'Tôi sợ hãi vì là người gốc Á ở Mỹ'

Tội ác vì thù hận nhắm vào người gốc Á ở Mỹ tăng cao trong thời gian gần đây với những vụ việc gây phẫn nộ và khiến cộng đồng này lo lắng cho sự an toàn của mình.

Cha mẹ người Triều Tiên của cô Sharon Kim Soldati sống ở ngoại ô Atlanta, bang Georgia, Mỹ. Giờ đây, cô đang rất lo lắng cho họ, trong bài viết chia sẻ tâm sự trên Los Angeles Times.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, “tội ác vì thù hận” (hate crime) với người châu Á ở Mỹ đã gia tăng đáng kể. Trong vài tuần qua, truyền thông đưa tin nhiều về việc người Mỹ gốc Á bị quấy rối và bạo hành.

Một người đàn ông lớn tuổi bị xô xuống đất và sau đó tử vong ở San Francisco. Một người khác bị chém vào mặt bên trong toa tàu điện ngầm ở thành phố New York.

Ngoài ra, còn vô số video ghi lại cảnh những người Mỹ gốc Á bị la hét, nhổ nước bọt vào mặt và yêu cầu quay lại đất nước của mình.

Những sự kiện gần đây tuy gây sốc, nhưng không làm Soldati ngạc nhiên. Nhiều người Mỹ gốc Á đã phải chịu đựng sự hắt hủi trong thầm lặng.

Những năm tháng trưởng thành của cô Soldati bị đè nặng bởi nỗi xấu hổ (vô lý) về gốc gác châu Á. Người gốc Hàn phải chứng minh mình là người Mỹ, ngay cả khi họ sinh ra và lớn lên ở đây, bằng cách cố gắng xuất sắc ở trường học và nơi làm việc.

Khi còn nhỏ, một số người trong cộng đồng của Soldati không chịu học nói tiếng Hàn. Hành xử như vậy đồng nghĩa với việc họ đánh mất nhiều phần trong bản sắc dân tộc của mình.

Tôi sợ hãi vì là người gốc Á ở Mỹ-1Người biểu tình phản đối bạo lực nhắm vào người châu Á gần khu Chinatown ở Los Angeles, California ngày 20/2. Ảnh: Getty.

Giả vờ bịt mũi trước hộp cơm của mình

Soldati luôn ý thức sâu sắc về việc phải cố gắng hòa nhập như thế nào. Khi Soldati 4 tuổi, gia đình cô chuyển đến Vancouver, Canada và sống trong một khu dân cư chủ yếu là người da trắng.

Lúc Soldati bắt đầu học tiểu học vào cuối những năm 1970, nhiều người ở đây chưa bao giờ nghe nói về Hàn Quốc. Trong lớp có một nữ sinh gốc Á khác là Ming Ming. Đến giờ ăn, Ming Ming sẽ ngồi trong góc với món mì đựng trong hộp giữ nhiệt của mình. Những đứa trẻ khác sẽ nhăn mặt vì mùi của món ăn đó.

Tình hình của Soldati cũng không khá hơn. Ngồi bên cạnh Ming Ming, cô mở hộp doshirak của mình. Doshirak là một loại cơm hộp Hàn Quốc có cơm chiên, thịt, rau và một đôi đũa bên trong. Bắt chước những đứa trẻ khác, Soldati bịt mũi trước hộp cơm của chính mình và giả vờ rằng những thứ bên trong cũng gây khó chịu.

Tôi sợ hãi vì là người gốc Á ở Mỹ-2Người biểu tình phản đối bạo lực với cộng đồng gốc Á cầm bức vẽ Vicha Ratanapakdee, cụ ông nhập cư Thái Lan 84 tuổi chết sau khi bị tấn công ở San Francisco. Ảnh: Los Angeles Times.

Khi về đến nhà, Soldati hỏi mẹ: "Tại sao mẹ không làm cho con một bữa trưa bình thường với các món như bánh mì kẹp bơ đậu phộng và mứt?".

"Món đó sao mà lành mạnh được?", người mẹ phản bác. "Món đó không có rau!".

Tuy nhiên, mẹ của Soldati cũng đầu hàng. Và cô nhẹ nhõm khi được đến trường với một chiếc bánh mì sandwich kiểu phương Tây.

