- Kính gửi Luật sư, tôi là nam, hiện đang là viên chức công tác tại bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu, làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo luật đã được 15 năm, tuổi vừa đủ 55 tuổi. Vừa rồi, sở Y tế tỉnh Lai châu thông báo tôi nghỉ hưu theo khoản 2 Điều 26 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006. Tôi đã viết đơn gửi Bệnh viện đa khoa, Sở Y tế tỉnh Lai Châu trình bày tôi vẫn đảm sức khỏe đảm nhiệm tốt công việc với vị trí việc làm, tôi vẫn có nhu cầu tiếp tục công tác. Nhưng bệnh viện đa khoa, Sở y tế tỉnh Lai Châu vẫn đơn phương chấm dứt hợp đồng như thế theo luật đúng hay sai? Tôi phải làm thế nào để được tiếp tục làm việc?

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Tôi vẫn muốn được tiếp tục cống hiến và làm việc (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc tronghaibvlc@gmail.com hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Thứ nhất, theo quy định tại Điều 50, Luật Bảo hiểm xã hội 2006 thì điều kiện thưởng lương hưu:

1. Người lao động quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 1 Điều 2 của Luật này có đủ hai mươi năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Nam đủ sáu mươi tuổi, nữ đủ năm mươi lăm tuổi;

b) Nam từ đủ năm mươi lăm tuổi đến đủ sáu mươi tuổi, nữ từ đủ năm mươi tuổi đến đủ năm mươi lăm tuổi và có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên. Tuổi đời được hưởng lương hưu trong một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

Căn cứ theo quy định trên, bạn hiện đang là viên làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo luật đã được 15 năm, tuổi vừa đủ 55 tuổi và nếu đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên là đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH 2006.

Thứ hai, xét về thủ tục nghỉ hưu thì:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 40 NĐ  29/2012/NĐ-CP Về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, thì thời điểm nghỉ hưu chỉ có thể tính lùi lại trong những trường hợp thuộc Điều 40. Thủ tục nghỉ hưu

“1. Thời điểm nghỉ hưu là ngày 01 của tháng liền kề sau tháng viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

2. Thời điểm nghỉ hưu được tính lùi lại khi có một trong các trường hợp sau:

a) Không quá 01 tháng đối với một trong các trường hợp: Thời điểm nghỉ hưu trùng với ngày nghỉ Tết Nguyên đán; viên chức có vợ hoặc chồng, bố, mẹ (vợ hoặc chồng), con từ trần, bị Tòa án tuyên bố mất tích; bản thân và gia đình viên chức bị thiệt hại do thiên tai, địch họa, hỏa hoạn;

b) Không quá 03 tháng đối với trường hợp bị bệnh nặng hoặc bị tai nạn có giấy xác nhận của bệnh viện;

c) Không quá 06 tháng đối với trường hợp đang điều trị bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành, có giấy xác nhận của bệnh viện.

3. Viên chức được lùi thời điểm nghỉ hưu thuộc nhiều trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì chỉ được thực hiện đối với một trường hợp có thời gian lùi thời điểm nghỉ hưu nhiều nhất.

6. Trước 06 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phải ra thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu để viên chức biết và chuẩn bị người thay thế.

7. Các quy định liên quan đến quyết định nghỉ hưu:

a) Trước 03 tháng tính đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý viên chức phải ra quyết định nghỉ hưu;

b) Căn cứ quyết định nghỉ hưu quy định tại Điểm a Khoản này, cơ quan, đơn vị quản lý viên chức phối hợp với tổ chức bảo hiểm xã hội tiến hành các thủ tục theo quy định để viên chức được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội khi nghỉ hưu;

c) Viên chức được nghỉ hưu có trách nhiệm bàn giao hồ sơ, tài liệu và những công việc đang làm cho người được phân công tiếp nhận ít nhất trước 03 ngày làm việc tính đến thời điểm nghỉ hưu;

d) Kể từ thời điểm nghỉ hưu ghi trong quyết định nghỉ hưu, viên chức được nghỉ hưu và hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.”

Thứ ba, về quy định sử dụng người lao động cao tuổi.

Bộ luật lao động 2012, Điều 167. Sử dụng người lao động cao tuổi

1. Khi có nhu cầu, người sử dụng lao động có thể thoả thuận với người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới theo quy định tại Chương III của Bộ luật này.

2. Khi đã nghỉ hưu, nếu làm việc theo hợp đồng lao động mới, thì ngoài quyền lợi đang hưởng theo chế độ hưu trí, người lao động cao tuổi vẫn được hưởng quyền lợi đã thoả thuận theo hợp đồng lao động.

3. Không được sử dụng người lao động cao tuổi làm những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ người lao động cao tuổi, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.

Do vậy nếu căn cứ theo quy định trên thì bạn không được tiếp tục làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nữa.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ) 

Ban Bạn đọc