Nghiên cứu của PGS, TS. Lê Văn Lợi, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, hiện nay và trong thời gian tới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta chịu tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài, đan xen cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức phức tạp.

Đó là tác động mạnh mẽ, sâu sắc của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa ở trong nước và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng với yêu cầu “thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”. Đó là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, dịch bệnh xuyên biên giới và những tác động của tiến bộ khoa học và công nghệ, yêu cầu chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững…

Trong bài nghiên cứu đăng trên tạp chí KHCT, bàn về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, PGS, TS. Lê Văn Lợi cho rằng, để tiếp tục giữ vững, phát huy vai trò, thành quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập và những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta, đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chủ trương, chính sách, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phù hợp.

Về phương hướng, thứ nhất, tiếp tục khẳng định, nhấn mạnh quan điểm đúng đắn của Đảng về vị trí, vai trò chiến lược của vấn đề phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cũng như toàn bộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, trong bối cảnh mới, cần nhận thức rõ hơn: “Trong mối quan hệ mật thiết giữa nông dân, nông nghiệp, nông thôn, nông dân là chủ thể, là trung tâm; nông nghiệp là động lực; nông thôn là nền tảng của phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới”.

Thứ hai, tiếp tục “cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”(12). Theo đó, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là thành tố cơ bản của việc đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế của đất nước hiện nay. Mô hình, mục tiêu chung của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta đến năm 2030, tầm nhìn 2045 là “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

Thứ ba, đổi mới, hoàn thiện thể chế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn là khâu đột phá để huy động và phát huy hiệu quả các nguồn lực, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng xã hội, nhất là vai trò chủ thể của cư dân nông thôn nhằm thực hiện thắng lợi mô hình “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”.

- Một số giải pháp chủ yếu

Một là, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ, phát huy nguồn lực đầu tư bảo đảm phát triển nông nghiệp, nông thôn nhanh và bền vững. Trước hết cần hoàn thiện thể chế, pháp luật để thuận lợi cho việc quy hoạch, tích tụ, tập trung đất đai, áp dụng kỹ thuật, công nghệ cao, cơ giới hóa và đi lên sản xuất lớn hiện đại. Cần nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, đồng bộ hóa thể chế, pháp luật về đất đai bảo đảm nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân; tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế trong lĩnh vực đất đai phải phù hợp với cơ chế thị trường; khắc phục tình trạng nông dân giữ đất rồi bỏ hoang trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất, kinh doanh; khắc phục tình trạng nông, lâm trường vừa thực hiện chức năng sản xuất, kinh doanh, vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ thể thu hồi đất, chủ thể bị thu hồi đất tạo môi trường, cơ chế minh bạch để tích tụ, tập trung đất đai nhằm phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn và bảo đảm sinh kế ổn định, bền vững cho người dân có đất bị thu hồi…

Có cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, tiêu dùng nông sản làm nòng cốt thúc đẩy hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, phát triển thị trường ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Đổi mới, hoàn thiện chính sách hướng nghiệp, đào tạo nghề cho cư dân nông thôn. Đổi mới, phát triển chính sách tài chính, tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm, vùng miền; gắn sản xuất với chế biến, với nhu cầu thị trường, theo chuỗi giá trị, theo vùng chuyên canh, tập trung, không ngừng nâng cao giá trị nông sản.

Hai là, gắn kết phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ để kéo dài chuỗi giá trị và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp, đồng thời tạo dựng khu vực nông thôn phát triển đồng bộ, toàn diện. Điều này không chỉ tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển, mà còn tạo ra khu vực nông thôn với cơ cấu việc làm đa dạng; người lao động có thể ly nông mà không cần ly hương. Để thực hiện giải pháp này, cần có một cách tiếp cận tổng thể trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia và ở các địa phương; cần sự phối hợp chặt chẽ và liên kết trong phát triển các ngành, lĩnh vực ở từng địa phương và giữa các địa phương.

Ba là, chú trọng đầu tư phát triển và khai thác, sử dụng có hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển công nghiệp, đô thị, trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu tạo liên kết vùng, hạ tầng bến cảng, thủy lợi, hạ tầng thương mại, hạ tầng số, hạ tầng xã hội để hình thành và phát triển hệ thống sản xuất, thu mua, chế biến, cung ứng, tiêu thụ nông sản hiện đại gắn với vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, thông minh, bền vững gắn với thị trường trong nước và thế giới. Quan tâm nghiên cứu xây dựng, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là về đất đai, thổ nhưỡng, cây trồng, vật nuôi, thị trường, pháp lý... Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản, nâng cao giá trị, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tập trung đầu tư phát triển và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trước hết là hạ tầng giao thông và thương mại ở vùng biên giới, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn, hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tối ưu hóa giá trị nông sản và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Bốn là, đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề, cải thiện căn bản chất lượng nhân lực, nâng cao trình độ khoa học và công nghệ, văn hóa và tinh thần chủ động vươn lên của nông dân và cư dân nông thôn nói chung. Xây dựng lực lượng các chủ thể sản xuất trong nông nghiệp chuyên nghiệp, hiện đại, có kiến thức chuyên môn trong sản xuất ở từng ngành nghề, lĩnh vực, có tư duy, kiến thức về kinh tế thị trường, quản trị kinh doanh. Hướng nghiệp, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, sinh kế bền vững, năng lực chống chịu, thích ứng với sự biến đổi, biến động của khí hậu, của thị trường cho người dân và doanh nghiệp, khắc phục tình trạng đứt gãy chuỗi liên kết, cung ứng của doanh nghiệp, tình trạng sinh kế tạm bợ, thiếu ổn định, dễ bị tổn thương của lao động trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đồng thời, cần đặc biệt coi trọng việc khơi dậy khát vọng của nông dân và cư dân nông thôn, nâng cao năng lực, tinh thần tự chủ, tự cứu mình, tự nâng mình trở thành một lực lượng thực sự quan trọng chứ không phải là nhóm yếu thế trong xã hội.

Mặt khác, thúc đẩy phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn thực hiện vai trò “bà đỡ” để đưa vốn, thị trường, tri thức, kinh nghiệm quản lý, kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại và chuỗi giá trị. Cùng với đó, phải coi trọng thúc đẩy các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất theo Luật Hợp tác xã năm 2012, theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao bảo đảm tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm để kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu.

Năm là, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở nông thôn, nhất là năng lực quản lý nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; phát huy vai trò của hội nông dân; tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Cần chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh toàn diện, nhất là xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ sở đủ phẩm chất, bản lĩnh, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong điều kiện mới. Các hội, hiệp hội nghề nghiệp, hội nông dân, các cơ quan quản lý nhà nước tích cực hỗ trợ thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ, tạo dựng các mối liên kết, kết nối, cung cấp thông tin thị trường.

Tổ chức thực hiện nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bảo đảm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cư dân nông thôn, tạo động lực để nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và phát huy vai trò là chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.

Yến Hưng