Với vai trò là một trong những trụ cột an ninh năng lượng quốc gia, việc nghiên cứu, xác định mức độ phát thải và đề ra các giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính nói chung và kiểm soát phát thải khí mê tan nói riêng trong ngành công nghiệp khai thác than hầm lò Việt Nam là cần thiết, phù hợp với các mục tiêu, chương trình, kế hoạch quốc gia và quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Đây cũng là một yêu cầu cấp thiết mà ngành than có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia để góp phần giảm ô nhiễm môi trường không khí và đóng góp nhằm giảm phát thải khí nhà kính trong ngành công nghiệp khai khoáng của đất nước. Các số liệu tính toán sơ bộ về tổng lượng phát thải khí mê tan trong công đoạn khai thác và sau khai thác cho chúng ta cái nhìn ban đầu về hiện trạng phát thải khí mê tan trong ngành than Việt Nam để từ đó có thể định hướng, xây dựng lộ trình và đề ra các giải pháp giảm thiểu phát thải khí mê tan phù hợp hơn trong tương lai.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Sau đây là một số giải pháp kiểm soát phát thải khí mê tan trong ngành công nghiệp khai thác than Việt Nam trong thời gian tới.

- Áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến: Hiện nay chưa thể giảm phát thải bằng cách giảm sản lượng khai thác do than vẫn là nguồn năng lượng quan trọng của Quốc gia. Việc cần thiết là phải thay đổi công nghệ theo hướng tập trung hóa sản xuất, đồng thời áp dụng công nghệ khai thác và đào lò tiên tiến, hiện đại hơn…nhẳm giảm tổn thất, tận thu tối đa tài nguyên. Ngoài ra, cần tiếp tục nâng cao mức độ cơ giới hóa, tăng hiệu quả trong công tác xúc bốc, vận tải than, giảm thời gian lưu kho và vận chuyển.

- Áp dụng các công nghệ tháo, thu hồi và sử dụng khí mê tan: Cần triển khai áp dụng công nghệ tháo – thu hồi khí trước, trong và sau quá trình khai thác. Nghiên cứu phương án thu hồi và sử dụng khí mê tan trong luồng gió thải phù hợp nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu này để không thải trực tiếp vào bầu khí quyển.

- Áp dụng thu hồi khí mêtan hàm lượng cao: Đối với khí mê tan thu hồi có hàm lượng cao, có thể đầu tư các dự án khai thác tương tự như khí gas ngành dầu khí. Khí được thu hồi, sau khi xử lý có thể cung cấp cho các hộ tiêu thụ công nghiệp và khu đông dân cư qua các đường ống dẫn khí, hoặc các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ qua các bình lưu giữ (bình gas, chai khí). Phương án này không những làm giảm mức độ phát thải khí mê tan, nâng cao mức độ an toàn trước khi khai thác mà còn làm tăng giá trị kinh tế của các vỉa than.

- Áp dụng thu hồi khí mêtan hàm lượng thấp: Đối với khí mê tan thu hồi có hàm lượng thấp, qua các khâu xử lý có thể tăng hàm lượng khí lên. Do lượng khí thu hồi không lớn, khó có khả năng cung cấp với sản lượng cao, vì vậy có thể kết hợp với các hộ tiêu thụ tại chỗ như nhà máy điện công suất nhỏ sử dụng nhiên liệu là khí mê tan thu hồi, năng lượng điện được cung cấp ngược lại cho mỏ than sử dụng. Một cách đơn giản hơn trong việc xử lý khí mê tan thu hồi là đốt cháy, chuyển hóa thành khí CO2 và nhiệt năng, nhiệt năng có thể được sử dụng trong các bộ phận phục vụ mỏ than khai thác như nhà bếp, tắm giặt, hệ thống sưởi ấm.

Phạm Thiện