếu thốn,
phần lớn người lao động nghèo chỉ muốn làm việc giản đơn để có thu nhập ngay nên
không kiên trì học nghề...
Để khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả công tác đào tào nghề, các cơ sở đào
tạo, dạy nghề cần chủ động liên kết với DN trong đầu tư trang thiết bị phục vụ
dạy nghề và thực hành. Bên cạnh đó, chú trọng huy động các nguồn lực tài chính
ngoài ngân sách để đầu tư cho công tác đào tạo, đầu tư có hiệu quả nguồn vốn
Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm và dạy nghề. Tiếp tục xã hội hoá công
tác dạy nghề, đầu tư phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý về số lượng và
chất lượng, bổ sung và điều chỉnh chương trình, giáo trình và các nghề phù hợp
với nhu cầu của DN.
Việc liên kết cơ sở dạy nghề với DN cũng là cách làm thiết thực trong xây dựng
nông thôn mới. Với cái “bắt tay” này, DN sẽ hỗ trợ học viên trong việc thực hành,
làm quen và nhận chuyển giao dần quy trình công nghệ, mà còn cụ thể những yêu
cầu về nhân lực, việc làm, thu nhập cho người học. DN sẽ có nhiều cơ hội tuyển
dụng nguồn lao động được đào tạo tốt, chủ động nguồn nhân lực để có thể phục vụ
cho yêu cầu phát triển của DN.
Cách làm này đảm bảo người lao động sau khi học
nghề có việc làm ngay, bản thân người lao động có tay nghề, thạo việc, ổn định
cuộc sống lâu dài. Bên cạnh đó, từ việc nắm bắt chính xác, kịp thời nhu cầu về
số lượng, chất lượng lao động của các DN nên các cơ sở dạy nghề sẽ xây dựng được
các chương trình đào tạo sát nhu cầu thực tế. Xác định được những thay đổi của
nguồn lực cần có để hoạch định kế hoạch, chiến lược của cơ sở mình.
Gắn đào tạo nghề với thực tiễn là hướng đi đúng đắn đảm bảo chất lượng và hiệu
quả chương trình đào tạo nghề theo Đề án 1956.
M.M (tổng hợp)