Mẹ tôi sang Hàn Quốc theo con đường kết hôn nhưng vì lí do bạo lực nên đã li hôn, thủ tục giấy tờ bên đó đã xong. Mẹ tôi cũng đã gửi về Việt Nam ủy quyền cho bác ruột tôi đi làm thủ tục li hôn bên Việt Nam và đã hoàn tất. Hiện tại mẹ tôi có quen một người Hàn khác và muốn kết hôn với người đó, tuy nhiên visa của mẹ tôi đã hết hạn từ tháng 01/2015. Để làm đăng kí kết hôn với người Hàn mẹ tôi cần phải chuẩn bị thủ tục gì?

TIN BÀI KHÁC

{keywords}
Mẹ tôi ly hôn, giờ lại muốn kết hôn với người Hàn thì phải làm thế nào? (Ảnh minh họa)

Nội dung bạn đọc Nghiêm Hồng hỏi, Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội trả lời:

Để làm thủ tục đăng ký kết hôn, ngoài những giấy tờ về nhân thân (chứng minh nhân dân/hộ chiếu), sổ hộ khẩu (nếu cần), bạn cần có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam cấp. Ngoài ra, bạn có thể phải cung cấp những giấy tờ, tài liệu khác có liên quan nếu cơ quan có thẩm quyền tại Hàn Quốc yêu cầu.

Bạn có thể xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân theo quy định tại Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo quy định tại Điều 19. Thẩm quyền đăng ký kết hôn:

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài.

Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi đăng ký thường trú, nhưng có nơi đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn.

Theo quy định tại Điều 20. Hồ sơ đăng ký kết hôn:

1. Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:

a) Tờ khai đăng ký kết hôn của mỗi bên theo mẫu quy định;

b) Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;

c) Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;

d) Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;

đ) Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).

- Xác nhận tình trạng hôn nhân khi công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài:

Cụ thể theo quy định tại Khoản 2 Điều 66 Nghị định số 158/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 06/2012/NĐ-CP  quy định về thẩm quyền cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân thì “Công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu xác nhận tình trạng hôn nhân trong thời gian ở trong nước, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú trước khi xuất cảnh, thực hiện việc cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân”.

Cũng theo quy  định tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 158/2005/NĐ-CP thì:

“Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch (trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký giám hộ, đăng ký việc nhận cha, mẹ, con) hoặc yêu cầu cấp các giấy tờ về hộ tịch mà không có điều kiện trực tiếp đến cơ quan đăng ký hộ tịch, thì có thể ủy quyền cho người khác làm thay. Việc ủy quyền phải bằng văn bản và phải được công chứng hoặc chứng thực hợp lệ.
Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền, thì không cần phải có văn bản ủy quyền, nhưng phải có giấy tờ chứng minh về mối quan hệ nêu trên.”

Do vậy căn cứ vào các quy định trên, việc xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân trong trường hợp của bạn có thể  được ủy quyền. Mẹ bạn có thể ủy quyền cho bạn đi làm giấy xác nhận tình trạng hôn nhân. Khi đi bạn chỉ cần xuất trình các giấy tờ chứng minh quan hệ mẹ – con mà không cần phải có giấy ủy quyền.

Nếu Ủy ban nhân dân phường từ chối cấp giấy xác nhận tình trạng độc thân cho mẹ bạn, mẹ bạn có thể làm đơn yêu cầu trả lời bằng văn bản lý do từ chối, nếu việc trả lời không thỏa đáng không phù hợp với quy định của pháp luật, bạn có quyền làm đơn khiếu nại gửi Chủ tịch UBND phường để yêu cầu giải quyết.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ) 

Ban Bạn đọc