- Tôi kết hôn năm 2010, đến năm 2011 thì có một con trai. Lúc đó, bởi giữa hai vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn nên chúng tôi không làm giấy đăng ký kết hôn, con trai tôi khi khai sinh cũng được đặt theo họ của mẹ.

Thời gian sau đó, chúng tôi đã sắp xếp ổn thỏa và làm giấy đăng ký kết hôn. Con trai chúng tôi được gửi về quê ngoại để hai vợ chồng làm việc trên thành phố. Chồng tôi có mong muốn thay đổi lại họ của con theo họ của cha.

Nhưng khi đến ủy ban nhân dân xã, người tiếp nhận hồ sơ từ chối hồ sơ của tôi và nói chưa đủ chứng cứ theo luật mới áp dụng từ ngày 01/01/2016. Cụ thể: 1. Phải có giấy xét nghiệm ADN; 2. Các giấy tờ, chứng cứ khác chứng minh được quan hệ cha con, tuy nhiên với điều số 2, cán bộ đó nói khó có thể đưa ra chứng cứ như vậy. 

Mặc dù đã được cán bộ hướng dẫn làm thủ tục xét nghiệm ADN, tôi vẫn thấy điều này hết sức khó khăn với những người sinh sống ở nơi có điều kiện chưa phát triển hoặc không có kinh tế.

Xin luật sư cho biết, những chứng cứ có thể chứng minh mối quan hệ cha – con thay vì xét nghiệm ADN là những gì? Chẳng hạn trong trường hợp chồng cũ mất, vợ tái hôn với người đàn ông khác thì pháp luật cũng không cho phép đứa trẻ con riêng của vợ cũ mang họ của cha dượng hay sao? 

{keywords}
Làm thế nào để con tôi có thể mang họ cha? (Ảnh minh họa)

1. Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự thì cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ tên trong trường hợp thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ hoặc ngược lại. 

2. Theo quy định trên, gia đình bạn cần thực hiện thủ tục nhận cha cho con để xác nhận quan hệ cha con trước khi tiến hành thủ tục đổi họ cho cháu. Thủ tục nhận cha cho con được quy định tại Điều 19 Nghị định 123/2015/NĐ-CP theo đó gia đình bạn cần chuẩn bị các giấy tờ chứng cứ chứng minh quan hệ cha con để thực hiện thủ tục này.

3. Theo quy định tại Thông tư 15/2015/TT – BTP chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định Luật hộ tịch 2014 gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

+ Trường hợp không có văn bản trên thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Vậy bạn và gia đình cần thực hiện những thủ tục nêu trên để thay đổi họ cho cháu. 

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, công ty Luật Themis; SĐT 0986663459; email luatthemis@gmail.com.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc