Lãi suất huy động đồng loạt tăng

Cuộc đua lãi suất đang nóng dần lên khi từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại đồng loạt tăng lãi suất huy động trong bối cảnh tín dụng tăng mạnh và dòng tiền nhàn rỗi chảy vào ngân hàng chưa như kỳ vọng.

Trong đó, SHB áp dụng chương trình cộng 1,1 điểm % lãi suất với khách hàng gửi tiết kiệm. Với biểu lãi suất tiền gửi cao nhất 6,7%/năm kỳ hạn trên 36 tháng, khi gửi online, khách hàng có thể nhận mức lãi suất tối đa lên tới 7,8%/năm.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa tăng lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-3 tháng từ 3,6%/năm lên 4%/năm. Lãi suất các kỳ hạn khác cũng được nhà băng này điều chỉnh tăng đáng kể.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng tăng lãi suất huy động khoảng 0,1-0,3 điểm %/năm với nhiều kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 6 tháng lên 6%/năm; kỳ hạn 9 tháng lên 6,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng từ 7%/năm lên 7,3%/năm…

Lãi suất huy động đồng loạt tăng

Một số ngân hàng khác cũng tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, CBBank tăng 0,15-0,4 điểm %/năm cho lãi suất các kỳ hạn thông dụng. NamABank nâng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2%/năm, lên 6,4%/năm. Ngân hàng TMCP Á Châu cũng tăng lãi suất huy động gửi online tăng 0,5% ở các kỳ hạn ngắn. MBBank tăng lãi suất từ 0,15-0,24 điểm % tại một số kỳ hạn chủ chốt. Techcombank cũng tiến hành tăng 0,1-0,3%/năm cho lãi suất các kỳ 1, 3, 6 và 12 tháng với hình thức gửi online...

Không chỉ khách hàng cá nhân mà lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng.

Dữ liệu từ Công ty CP Chứng khoán SSI cho thấy, lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức ở nhóm ngân hàng TMCP lớn từ đầu tháng 5 được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm %. Mặt bằng lãi suất huy động hiện tăng khoảng 0,3-0,5 điểm % so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi khi tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.

Trong khi nhiều ngân hàng TMCP có động thái tăng lãi suất thì một số ngân hàng cổ phần có tỷ lệ nhà nước chi phối vẫn chưa nhập cuộc. Nhóm Big 4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp.

Ngân hàng nào có lãi suất tiết kiệm cao nhất?

Ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện nay là SCB với mức lãi suất 7,6%/năm. Nhưng để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 13 tháng.

Đứng liền sau là HDBank với mức lãi suất cao nhất 7,15%/năm. Tuy nhiên, khách hàng cần có khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn 13 tháng thì mới được hưởng mức lãi suất này.

Techcombank áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,1%/năm với số tiền từ 999 tỷ đồng trở lên ở kỳ hạn 12 tháng. ACB cũng áp dụng mức lãi suất tiết kiệm cao nhất là 7,1%/năm nhưng cho khoản tiền gửi tối thiểu từ 100 tỷ đồng trở lên với thời hạn gửi là 13 tháng.

Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối hấp dẫn như MSB (7%/năm); LienVietPostBank (6,99%/năm); BacABank (6,9%/năm), MB (6,9%/năm), Việt Á Bank (6,9%/năm)... 

Trong nhóm Big 4, VietinBank có lãi suất cao nhất ở mức là 5,6%/năm, còn 3 ngân hàng còn lại là Vietcombank, Agribank và BIDV cùng áp dụng mức lãi suất cao nhất là 5,5%/năm.

Đối với từng kỳ hạn, chênh lệch lãi suất huy động giữa các ngân hàng hiện nay khá lớn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,9-4%. GPBank, PGBank, SCB là ba ngân hàng cùng có lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này.

Tại kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,3-4%. Một loạt ngân hàng đều có mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này là ABBank, GPBank, PGBank, SCB.

Với kỳ hạn 6 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy từ 4-6,5%. Vị trí dẫn đầu về lãi suất huy động ở kỳ hạn này là CBBank.

Kỳ hạn 9 tháng, lãi suất huy động tại quầy ở mức 4-6,6%. Ngân hàng có mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này vẫn là CBBank.

Còn với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 5,39-7,3%. Đứng đầu về mức lãi suất huy động cao nhất ở kỳ hạn này là SCB.

Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-7,3%. SCB là ngân hàng có mức lãi suất tốt nhất ở kỳ hạn này.

Kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,3-7,3%. SCB vẫn ở vị trí quán quân về lãi suất huy động ở các kỳ hạn này.

Trong khi đó, lãi suất gửi tiền online tại một số ngân hàng đang cao hơn từ 0,1-0,3 điểm % so với khi gửi tại quầy. 

Tuấn Dũng

Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất, mối nguy cơ đang lớn dầnDiễn biến về lãi suất trên thị trường những ngày gần đây không có lợi cho DN. Nhiều DN lo lắng nếu lãi suất tăng cao sẽ dẫn đến thu hẹp hoạt động, không thể mở rộng đầu tư sản xuất.