CTCP Vinhomes của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vừa công bố thông tin quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore (GIC) trở lại vị thế cổ đông lớn tại doanh nghiệp bất động sản số một Việt Nam sau 1 năm rưỡi.

Theo đó, GIC đã mua thêm 612.000 cổ phiếu Vinhomes (VHM) nâng khối lượng nắm giữ lên hơn 218,2 triệu cổ phiếu VIC, tương đương tỷ lệ sở hữu tăng từ 4,99% lên 5,01%. Ngày giao dịch làm thay đổi tỷ lệ sở hữu và trở thành cổ đông lớn là 1/6.

Trước đó, GIC từng là một trong 2 cổ đông lớn nước ngoài của Vinhomes. Hồi tháng 4/2018, GIC đầu tư 1,3 tỷ USD vào Vinhomes thông qua 2 hình thức: mua cổ phiếu VHM và cung cấp công cụ nợ để Vinhomes thực hiện các dự án.

Tới cuối 2020, GIC sở hữu 6,13% cổ phần Vinhomes, trong khi một tổ chức nước ngoài khác là Viking Asia Holdings II Pte. Ltd nắm giữ 5,55% cổ phần Vinhomes.

Tuy nhiên, trong năm 2021, cả hai tổ chức này đều thoái vốn tại Vinhomes và không còn là cổ đông lớn. Nhưng với việc mua vào 612.000 cổ phiếu Vinhomes và nâng sở hữu tăng từ 4,99% lên 5,01%, GIC trở lại vị thế cổ đông lớn tại Vinhomes. Điều đó cũng cho thấy, quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore vẫn gắn kết với doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Quyết định nâng tỷ lệ cổ phàn của GIC diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu Vinhomes giảm mạnh trong gần năm qua, từ mức gần 90.000 đồng/cp hồi tháng 8/2021 xuống dưới 65.000 đồng/cp hồi cuối tháng 4/2022, khiến vốn hóa của Vinhomes bốc hơi khoảng 108 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 4,7 tỷ USD).

GIC trở lại thành cổ đông lớn Vinhomes đúng vào ngày cuối cùng Vinhomes lập danh sách cổ đông chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%, tương đương 1 cổ phiếu được nhận 2.000 đồng. Tổng cộng, Vinhomes sẽ chi khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng tiền mặt chi trả cho cổ đông. Ngày chi trả sẽ là 22/6.

Với mức giá cổ phiếu VHM khoảng 68 nghìn đồng như hiện tại, GIC sẽ phải chi ra khoảng 41,6 tỷ đồng cho 612.000 cổ phiếu Vinhomes. Trong khi đó, tới ngày 22/6 GIC sẽ nhận số cổ tức là hơn 436 tỷ đồng.

Vài năm gần đây, Vinhomes ghi nhận hoạt động kinh doanh rất tốt, lợi nhuận tăng lên đỉnh lịch sử và là một trong vài doanh nghiệp có mức lãi tỷ USD.

Trong năm 2022, thị trường bất động sản được đánh giá là khó khăn và tín dụng cho lĩnh vực này đang được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ. Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu 75 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 30 nghìn tỷ đồng, giảm tương ứng 12% và 23% so với 2021.

Tới quý I/2022, Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần hơn 8,9 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 4,7 nghìn tỷ đồng.

Một doanh nghiệp khác của Vingroup cũng đón nhận tín hiệu tích cực. VinFast vừa công bố đã huy động thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn 2025 qua bảo lãnh nghĩa vụ thanh toán. Trong tháng 3 và tháng 5, VinFast phát hành tổng cộng gần 690 triệu cổ phiếu ưu đãi cổ tức và tăng vốn điều lệ thêm hơn 7.000 tỷ, lên gần 57,4 nghìn tỷ đồng. VinFast là công ty có quy mô vốn lớn nhất trong hệ sinh thái Vingroup, lớn hơn các doanh nghiệp top đầu trên thị trường chứng khoán như: BIDV, VietinBank, Hòa Phát...

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gần đây cũng đẩy mạnh sang mảng bất động sản công nghiệp. Vinhomes IZ gần đây đã tăng vốn điều lệ lên 18.500 tỷ đồng. Hiện, Vinhomes quản lý vận hành khu công nghiệp 335ha tại khu công nghiệp Đình Vũ, Cát Hải, Hải Phòng, nơi đặt nhà máy sản xuất ô tô VinFast.

Diễn biến đi ngang

Theo Rồng Việt, thị trường bứt tốc và vượt lên trên ngưỡng tâm lý 1.300 điểm sau nhịp rung lắc mạnh dưới vùng giằng co 1.280-1.300 điểm của VN-Index. Thanh khoản giảm rõ rệt so với những lần tiếp cận vùng cản trước đây của VN-Index cho thấy lực cung đã có diễn biến yếu đi. Với tín hiệu tốt và thận trọng xen kẽ, có khả năng VN-Index sẽ có diễn biến đi ngang (sideway) tại vùng 1.300-1.330 điểm, vùng khoàng trống giảm giá tạo ra vào ngày ngày 9/5/2022 trong thời gian tới trước khi có tín hiệu cụ thể hơn. 

YSVN cho rằng VN-Index có thể sẽ điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch kế tiếp. Đồng thời, điểm tích cực YSVN nhận thấy là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy xu hướng tăng ở hai nhóm cổ phiếu này có thể sẽ rõ ràng hơn ở những phiên giao dịch tới. Ngoài ra, dòng tiền đang có dấu hiệu cải thiện vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng VN-Index vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá của chỉ số này khó có thể vượt được vùng kháng cự 1.315-1.328 điểm.

Chốt phiên giao dịch chiều 8/6, chỉ số VN-Index tăng 16,56 điểm lên 1.307,91 điểm. Chỉ số HNX-Index của sàn Hà Nội tăng 6,78 điểm lên 310,93 điểm. Upcom-Index tăng 1,31 điểm lên 95,00 điểm. Thanh khoản đạt tổng cộng 19,7 nghìn tỷ đồng, trong đó có 16,7 nghìn tỷ đông trên sàn HOSE.

V. Hà

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng gom tiền, dồn sức cho cuộc chơi mớiCác doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đẩy mạnh việc duy trì dòng tiền cũng như huy động thêm vốn trên thị trường chứng khoán, tài chính cho một cuộc chơi mới dài hơi.