Cây bạch quả (còn gọi là ngân hạnh, rẻ quạt) này có tuổi đời đến 1.400 năm. Những người trông coi ngôi chùa cho biết cây được trồng từ thời nhà Đường (629 - 907).

Cả Phật giáo và Nho giáo đều coi đây là một loài cây linh thiêng, bởi vậy nó được trồng ở rất nhiều nơi, đặc biệt là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc - những nơi có khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của loài cây này.

Từ những ngày giữa tháng 11, lá cây bạch quả bắt đầu rụng xuống và biến mặt đất thành một thảm lá màu vàng rực, tạo nên khung cảnh ấn tượng và thơ mộng.

Các nhà sư thường ngồi hành thiền ngay cạnh bức tượng Phật dưới cây bạch quả rụng lá vàng óng trong ngôi chùa Cổ Quan Âm.

Nhờ vẻ ngoài nổi bật, cây bạch quả ở ngôi chùa Cổ Quan Âm đã được gọi là cây bạch quả đẹp nhất thế giới và đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch.

Vào năm 2017, truyền thông Trung Quốc đưa tin ước tính có khoảng 60.000 người đã đến thăm cây bạch quả 'vàng', từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12. Trong thời gian này, ngôi đền đón khoảng 3.000 du khách mỗi ngày và nhu cầu cao đến mức để đảm bảo việc tham quan, du khách được khuyến nghị nên đặt chỗ trực tuyến. Tuy nhiên, những người cao tuổi luôn được ưu tiên vãn cảnh chùa mà không cần đặt chỗ trước.

Năm nay, cây bạch quả bắt đầu rụng lá sớm từ giữa tháng 10 và lượng khách tham quan trung bình khoảng 7.200 người/ngày. Thời gian tham quan hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều.

Bạch quả còn được coi là một hóa thạch sống bởi loài cây này không hề thay đổi trong hơn 200 triệu năm, mặc cho những biến đổi về khí hậu trái đất. Các nhà khoa học cho rằng cây bạch quả còn tồn tại trước cả thời đại của khủng long.

Đỗ An (Theo OC)