Lời toà soạn: Kỳ thi vào lớp 10 ngày càng trở nên căng thẳng trên cả nước. Mục tiêu của đa phần phụ huynh là con mình sẽ đỗ vào các trường công lập, nhưng không phải ai cũng đạt được nguyện vọng. Làm thế nào để "đi qua nỗi đau" này và bình tĩnh để đón nhận những cơ hội khác cho các học sinh tuổi 15? Chị Trần Thị Kim Hạnh, cán bộ quản lý giáo dục của một trường học ở Đà Nẵng, cũng từng là phụ huynh trải qua tình huống này. Chị đã có bài viết chia sẻ cách đồng hành nỗi đau cùng con. Dưới đây, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của chị và mong nhận được những chia sẻ khác của độc giả. Các bài viết xin gửi về địa chỉ: banbandoc@vietnamnet.vn. Cảm ơn các bạn.

***********

Mấy ngày qua, thấy rần rần trên Facebook những "tút" của bố mẹ về kết quả thi lớp 10 của con. Điều đó đồng nghĩa với việc có những nhà "đóng cửa bảo nhau" trong đau khổ vì con trật nguyện vọng 1 hay trật cả 2 nguyện vọng. Mình lại nhớ ngày này năm ngoái, khi biết ông con đã không đạt cái nguyện vọng nào cả. Mình chia sẻ lại thời khắc ấy, biết đâu, lại giúp được ai đó đi qua nỗi đau con không đậu lớp 10 như mình ngày ấy...

Khi có điểm chuẩn, bé chị thì thầm: "Mẹ ơi, thằng Sóc rớt rồi mẹ!". Nó như sợ thằng em nghe tin này mà buồn. Mình không tin được, vì con làm bài không tệ, trường con chọn đã là tốp út rồi.

Nhưng quả thế thật! Trường tốp út đó đã ngoi lên, tăng 3 điểm so với năm trước đó. Còn cái trường thằng con định đổi nguyện vọng vào phút chót mà mình và chị nó nhất định gàn (vì mọi năm nó vẫn hơn điểm trường tốp út đó) thì đã tụt điểm chuẩn và thằng con dư 2 điểm để đậu.

Thế có đau không cơ chứ! Mình cảm nhận rất rõ cái sự hụt hẫng của mình lúc đó. Dù biết ông con không khá khẩm gì mấy trong chuyện học, chỉ nghĩ nó kiểu gì cũng vào một trường công nào đó ở tốp dưới, chứ hoàn toàn chưa sẵn sàng nhận cái kết này.

Lúc đó, trong mình khởi lên biết bao là nỗi sợ: Không biết thằng con sẽ đối diện với vấn đề này thế nào, còn chồng nữa, và cả bản thân mình, nói với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè làm sao. Chưa hết, kinh hoàng hơn là hình dung ngay ra cảnh ông con ăn vạ đổ thừa cho cái tội ngăn cản ổng đổi trường vào phút chót, chứ không thì ổng đậu rồi.

Lúc đó, mình nói với bé chị: "Giờ chưa nói cho em biết được đâu, sợ em sốc á!". Rồi mình ra hiên ngồi một mình, tĩnh lặng.

Mình bắt đầu quay trở về với hơi thở để đầu óc được minh mẫn mà nhận định tình hình.

Mình bắt đầu nhận ra các nỗi sợ bên trong mình và gọi tên nó: Sĩ diện này, sợ gánh trách nhiệm này, sợ bị trách móc này, ... Và mình nhận ra, không phải mình sợ con bị sốc mà mình đang bị sốc đây.

Mình phải chịu trách nhiệm với những gì thuộc về mình. Con cũng phải chịu trách nhiệm những gì thuộc về con. Không thể để ngày mai mới nói con biết. Con cần được biết ngay bây giờ. Mình có câu thần chú cho mỗi biến cố: "Mọi chuyện xảy ra đều có tính chính xác, ý nghĩa và lợi ích". Vậy việc này là chính xác rồi, còn ý nghĩa, lợi ích của nó là gì với mình, với con? Cứ nghiền ngẫm về ý nghĩa, lợi ích của nó thì mình bắt đầu bình tĩnh và đón nhận tình huống nhiều hơn.

Mình bắt đầu nhận ra, nếu con đậu vào trường kia thì con có thể không học ra bài học gì, cũng sẽ vào cấp 3 với tâm thế của 4 năm THCS, lại thêm 3 năm vật vã nữa. Con có khả năng về thực hành, con học nghề là một lợi thế. Biết đâu đây cũng là cơ duyên...

Và đây cũng là cơ hội để gắn kết mối quan hệ với con. Thế là công cuộc làm việc dọn dẹp đống chiến trường bên trong mình coi như đã xong sau 30 phút.

Mình vào phòng con gọi và thông báo kết quả: Điểm trường đó là... Con không tin, lật đật vào mạng xem, rồi ngồi thụp xuống khóc. Con trách mẹ và chị đã không để con đổi nguyện vọng. Mình hiểu, con đang rất đau khổ.

