- Thi hành án tín dụng ngân hàng gặp nhiều khó khăn do nhiều tài sản bị tẩu tán, tài sản thế chấp một đằng, giá trị một nẻo. Có trường hợp kê thế chấp 63 tỷ đồng nhưng thu về chưa đến 3,9 tỷ đồng.

Sáng nay, Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết 6 tháng đầu năm tập trung vào chuyên đề tình hình, kết quả xử lý án tín dụng ngân hàng.

Theo báo cáo, kết quả thi hành án dân sự trong 6 tháng qua tăng so với cùng kỳ năm 2016 nhưng so với yêu cầu thì chưa đáp ứng, nhất là thi hành án tín dụng ngân hàng.

{keywords}

Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác thi hành án dân sự 6 tháng đầu năm

Tỷ lệ thi hành án xong cả về việc và tiền còn thấp, số lượng việc, tiền tồn chưa thi hành xong còn rất lớn. 

6 tháng qua, tổng số vụ việc và số tiền phải thi hành trên toàn quốc rất lớn, gồm 18.800 việc, tương ứng số tiền trên 76.000 tỷ đồng. Trong đó, còn tồn đọng trên 17.000 việc với số tiền gần 65.500 tỷ đồng.

Trong đó, một số địa phương có số việc, tiền phải thi hành cho các tổ chức tín dụng ngân hàng lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Long An, An Giang, Hải Phòng.

Một số tổ chức tín dụng, ngân hàng có số việc, số tiền phải thi hành chiếm số lượng lớn: Agribank trên 17.000 tỷ đồng; Vietinbank gần 7.200 tỷ đồng; BIDV trên 5.660 tỷ đồng; Techcombank trên 5.400 tỷ đồng; Vietcombank gần 4.200 tỷ đồng.

Ngoài ra, còn khoảng 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng khác có số việc, số tiền phải thi hành đang được xử lý.

Ngân hàng không chịu nhận tài sản thế chấp

Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, các tổ chức tín dụng ngân hàng chưa tích cực trong việc nhận tài sản để trừ vào tiền được thi hành án. 

Điều 104 luật Thi hành án dân sự quy định người được thi hành án có quyền nhận tài sản để trừ vào số tiền thi hành án.

Luật Tổ chức tín dụng năm 2010 lại quy định tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay và trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng tài sản.

Do vậy, nếu tổ chức tín dụng nhận bất động sản để trừ vào tiền thi hành án thì bắt buộc phải chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất ở sang đất sản xuất kinh doanh.

Thêm vào đó, giá trị tài sản khi nhận để khấu trừ thường thấp hơn nhiều lần so với giá khi thẩm định cho vay. Nhiều vụ việc, do phía tổ chức tín dụng ngân hàng xác định tài sản cầm cố, thế chấp không chính xác về ranh giới, vị trí, thẩm định giá cao hơn thực tế trong quá trình lập hồ sơ cho vay, dẫn đến hậu quả không xử lý được tài sản thế chấp.

Đơn cử như công ty TNHH Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Cam Ranh phải trả cho ngân hàng Techcombank trên 63 tỷ đồng, nhưng sau khi kê biên, thẩm định giá tài sản thế chấp chỉ còn gần 3,9 tỷ đồng.

Hay như sự việc công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản Thành Nguyên (Bình Dương) có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam tổng số tiền trên 417,6 tỷ đồng. Tuy nhiên toàn bộ đất thế chấp nằm trong danh sách bị thu hồi.

Ngoài ra, trong quá trình thẩm định, cho vay, một số ngân hàng không thực hiện đúng quy định, quy trình, không xác định hiện trạng tài sản, không thẩm định kỹ nguồn gốc, giá trị tài sản hoặc một số tài sản được thế chấp cho nhiều nơi…

“Đến giai đoạn thi hành án, rất nhiều tài sản đã bị tẩu tán, nhiều tài sản bị giải toả đền bù, việc xử lý tài sản thế chấp gặp rất nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết án của chấp hành viên”, bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ 1, Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết.

Kiểm soát thu nhập nói nhiều vẫn chưa làm được

Phó chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Nguyễn Công Hồng chia sẻ bên cạnh những thuận lợi khó khăn, ngành thi hành án còn có nhiều khó khăn, áp lực.

“Án tham nhũng, án tín dụng ngân hàng, kiểm soát thu nhập bàn nhiều nói nhiều nhưng tới giờ vẫn chưa làm được. Nếu không kiểm soát được thu nhập thì cũng là thách thức trong thi hành án dân sự”, ông Hồng nói.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng lưu ý việc thi hành án các vụ tín dụng ngân hàng quá thấp, nếu không khắc phục sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tiền và việc trong năm 2017. Số việc chuyển kỳ sau tăng đột biến.

Ông cũng lưu ý việc giải quyết khiếu nại tố cáo tuy tiến bộ nhưng nhiều nơi vẫn nếp cũ, vi phạm lặp đi lặp lại, lãnh đạo Bộ, Tổng cục chỉ đạo phản ứng chậm, đặc biệt là khiếu nại tố cáo kéo dài.

“Nhũng nhiễu trong 6 tháng cuối năm phải tính toán bài bản, nghiêm túc. Có tình trạng đợi đương sự, việc dễ thì làm việc khó thì bảo rút lên rút xuống. Rút lên Cục rồi phân người này án dễ, người kia án khó, lợi ích, buông lỏng quản lý”, Thứ trưởng nhắc nhở.

Thu Hằng