Sau 2 năm làm giáo viên tiếng Anh ở Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội, Thảo tự tìm kiếm cho mình những cơ hội thực tập, giảng dạy ở nước ngoài để mở mang tầm hiểu biết, tăng cơ hội tiếp cận với những phương pháp giáo dục mới, tiên tiến, cũng là cơ hội để khám phá bản thân mình.
Thông qua Tổ chức Aiesec của ĐH Ngoại thương Hà Nội, Thảo nộp hồ sơ cho trường liên cấp Alpha Language School ở Cairo. Sau một số vòng hồ sơ, phỏng vấn, cô giáo trẻ được trường lựa chọn theo chương trình thực tập 9 tháng có trả lương kéo dài từ tháng 9/2016 đến tháng 6/2017.
Do đã có 2 năm kinh nghiệm giảng dạy ở Hà Nội cộng với năng lực được chứng minh, Thảo được tín nhiệm giao cho là giáo viên đứng lớp chính. “Ban đầu trường phân em dạy lớp mầm non, từ 3 – 5 tuổi. Sau đó, em xin trường cho em dạy thêm cả những lớp lớn hơn của tiểu học. Công việc hàng ngày của em là giảng dạy môn Khoa học, kể chuyện, kĩ năng nghe tiếng Anh và tổ chức hoạt động cho cả học sinh mầm non và tiểu học”.
Thảo kể, có một điều khác biệt ở ngôi trường mình đang dạy so với các trường ở Việt Nam là không có cuộc thi giữa các lớp với nhau, mà thường tổ chức các dự án lớn theo từng khối. Học sinh cùng nhau tìm hiểu một vấn đề nào đó, cùng nhau tạo nên sản phẩm với mục tiêu giáo dục: Green Day, Culture Day, Pijama Day, Fun Day…
Khi học sinh mắc lỗi, giáo viên không mắng mỏ hay đưa ra hình phạt, mà sẽ có thời gian nghỉ “time out”. “Time out” là lúc giáo viên sẽ nói chuyện, phân tích cho học sinh hiểu.
Nói đến Ai Cập ai cũng nghĩ ngay đến Kim Tự Tháp. Nhưng với cô giáo 24 tuổi, Ai Cập còn là những chuyến đi tuyệt vời để trải nghiệm nền văn hóa, là tình người ấm áp của người dân nơi đây, là cơ hội được tham gia tiết học bổ ích của những giáo sư nổi tiếng tới từ Anh, Mỹ…
“Điều để lại ấn tượng nhất với em là con người nơi đây. Họ rất hào phóng, tình cảm và tốt bụng. Ai Cập cũng là một nước theo đạo Hồi. Khi còn ở Việt Nam, chưa hiểu về đạo Hồi thì bản thân em còn nhiều nghi ngờ. Nhưng đến đây rồi, tình người nơi đây ấm áp lắm chị ạ. Họ luôn làm cho em cảm động bởi lòng tốt không tính toán
“Nhà trường chuẩn bị cho em một căn hộ chung cư mới toanh và đầy đủ tiện nghi. Thậm chí, họ còn chuẩn bị cho ---em từ lọ muối đến chiếc bàn là, mắc treo quần áo. Họ luôn đối xử với em như người trong gia đình. Rồi người hàng xóm mới quen, nói chuyện dăm ba câu mà họ cứ nhắn vào nhà họ để nấu đồ ăn truyền thống. Rồi cả những người bạn Ai Cập, những người đồng nghiệp… tất cả đều hiền hòa, hào phóng và tuyệt vời. Tất cả tình cảm của người dân nơi đây làm em nhận ra bản thân mình cần sống sao cho thật chân thành, thật tình cảm hơn nữa”.
Thảo cũng chia sẻ về đời sống xã hội của đất nước này: Xã hội Ai Cập vẫn còn đi theo xu hướng truyền thống. Người đàn ông là người chịu trách nhiệm kinh tế lớn nhất. Nhiều phụ nữ ở nhà chăm con hoặc làm công việc nhẹ. Đi chợ mà thấy đến 70% là đàn ông bán hàng. Tuy nhiên, quan điểm về vị trí của người phụ nữ trong xã hội Ai Cập cũng đang thay đổi như Việt Nam mình.
“Hệ thống phương tiện giao thông ở đây rất phát triển. Người dân đi lại bằng xe ô tô, hệ thống tàu điện ngầm đã có từ rất lâu, nhưng họ cũng có những con đường bị tắc suốt ngày. Lái xe bên này lái xe rất nhanh, nhiều khi em được thử cảm giác mạnh khi ngồi trên xe“microbus”.
“Bên này cây cối không phát triển tốt vì điều kiện khí hậu, nhưng rau quả của họ cũng rất ngon và phong phú. Vì theo đạo Hồi nên họ có thói quen cầu nguyện hàng ngày, không ăn thịt lợn. Đàn ông thì không được uống bia rượu có cồn nên không có quán nhậu nào ở Ai Cập”.
Ngoài những kiến thức và kỹ năng phục vụ cho nghề nghiệp của mình, chuyến đi này còn giúp cô giáo trẻ trưởng thành hằng ngày. “Em làm chủ được cuộc sống của mình, biết mình muốn gì, mình là ai, mình sẽ làm gì tiếp theo. Em được tiếp xúc với môi trường quốc tế, có được những người bạn từ khắp nơi trên thế giới giúp em mở mang kiến thức và cả tầm nhìn. Em tự chăm sóc bản thân mình mọi phương diện, trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn trước rất nhiều”.
Là một giáo viên trẻ, Thảo xác định sẽ còn phải học hỏi rất nhiều trong tương lai để có thể làm công việc của mình ngày càng tốt hơn.
Cô giáo xinh đẹp này cũng chia sẻ, sau Ai Cập, Thảo rất muốn được giảng dạy và học hỏi ở Singapore – một điểm đến giáo dục đang là hình mẫu của nhiều quốc gia trên thế giới.