Nâng từ 6 lên 39 tầng, “hô biến” từ 0 lên 112 căn hộ

KĐT Trung Hoà – Nhân Chính được UBND TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 năm 1998.

Năm 2001, UBND TP có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nằm trên quận Cầu Giấy và Thanh Xuân.

KĐT có 2 khu, khu 34ha do Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex - thời điểm đó là doanh nghiệp Nhà nước) làm chủ đầu tư và khu 12,8ha do Công ty CP Đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico6) làm chủ đầu tư.

KĐT Trung Hòa - Nhân Chính từng được coi là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội

Mới đây, Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra loạt vấn đề trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch tại KĐT Trung Hoà - Nhân Chính tại Kết luận số 39 thanh tra Sở Quy hoạch - Kiến trúc (QHKT) TP Hà Nội; Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội; loạt các chủ đầu tư dự án có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và quản lý xây dựng khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, KĐT Trung Hòa - Nhân Chính.

Tại dự án Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (tên thương mại là Diamond Flower Tower) do Handico6 làm chủ đầu tư, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh quy hoạch, Sở QHKT 3 lần điều chỉnh tổng mặt bằng, phương án kiến trúc quy quy định, đã điều chỉnh chỉ tiêu: Hệ số sử dụng đất từ 1,24 lần thành 4,3 lần, thành 1,92 lần, thành 6 lần rồi thành 13,4 lần. Mật độ xây dựng từ 31% thành 39,2%, thành 31%, thành 40% rồi thành 40,5%. Tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21,30,36 rồi thành 39 tầng. Chức năng từ thương mại dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại dịch vụ công cộng nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà ở dân số tăng thêm 912 người (tạm tính 228 căn x người/căn).

Hay ở dự án khu nhà ở dịch vụ thương mại tại ô đất C3 (tên thương mại Golden Palace) do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Cường làm chủ đầu tư, Sở QHKT đã 2 lần điều chỉnh sai quy định, đã điều chỉnh chức năng từ hành chính, văn hóa, y tế thành gara cao tầng, thành nhà để xe kết hợp văn phòng, rồi thành hỗn hợp. Số căn hộ từ 0 lên 112 căn hộ, mật độ xây dựng từ 42,6% thành 46,7%, thành 39,9%, rồi thành 80%. Số tầng cao từ 6 tầng thành 12 tầng, thành 17 tầng + tum thang kỹ thuật. Dân số tăng thêm tạm tính là 448 người.

Dự án Diamond Flower Tower, chức năng từ thương mại dịch vụ công cộng điều chỉnh thành công cộng thành phố, thành trung tâm thương mại dịch vụ công cộng nhà ở cho thuê rồi thành trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà ở; tầng cao tối đa từ 6 tầng thành 21,30,36 rồi thành 39 tầng

Còn tại dự án khu công viên giải trí số 1, lô đất CX2, Sở QHKT 2 lần điều chỉnh, UBND TP Hà Nội 6 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định, tính mật độ xây dựng sai Quy chuẩn xây dựng, đã điều chỉnh ô đất CX2 từ trồng cây xanh, sân bãi thể thao, cho phép kết hợp các dịch vụ nhỏ phục vụ nhu cầu thể thao, sách báo, bưu điện…thành xây dựng công trình có diện tích xây dựng 226m2, mật độ 4,24%, cao 1 tầng, nhà phụ trợ bể bơi diện tích xây dựng  139m2, diện tích sàn 285m2, rồi bổ sung bãi đỗ xe ngầm phía dưới vườn hoa cây cảnh, điều chỉnh từ bể bơi ngoài trời thành bể bơi có vách và mái che di động, điều chỉnh từ 2 tầng hầm thành 4 tầng hầm, thành nhà điều hành 2 tầng, bể bơi bốn mùa có mái che, 2 tầng hầm dịch vụ và đỗ xe, rồi điều chỉnh không xây dựng tầng hầm đỗ xe dưới diện tích công viên cây xanh rồi  bố trí nhà sinh hoạt cộng đồng tại diện tích 2.682m2 ô CX2-A dẫn đến giảm diện tích cây xanh vi phạm quy chuẩn xây dựng.