Chịu đựng
Một trong những từ yêu thích với mẹ của Soldati trong tiếng Hàn là cham-ah, nghĩa là chịu đựng. Đó là những gì bà và gia đình phải làm khi rời khỏi Triều Tiên trong mùa đông năm 1950.

Họ đi bộ từ Bình Nhưỡng đến Seoul, băng qua những con sông băng giá và tìm chỗ ẩn nấp khỏi bom và đạn pháo. Sau đó, họ đi từ Seoul đến Daegu trên nóc một chuyến tàu hỏa chở hàng của quân đội Mỹ.

Cha mẹ cô đến Los Angeles, Mỹ vào những năm 1970 và làm nhân viên vệ sinh tại nhà hát Shubert. Họ tiết kiệm tiền để mua cửa hàng tạp hóa đầu tiên của mình trong một khu phố nói tiếng Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, không thể xin thị thực thường trú cho gia đình, gia đình Soldati chuyển đến Canada. Cha mẹ cô đã sơ chế cá ở chợ địa phương và mua một cửa hàng kim khí.

Tôi sợ hãi vì là người gốc Á ở Mỹ-3Bạo lực nhắm vào người gốc Á ở Mỹ đã gia tăng trong thời gian gần đây. Ảnh: AP.

Khi mẹ của Soldati có chứng chỉ kỹ thuật viên y tế và tìm được việc làm ở New York, họ chuyển về Mỹ.

Sau khi phải trải qua thời gian vất vả để mưu sinh, cha mẹ giúp Soldati thấm nhuần tư tưởng về sự chịu đựng.

Nếu bị ai đó ngược đãi, họ được yêu cầu không được làm ầm ĩ - Cham-ah. Khi giáo viên nói với cha mẹ rằng tên tiếng Hàn của Soldati quá khó phát âm, họ đã hỏi ý kiến ​​mục sư nhà thờ để đặt cho con những cái tên theo kiểu Mỹ. Từ bỏ những cái tên Hàn Quốc là cái giá phù hợp để hòa nhập.

Tại quầy thanh toán của một cửa hàng bánh mì kẹp, người phụ nữ phụ trách đơn hàng của Soldati nói rất to và chậm rãi về giá tiền món ăn. Bà cũng giơ 7 ngón tay lên, như đề phòng việc không hiểu tiếng Anh.

Trong suốt cuộc đời, Soldati cảm thấy việc mình là người châu Á ở Mỹ là một thiếu sót. Và cô phải bù đắp chuyện đó bằng cách làm việc chăm chỉ và không trở nên quá khác biệt. Tuy nhiên, trong tuần này, sự lo lắng đã chuyển thành nỗi sợ hãi thực sự.

Soldati lo sợ cho cha mẹ già của cô, cho người thân và bạn bè.

Soldati hy vọng miễn dịch cộng đồng với Covid-19 có thể mang lại một kỷ nguyên mới về sự bao dung chủng tộc.

Việc đánh bại Covid-19 cũng có thể giảm bớt các cuộc tấn công vì chủng tộc này, đặc biệt là đối với những người lớn tuổi trong gia đình Soldati.

"Tuy nhiên, chúng tôi không thể chờ đợi điều đó xảy ra. Đã đến lúc phải lên tiếng về tội ác vì thù hận chống người châu Á", Soldati viết trên Los Angeles Times.

Theo Zing

Xem link gốc Ẩn link gốc https://zingnews.vn/toi-so-hai-vi-la-nguoi-goc-a-o-my-post1189688.html

phân biệt chủng tộc


Gửi bài tâm sự

File đính kèm
Hình ảnh
Words
  • Bạn đọc gửi câu chuyện thật của bản thân hoặc người mình biết nếu được cho phép, không sáng tác hoặc lấy từ nguồn khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền của mình.
  • Nội dung về các vấn đề gia đình: vợ chồng, con cái, mẹ chồng-nàng dâu... TTOL bảo mật thông tin, biên tập nội dung nếu cần.
  • Bạn được: độc giả hoặc chuyên gia lắng nghe, tư vấn, tháo gỡ.
  • Mục này không có nhuận bút.