Hôm nay (26/4), huyện Cô Tô tổ chức lễ thượng cờ và cắt băng khánh thành cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô. Công trình này do Trường Đại học Giao thông - Vận tải chủ trì và phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng. 

Cột cờ được khởi công xây dựng ngày 14/3, có chiều cao từ mặt đất tới đỉnh cột là 27,9m (tỷ lệ 1/1 so với cột cờ tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội). 

Bệ móng được thiết kế giúp Cột cờ có thể chịu được bão cấp 12 ở đảo Cô Tô, nơi vốn có sức gió rất mạnh so với các vùng ven biển khác ở Việt Nam.

Cột cờ chủ quyền được xây dựng trước khuôn viên Tượng đài Bác Hồ

Cột cờ được sử dụng các kỹ thuật, công nghệ và vật liệu mới, tiên tiến nhất, phần cột cờ chính sử dụng ống thép kết cấu mạ kẽm nhúng nóng, đế móng sử dụng loại bê tông có cấp C35 (mác >400) và bê tông tính năng cao UHPC, đảm bảo công trình có độ bền lớn hơn 70 năm trong điều kiện khí hậu biển đảo.

Lễ thượng cờ được tổ chức trang nghiêm

Cột cờ có phần chuyển động, hệ thống tời, hệ thống điện được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế, cung cấp, thi công tạo ra sức kéo đủ căng trước gió mạnh biển đảo. 

Đặc biệt, hệ thống điện tử của bộ tời điều khiển lá cờ đi theo hành trình đúng bằng thời gian bài Quốc ca tại quảng trường Ba Đình hay sử dụng cho các đại lễ lớn của đất nước. 

Cắt băng khánh thành Cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô

Công trình có tổng mức đầu tư gần 2 tỷ đồng, bao gồm kinh phí trực tiếp do cán bộ, viên chức và cựu sinh viên Trường Đại học Giao thông - Vận tải trao tặng thông qua hình thức xã hội hoá và nhiều ngày công đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự lễ thượng cờ thiêng liêng
Nhiều em học sinh tham dự buổi lễ

Công trình cột cờ chủ quyền trên đảo Cô Tô có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.

Lễ thượng cờ và khánh thành cột cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô là hoạt động ý nghĩa, thiết thực chào mừng kỷ niệm 61 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo (9/5/1961-9/5/2022).

Phạm Công