Tại dự án này, Vinaconex lập dự án Khu công viên giải trí số 1 sai quy hoạch, UBND TP Hà Nội cho phép Vinaconex chuyển nhượng dự án cho Công ty CP bể bơi thông minh khi Vinaconex lập, phê duyệt dự án sai quy hoạch. Chủ đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình sai quy hoạch nhưng UBND quận Cầu Giấy, UBND phường Trung Hòa, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận không xử lý triệt để các vi phạm.

Dự án Trung tâm dịch vụ thời trang cao cấp và hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống tại ô đất CN do Vinaconex làm chủ đầu tư, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016 nhưng năm 2018, Sở QHKT lại có văn bản đề nghị UBND TP xem xét điều chỉnh.

Sau đó, UBND TP thống nhất về nguyên tắc điều chỉnh. Trên cơ sở đó, Sở QHKT hướng dẫn thủ tục điều chỉnh quy hoạch, đã điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 ô đất có chức năng dịch vụ thành gara, văn phòng, thương mại, dịch vụ. Diện tích đất từ 3.611m2 thành 3.465m2; diện tích xây dựng từ 1.774m2 thành 1.686m2; mật độ xây dựng từ 40,75% thành 49%; tầng cao từ 3 tầng thành 24 tầng.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh trên không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán sự đáp ứng hạ tầng vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Đến tháng 4/2019, Sở QHKT đã có văn bản về việc dừng xem xét thủ tục điều chỉnh quy hoạch tại ô đất CN.

Trong khi nhiều ô đất liên tục được điều chỉnh nhiều lần theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng “nhồi” cao ốc vào KĐT thì tại nhiều dự án, đất cây xanh lại bị “xẻ thịt”

Tại dự án Trung tâm dịch vụ số 1 – Lô đất TN1 khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính của Vinaconex, Sở QHKT chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc năm 2004 không đúng quy hoạch chi tiết được duyệt năm 2001. Cụ thể, diện tích xây dựng tăng thêm 25m2, hệ số sử dụng đất tăng thêm 0,15%, mật độ xây dựng tăng thêm 0,9% là điều chỉnh vượt thẩm quyền của UBND TP Hà Nội.

“Xẻ thịt” đất cây xanh, nhà hàng mọc lên

Kết quả thanh tra, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, Sở QHKT trình, UBND TP chấp thuận nhiều lần làm giảm diện tích đất cây xanh ô CX2 từ 5.324m2 xuống còn 2.682m2, giảm chỉ tiêu đất cây xanh xuống mức 0,64m2/người là “vi phạm nghiêm trọng Quy chuẩn xây dựng” (quy định chỉ tiêu cây xanh đơn vị ở tối thiểu 2m2/người).

Không những thế, Sở QHKT tiếp tục đề xuất, UBND TP đồng ý về nguyên tắc lại bố trí thêm nhà sinh hoạt cộng đồng tại phần diện tích 2.682m2 ô CX2-A, mật độ xây dựng 5% là sai so với điều chỉnh cục bộ được duyệt năm 2010 (ô đất CX2-A có chức năng đường dạo, cây xanh, mật độ xây dựng 0%), tiếp tục làm tăng mật độ xây dựng toàn ô đất CX2, vi phạm nghiêm trọng Quy chuẩn xây dựng.

Trong khi nhiều ô đất liên tục được điều chỉnh nhiều lần theo hướng nâng tầng, tăng mật độ xây dựng “nhồi” cao ốc vào KĐT thì khu đất dịch vụ lại triển khai ì ạch, “đắp chiếu” hơn thập kỷ.

Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, dự án tại ô đất C2 KĐT Trung Hoà – Nhân Chính, chủ đầu tư Handico6 lập dự án chậm đến 16 năm. UBND TP Hà Nội yêu cầu Handico6 lập dự án đầu tư trình thẩm định phê duyệt trong quý II/2004 nhưng đến tháng 8/2020 Handico6 mới có văn bản gửi Sở Kế hoạch Đầu tư TP xin phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Cũng như nhiều tại KĐT, năm 2014, Handico6 đã có văn bản xin điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng tăng các chỉ tiêu quy hoạch, thêm chức năng văn phòng làm việc và nhà ở.

Việc xin điều chỉnh này, Thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá “là không thực hiện đầy đủ việc xây dựng đồng bộ hạ tầng xã hội, không triển khai thực hiện dự án dẫn đến thiếu công trình công cộng phục vụ dân cư”.

Cũng phải nói thêm rằng, không chỉ điều chỉnh quy hoạch sai quy định, các dự án còn đầy rẫy vi phạm về trật tự xây dựng.

Như tại dự án khu công viên giải trí số 1 – Lô đất CX2, chủ đầu tư xây dựng công trình, hạng mục công trình sai rất nghiêm trọng so với quy hoạch.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, tại lô CX2A (theo quy hoạch là cây xanh) nhưng thực tế có 1 công trình, kết cấu tường gạch xi măng, diện tích khoảng 160m2.

Tại lô CX2B, tầng hầm xây dựng vượt ranh giới lô đất , diện tích xây dựng sai tăng thêm 401,5m2. Quy hoạch là bể bơi có mái che thì thực tế là công trình 2 tầng, diện tích sàn khoảng 335m2. Quy hoạch là sân ngoài trời thì thực tế lại là công trình 2 tầng (nhà hàng), diện tích sàn khoảng 455m2.

Đáng chú ý, theo quy hoạch là đất cây xanh nhưng thực tế xây dựng lại “mọc lên” nhà hàng…

Trong suốt thời gian dài vi phạm, thanh tra cho biết, đến thời điểm đoàn kiểm tra, UBND quận Cầu Giấy vẫn không xử lý triệt để vi phạm trật tự xây dựng.

Hay tại dự án Trung tâm thương mại dịch vụ công cộng và nhà ở tại lô đất C1 (tên thương mại là Diamond Flower Tower), Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, các hành vi vi phạm của chủ đầu tư đã được Thanh tra Sở Xây dựng kiểm tra, quyết định xử phạt, báo cáo UBND TP nhưng đến thời điểm thanh tra (tháng 9/2020) chưa xử lý triệt để, vẫn còn tồn tại.

Cụ thể, chủ đầu tư sử dụng hơn 1.200m2 làm văn phòng làm việc tại tầng L1 kỹ thuật; sử dụng 247m2 sàn trong đó 163m2 sàn lửng kết cấu thép làm dịch vụ ăn uống tại tầng L2 kỹ thuật; mở rộng sàn lửng tầng hầm B2 khoảng 1.500m2 bằng tấm bê tông trên hệ dầm thép để xe máy.

Chủ đầu tư xây dựng nhà hàng cafe diện tích khoảng 150m2 mà theo quy hoạch là bể cảnh và vườn cây… 

Hồng Khanh 

Lật mở việc ‘xé nát’ quy hoạch hơn 2km đường ‘nhồi’ 40 cao ốc ở Hà NộiKết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch – Kiến trúc điều chỉnh quy hoạch sai quy định, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần theo đề xuất của chủ đầu tư có dự án điều chỉnh 5 lần, tăng từ 5 tầng thành 30 tầng…
Theo dấu những điều chỉnh nâng tầng ở ‘rừng cao ốc’ bức tử đường Lê Văn LươngThanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra hàng loạt vi phạm, sai sót về quy hoạch, xây dựng tại tuyến đường Lê Văn Lương (Hà Nội). Theo đó, nhiều dự án được điều chỉnh quy hoạch không đúng quy định, xây sai phép, thậm chí xây không phép.