- Tôi đang có một công việc khá tốt, là nhân viên văn phòng cho một công ty trung gian quảng cáo, lương tháng vừa đủ sống và tiết kiệm được một khoản nho nhỏ. Vì thế, tôi không có ý định chuyển đi nơi khác. Trớ trêu thay, dù không muốn thì cuộc sống vẫn cứ nảy sinh lí do khiến tôi phải viết đơn thôi việc.

TIN BÀI KHÁC

Mọi người ai cũng thắc mắc, nên dù là chuyện tế nhị, tôi đành phải kể ra. Nguyên nhân chủ yếu khiến tôi lâm vào tình cảnh dở mếu dở cười này, không phải ai khác mà chính là anh trưởng phòng trẻ trung hào hoa, cũng là cấp trên trực tiếp của tôi.

Ngày mới đến thử việc, tôi được anh giúp đỡ hết mình. Có việc gì khó khăn, anh chỉ bảo tận tình chứ không tỏ ra ghê gớm lấy oai. Mọi người nhìn anh kè kè chỉ bảo tôi mà cứ tủm tỉm cười, làm tôi có lúc còn nghĩ, hay là do anh có cảm tình với mình cũng nên.

Nhưng hóa ra, mọi người cười là cũng có lí do cả. Sau ba tháng thử việc, được kí hợp đồng chính thức thì tôi mới dần nhận ra thói quen hơi “xấu tính” của sếp. Anh là dân mê thời trang, mua sắm còn nhiều hơn cả chị em phụ nữ nên đôi lúc cũng chi tiêu quá đà.

Thỉnh thoảng, anh lại hỏi vay tôi vài trăm ngàn, khi mua cái đồng hồ, lúc lại lọ nước hoa. Tôi nghĩ số tiền chẳng đáng bao nhiêu, hơn nữa một tháng anh mới hỏi vay một lần, nên không ngần ngại rút ví cho mượn. Lần nào anh cũng trả đúng hẹn khiến tôi rất yên tâm. Hình như quen mui, anh được đà tăng tần suất vay tiền.

Hôm ấy, sau khi ngắm được chiếc sơ mi thời trang sành điệu trên mạng, anh tấm tắc khen rồi vội vã đặt mua sợ hết hàng. Mọi chuyện sẽ không có gì để nói, nếu như chiếc áo đó không có giá 3 triệu đồng, và trong ví sếp chỉ còn vỏn vẹn 1 triệu.

{keywords}
Anh thường xuyên vay tiền tôi để thỏa mãn nhu cầu mua sắm (Ảnh minh họa)

Và có lẽ cũng do ông trời không thương tôi, khi nỡ để sếp gặp tôi rút hơn 2 triệu đóng tiền nhà buổi sáng. Tất nhiên như mọi lần, anh vui mừng hỏi vay tôi, và tôi đành vui mừng rút ví cho anh mượn tiền. Sếp còn nói chắc như đinh đóng cột ngay ngày mai sẽ mang tiền đến trả tôi.

Nhưng có lẽ niềm vui mua được áo mới đã làm sếp mất đi một phần trí nhớ quan trọng. Tôi thấy ngày hôm sau, rồi vài ngày sau nữa, dù đã diện chiếc áo mới mua, chụp ảnh đưa facebook khoe bạn bè, anh sếp đẹp trai vẫn chưa thực hiện lời hứa trả tiền, giống như chiếc áo đó hoàn toàn là do anh mua chứ không hề liên quan gì đến tôi hết.

Hàng ngày đi làm, chúng tôi vẫn gặp nhau, chào hỏi thân thiết. Anh vui vẻ hỏi han, giải đáp thắc mắc công việc cho tôi nhưng tuyệt nhiên, không đả động đến món tiền đã vay. Hai triệu đồng tuy không lớn nhưng cũng không phải món tiền nhỏ. Dù ngoài mặt cười nói nhưng trong đầu tôi chỉ vỏn vẹn duy nhất một câu hỏi “đến khi nào sếp mới trả tiền?”

Hai tuần kể từ sau khi sếp mua áo, còn tôi có nguy cơ bị tống cổ ra khỏi nhà trọ, thì tôi đã không kìm nén nổi mà hỏi anh số tiền “nho nhỏ” đó. Hình như anh quên thật, ngạc nhiên hỏi lại “Anh có mượn tiền em à?”. Tôi đành bấm bụng chỉ rõ chiếc áo đó, mua ngày hôm đó,… anh mới xin lỗi, rồi móc ví trả.

Những ngày sau mới thật sự là thảm họa. Sếp quý hóa thân thiết không thèm liếc nhìn tôi lấy một cái. Mỗi lần tôi hỏi về công việc, anh lại ậm ừ đánh trống lảng rồi mặc kệ tôi xoay sở. Anh thậm chí còn liên tục phê bình tôi trước mọi người, xúi người khác gây khó dễ khiến tôi cảm thấy ức chế.

Tôi vốn nhát gan, nên khi gặp tình trạng này, tôi không còn tâm trạng làm việc nữa. Chẳng lẽ vì 2 triệu đồng mà anh trở mặt ghét tôi, hay tại vì tôi là nhân viên mà “dám” đòi tiền sếp. Cuối cùng, dù công việc rất tốt, tôi vẫn phải viết đơn xin thôi việc, vì không đủ bản lĩnh vượt qua sự “xấu tính” của sếp.

Thùy Dương

Bạn đọc có thể chia sẻ tâm sự của mình về các vấn đề gặp phải trong cuộc sống cho chuyên mục Chuyện chung, chuyện riêng. Bài viết gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn