LTS: Rất nhiều người, không chỉ lúc trẻ mà thậm chí cả khi tuổi tác đã lớn, vẫn cứ phân vân lựa chọn giữa thành công hay bình an. Và một khi mâu thuẫn ấy chưa được giải quyết sẽ khiến người ta không tìm được con đường để phát triển bản thân.

Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, bà Nguyễn Phi Vân (một doanh nhân, cố vấn, tác giả và diễn giả ngành bán lẻ và nhượng quyền quốc tế) đã có bài chia sẻ về "Thành công và bình an". Bà sử dụng lý lẽ, lập luận nhằm xóa tan mâu thuẫn ấy. 

Báo VietNamNet trân trọng giới thiệu tới quý độc giả:

Thành công & bình an

Con muốn hỏi cô là cuộc đời này, giữa thành công và bình an thì mình nên chọn cái nào hả cô?

Bạn tâm sự dài lắm, nhưng chủ yếu vẫn là bối rối hông biết sống sao. Thành công chắc là phải ganh đua, hơn thua với người đời thì sao mà bình an. Còn rẽ qua khúc quanh bình an là chắc phải buông bỏ hết, làm sao thành công cho nổi. Vậy, nên bạn trẻ đứng giữa ngã ba đời, lòng rối bời không biết phải chọn sao.

Ủa mà tại sao phải chọn? Ai bắt mình phải chọn? Thành công và bình an chưa bao giờ là hai thế lực đối lập nhau, chưa khi nào là tử thù có mày thì hổng có tao. Sao phải chọn?

{keywords}
Tác giả - Diễn giả Nguyễn Phi Vân (Ảnh: FBNV)

Nếu lấy bản thân ra làm ví dụ. Tôi bình an vì tôi đang theo đuổi và thực hiện mục đích cuộc đời mình. Tôi nghĩ mình thành công vì tôi hoàn toàn tự do trong tư duy, suy nghĩ, lựa chọn những điều mình theo đuổi, và đến nay thì hết sức vui vẻ, hạnh phúc với những gì mình đang thực hiện. Điều đó không có nghĩa là hàng ngày tôi không đối diện với những thử thách từ thể loại khủng long "quánh nhau" vật vã tới vi mô ngơ ngác như thoáng mây chiều chợt nhớ chốn quê xưa. Có điều, đường đi nào mà chẳng giẫm lộn mấy cọng gai. Khác nhau là, tâm bình an thì mỉm cười ngồi xuống gỡ gai ra. Không bình an thì mắc kẹt ở đó chửi bới la làng gọi tên đứa này thằng nọ.

Tôi bình an vì khi đưa ra bất kỳ quyết định gì trong đời đều biết rõ mình làm vì mục tiêu trong trẻo nhất, vì giá trị và mục đích sống của bản thân. Vậy, là bình an. Còn ai nói gì, nghĩ gì, hiểu lầm gì, nghi ngờ ganh ghét gì kệ người ta. Ai rảnh người đó bỏ chuyện nhà lo chuyện người. Tội họ!

Cho nên người trẻ ạ, tới đây thì bạn nên quay về đặt lại những câu hỏi cơ bản như sau:

1. Thành công với bạn nghĩa là gì? Phải hỏi mình câu này vì thành công với mỗi người là một khái niệm rất khác nhau, trừ phi bạn lười hay không chịu suy nghĩ nên lấy thước đo chung của xã hội mà áp lên mình. Nếu có, thì đừng phàn nàn sau này tại sao người đời ác dữ, ép bạn phải gồng mình làm theo thứ bạn hổng tin vào. Mình lười thì mình tự chịu thôi. Trách ai giờ?

2. Với định nghĩa đó, tôi đã gọi là thành công chưa? Nếu chưa, thì là tại sao? Do tôi làm chưa tới, thiếu lửa, thiếu quyết liệt, hay là thiếu kiến thức kỹ năng? Nhớ đừng dựa vào ai hay đổ thừa ai. Người muốn làm rồi thì tự họ sẽ nghĩ ra ba vạn năm ngàn cách. Còn không muốn làm thì có đưa sẵn đồ ăn vào miệng, vẫn cau mày sao chưa chỉ cách nhai.

3. Nếu thành công rồi liệu tôi có bình an? Nếu bạn nghĩ mình thành công nhưng vẫn chẳng bình an, có lẽ có gì đó sai sai trên hành trình lựa chọn và ra quyết định. Có khi nào bạn đang làm những thứ mà mình hổng muốn? Có khi nào việc bạn đang làm không liên quan gì tới giá trị mà bạn hướng về? Có khi nào bạn biết thứ mình làm có thể hại người nhưng nhắm mắt làm ngơ? Có khi nào thành công mà bạn nhắc tới chỉ là lớp vỏ bọc giả tạo để đời để bạn yên mà trốn vào tủ áo?

Rồi, giờ bạn nghĩ gì, tìm ra câu trả lời hay chưa thì cứ tự mình tiếp tục phản tư nha. Có điều, thành công hay bình an không phải là 2 lựa chọn một mất một còn như bạn nghĩ.

Nguyễn Phi Vân

3 chữ "chìa khoá" của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo dục

3 chữ "chìa khoá" của Thủ tướng Phạm Minh Chính với giáo dục

Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT ngày 6/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra một số yêu cầu đối với ngành, mà nhiệm vụ hàng đầu là “học thật, thi thật và nhân tài thật”.