Để con qua cơn cảm xúc, mình mới bắt đầu nói cho con biết trách nhiệm của con trong việc này. Có lúc, mình cũng phải "cả vú lấp miệng em" khi con một hai trách mẹ và chị. Rồi con cũng đã nhìn ra lỗi của mình và ngưng than vãn, nhưng trông con vẫn bất ổn. Cả đêm đó, mình chỉ vật vờ ngủ, sợ con nghĩ quẩn làm gì dại dột... Lại miên man nghĩ, ngày mai mình sẽ làm gì với con, giúp con đối diện với sự thật và tìm giải pháp phù hợp như thế nào.

Những ngày sau đó, mình luôn ở bên con nói chuyện để thấu hiểu những khó khăn bên trong con. Con sợ nhất là đi đâu người ta hỏi con học trường nào. Vậy là trong mình lóe lên suy nghĩ: Con sợ thì mẹ sẽ giúp con khỏi sợ bằng cách công khai chuyện này trên Facebook của mẹ. Ai cũng biết thì không ai hỏi con nữa. Vậy mới ổn định tâm lý để tính tiếp chuyện tương lai.

Nghĩ thì dễ, làm mới khó. Nói làm sao đây? Chẳng nhẽ lại đăng trên Facebook: Con rớt lớp 10!?

Với lại, cũng còn cái tôi, cái sĩ diện của mình, giáo viên, lại làm quản lý 1 trường học, dù nhỏ thôi, nhưng cũng biết nhìn vào đồng nghiệp, phụ huynh thế nào đây, người ta nghĩ gì về mình? Có người sẽ cảm thông, nhưng chắc cũng có người nghĩ "Hay ho gì đâu mà nói" ...

Mấy ngày sau đó, mình cứ nghĩ về điều này, viết sao để con hiểu được lòng mẹ, để con được giải thoát khỏi vấn đề mà nghĩ đến tương lai.

Thế rồi, vào một buổi chiều muộn ở trường, mình vào Facebook bắt đầu viết thư cho con.

Bao nhiêu ý tứ, tâm tư cứ thế tuôn trào trong THƯ GỬI CON TRAI .

Viết xong, mình đọc lại, lòng đầy xúc cảm, nhưng để nhấn "Public" (Xuất bản) thì mình phải chậm vài giây vì lại sợ "có gì hay đâu mà viết".

Nhưng lúc đấy, nghĩ đến nỗi sợ của con, mình quyết định nhấn luôn. Thôi thì cả 2 mẹ con mình, cả nhà mình được giải thoát khỏi vấn đề này. Và lúc đó, bên trong mình dâng lên một tình yêu thương con thật rõ rệt. Mình ngồi lặng đi, nước mắt cứ thế tuôn rơi trong trải nghiệm về tình yêu thương vô điều kiện dành cho con, cái tình yêu vượt lên trên những nỗi sợ, những toan tính hay sĩ diện của mình.

Mình không ngờ là bức thư đó lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong thời điểm đó, chạm đến trái tim của nhiều người. Mình đã nhận được rất nhiều chia sẻ của những cha mẹ đã từng ở trong hoàn cảnh như mình. Lợi lạc từ bức thư rất lớn, khi mình cùng con đọc những bình luận của bạn bè hay bạn đọc trên báo. Cả hai mẹ con như được tiếp thêm sức mạnh. Nhờ vậy, mình và con mau ổn định tinh thần và bắt tay vào lựa chọn con đường đi phù hợp cho con.

Nhiều tháng trôi qua, kể từ ngày ấy, mình thật bất ngờ sau đó, trong những lần tham gia tập huấn giáo viên, có những cô (mình không biết mặt) đã rất vui khi gặp mình và kể, bức thư của mình đã nâng đỡ tinh thần cho cô và gia đình đi qua nỗi đau có tên thi trượt như thế nào. Mình cảm thấy hạnh phúc.

Tình huống này, thật có ý nghĩa với mình và con. Cả hai đều trưởng thành lên rất nhiều khi đối mặt với tình huống để tìm cách vượt qua trong tỉnh thức và bình an. Mọi thứ diễn ra đều theo cách mình lựa chọn. Mình chọn rối ren thì nó sẽ rối ren. Mình chọn bình an thì nó sẽ bình an. Đi qua nỗi đau rồi sẽ biết thương nhau...

Trong cuộc đời con người có nhiều cách để đi đến đích. Nếu chọn được cách phù hợp với bản thân để được hạnh phúc, hân hoan trên tiến trình về đích là một diễm phúc, giúp con người phát triển bản thân, nuôi dưỡng khát khao cống hiến cho xã hội.

Trần Thị Kim Hạnh (Đà Nẵng)

Tuổi 15 tủi hổ vì trượt lớp 10: 'Tương lai nào cho con tôi?'

Tuổi 15 tủi hổ vì trượt lớp 10: 'Tương lai nào cho con tôi?'

Tôi thực sự ngỡ ngàng khi nhận tin cậu con út vẫn là niềm tự hào của cả gia đình lại trượt khối trường công lập. Và tôi biết, chàng trai ấy còn đau khổ hơn bố mẹ! Tôi phải làm gì cho con vào lúc này bây giờ?