Sự xuất hiện của các Tập đoàn điện tử lớn như Samsung kéo theo hệ sinh thái đồ sộ hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Các nhà cung cấp (vendor) đang có xu hướng dịch chuyển cơ sở về Việt Nam nhằm rút ngắn khoảng cách chuỗi cung ứng, cũng như tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, thị trường tiềm năng và những ưu đãi mà Chính phủ đem lại…

Trong danh sách các nhà cung ứng khoảng 80% các giao dịch của Samsung Electronics, 28 công ty có nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Đây là đều là các doanh nghiệp vốn nước ngoài (Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…), phần lớn có quan hệ đối tác lâu năm với Tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc – nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới.

{keywords}
Vị trí doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng của Samsung


Samsung cùng với hệ sinh thái các doanh nghiệp hỗ trợ đem theo hàng chục tỷ USD đầu tư vào Việt Nam, tạo ra hàng chục tỷ USD doanh thu, bên cạnh đó cũng tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động, đồng thời tạo cơ hội cho các nhà cung ứng nội địa tham ra vào chuỗi toàn cầu.

Trong giai đoạn 2014 – 2019, Samsung cho biết số lượng doanh nghiệp Việt Nam được chọn làm nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn này đã tăng từ 4 lên 42, và tiến tới con số 50 vào năm nay. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng được lựa chọn trong vai trò nhà cung ứng cấp 2, tạo nên sức cộng hưởng to lớn hơn.

Tuy nhiên, điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất, trong danh sách những nhà cung ứng linh kiện lớn nhất cho Samsung Việt Nam lại vắng bóng các doanh nghiệp Việt. Mặc dù vào năm 2019, ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết đã có 210 doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng của Samsung và đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung cấp trong các lĩnh vực điện, điện tử...

Tiềm năng hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam với Samsung còn rất lớn bởi thời gian qua khi Samsung cử chuyên gia tư vấn cải tiến cho 54 doanh nghiệp thì tỉ lệ hàng lỗi, tồn kho đã giảm nhiều. Thế nhưng, để vươn tầm trở thành nhà cung ứng linh kiện hàng đầu cho Samsung thì nhiều doanh nghiệp Việt chưa làm được.

Công ty TNHH Nhựa Việt Hưng là một trong những nhà cung ứng đầu tiên cho Samsung tại Việt Nam, hiện cung cấp hai mặt hàng là vỏ nhựa và bao bì. Ông Hoàng Anh Tuân - Chủ tịch Nhựa Việt Hưng chia sẻ, để trở thành doanh nghiệp vệ tinh cho Samsung, Công ty cũng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, Samsung đang áp đúng bài của cuộc chơi kinh tế thị trường và ở đó chắc chắn không có chuyện cầm tay chỉ việc và ép đối tác phải chờ đợi hay buộc phải mua sản phẩm của mình.

Đây là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhưng là bài toán cạnh tranh về giá cả, công nghệ và chất lượng. Có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia vào được thì buộc phải có đầu tư và đưa ra sản phẩm cạnh tranh so với các doanh nghiệp đang làm cùng Samsung. Khi đó cũng là sản phẩm đó, cung ứng ở trong nước, giá thành rẻ hơn, điều kiện vận chuyển thuận lợi hơn thì không có lý do gì Samsung không lựa chọn.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhìn nhận, làm công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi người thực, việc thực cùng với sự uyển chuyển trong việc ứng dụng công nghệ. Thế nhưng thực tế cho thấy tâm lý ăn sẵn, lười mà nhiều doanh nghiệp đang bị sa vào cho nên lúc nào cũng kêu gào và chờ mọi việc tự đến. Sự thụ động này sẽ không mang lại thành công nếu thực sự doanh nghiệp muốn đặt mình vào cuộc đua này.

Samsung đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam khi có số vốn đăng ký lên tới 17,4 tỷ USD vào các nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP. HCM.

Trong năm 2019, 4 đơn vị lớn của Samsung gồm Samsung Thái Nguyên, Samsung Electronics Việt Nam, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex đạt tổng doanh thu trên 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương gần 66 tỷ USD. Số này ngang bằng với 1/4 GDP.

Sự góp mặt của các Tập đoàn lớn như Samsung đã biến Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu hàng điện tử hàng đầu thế giới, mà nổi bật là nhóm điện thoại – linh kiện và máy vi tính - sản phẩm điện tử - linh kiện.

 Khánh Vy