Nam bệnh nhân H.V.B. (35 tuổi, quê TP Cần Thơ) đang làm việc ở TP Phú Quốc (Kiên Giang) được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cấp cứu vào hôm 2/5, trong tình trạng có vết thương dài khoảng 0,2x0,5cm trên bụng. 

Trước đó một ngày, anh B. dùng máy cắt cỏ hàng rào thì cắt trúng dây kẽm gai. Dây kẽm văng xuyên cắm vào bụng anh B.

Thấy vết thương nhẹ, không nghiêm trọng, ít chảy máu nên anh B. không đi khám. Khoảng 12 giờ sau, bệnh nhân mệt, khó thở, đau ngực…

Đoạn kim loại dài 4x0,4cm được lấy ra từ vết thương trong tim bệnh nhân.

Kết quả các xét nghiệm ghi nhận có dị vật nằm dọc thành sau thất trái, thông vào buồng tim. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân, phát hiện có máu loãng, máu cục trong màng ngoài tim. 

Qua thám sát, bác sĩ thấy cơ hoành có vết thương nhỏ đã bít lại, thành sau thất trái bầm giập khoảng 3x3cm. Trên thành cơ tim có vết thương nhỏ, bề mặt thành sau thất trái có dị vật.

Bác sĩ tiến hành gắp dị vật là một đoạn kim loại dài 4x0,4cm, khi đó máu phun ra thành tia. Các bác sĩ đã khâu vết thương, cầm máu, bơm rửa khoang màng ngoài tim, đóng màng ngoài tim…

Sau phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tự thở, dấu hiệu sinh tồn ổn định, vết mổ khô. 

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân B.

Theo bác sĩ Trầm Công Chất, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực - Mạch máu, đây là trường hợp hy hữu vì với tổn thương như trên, vết thương trực tiếp thường gặp ở gan, ruột.

“Tuy nhiên, bệnh nhân có vết thương tim ở vị trí phức tạp. Đó là một tổn thương rất nặng, được xem là một cấp cứu khẩn cấp trong ngoại khoa về phẫu thuật lồng ngực tim mạch. Người bệnh có tỷ lệ tử vong cao nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời.

Mổ vết thương tim rất phức tạp, độ khó cao, đòi hỏi phẫu thuật viên chuyên khoa giàu kinh nghiệm, có khả năng khâu vết thương khẩn trương, đúng kỹ thuật khi quả tim đang đập”, bác sĩ Chất nói. 

H.Thanh