Lời toà soạn: Niềm tin và sự lạc quan sẽ là liều thuốc quý trong đại dịch. Đó là thông điệp mà dịch giả Bình Bồng Bột (tên thật: Nguyễn Thanh Bình) tại TP.HCM muốn gửi gắm qua câu chuyện về hành trình đưa mẹ đi khám bệnh giữa những ngày cách ly toàn thành phố. Bài viết đã được đăng trên trang cá nhân.

Cùng VietNamNet chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Cùng VietNamNet chung tay đẩy lùi dịch Covid-19

Tại nhiều bệnh viện đang thiếu trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ trong khi ca nhiễm mới càng tăng lên. Nhiều địa phương giãn cách khiến người nghèo, người bệnh lâm cảnh khó khăn. Để hỗ trợ tuyến đầu chống dịch và các hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, các cá nhân tổ chức có thể tham gia chương trình tiếp sức phòng chống dịch Covid-19, xem chi tiết TẠI ĐÂY

 
Mẹ tôi có bệnh nền từ lâu, mỗi tháng đều phải vào Bệnh viện Truyền máu- Huyết học TP.HCM để theo dõi và lấy thuốc. Khi các bệnh nhân Covid-19 đã tăng từ vài trăm nên con số vài nghìn mỗi ngày, các bệnh viện tuyến đầu được trưng dụng cho mục tiêu quan trọng nhất là ngăn chặn đại dịch.

Lịch hẹn tái khám của mẹ tôi được bệnh viện thông báo đổi địa điểm. Thay vì mẹ tôi phải đến bệnh viện cơ sở 2 ở Phạm Viết Chánh, Quận 1 thì sẽ phải ra cơ sở mới mở ở tận Bình Chánh, cách đó gần 20 cây số để tái khám.

Thoạt đầu tôi đã rất thất vọng với việc này. Covid-19 không thỏa hiệp với ung thư, tiểu đường hay đột quỵ. Nhưng trong lúc dồn toàn bộ nguồn lực y tế cho Covid-19, người ta dường như đã bỏ quên những con người vốn đã chiến đấu với bệnh tình của họ từ trước khi dịch đến.

Người ta thống kê hàng ngày số người chết vì Covid -19, nhưng có ai thống kê số người chết vì ung thư hay suy thận?

Tôi và mẹ chạy lên Bình Chánh, đi lạc một hồi cũng tìm được cơ sở mới của Bệnh viện Truyền máu nằm sau lưng Bệnh viện Nhi Đồng rất lớn. Sau hơn hai tiếng xét nghiệm Covid-19 và khám bệnh, mẹ quay trở ra.

Và tôi nhìn thấy mẹ vui vẻ vì đã lấy được thuốc. Mẹ nói bệnh viện mới này rất khang trang, mát mẻ và rộng rãi. Tôi vẫn nhớ cảnh một cái giường nhét tận 4 con người mà mẹ tôi phải từng nằm ở cơ sở Phạm Viết Chánh. Một căn phòng 4 giường, gần 20 con người lèn nhau trong một không gian chưa đến 30 m2. Ai cũng mệt mỏi, nhưng cố chịu đựng để chờ được lọc máu hay khám bệnh.

“Bệnh viện mới rộng gấp mấy chục lần”, mẹ nói. Người này ngồi cách người kia xa lắm. Bên trong mát rượi như siêu thị, chờ cũng không lâu dù phải xét nghiệm thêm Covid-19. 

Và nhờ đi xa, mẹ con tôi có thêm cơ hội trò chuyện với nhau trong bối cảnh giãn cách xã hội ngăn trở điều đó. “Giống như được đi chơi á mà, chứ ở nhà chán chết,” mẹ nói.

Có thể, có những người đang cảm thấy băn khoăn về cách ứng phó với dịch Covid-19 hiện nay, đặc biệt là ở Sài Gòn. Chính tôi trong những ngày tháng tiêu cực cũng cảm thấy thế.

Nhưng tôi nghĩ nếu Bệnh viện Truyền máu vẫn cố tiếp nhận thêm bệnh nhân ở Phạm Viết Chánh, chỉ cần một người nhiễm bệnh, cái không gian chật hẹp ấy sẽ lập tức kích hoạt một quả bom. Nghĩa là ngành y tế có lý khi đẩy bệnh nhân ở những bệnh viện luôn quá tải đi ra xa thành phố.

{keywords}
Các nhân viên y tế tại điểm tiêm vắc-xin ở nhà thi đấu Phú Thọ ngày 15/6/2021 (ảnh: Trương Thanh Tùng)

Chung cư tôi có F0. Loa chung bắt đầu hoạt động nhiều hơn và ban đêm ngủ, tiếng còi y tế bắt đầu gần hơn và trở nên đáng sợ hơn.

Nhưng tôi tự nhủ: mình thật may mắn vì còn kịp chở mẹ đi khám bệnh trước khi nơi này chẳng may bị giăng dây và mình không được ra khỏi nhà. Quan trọng hơn, mình còn có xe để chở mẹ đi, mẹ vẫn có thể ra về cùng thuốc, và quan trọng hơn, một nụ cười.

Sáng nay, anh bạn- một chủ nhà sách có tiếng ở Sài Gòn gọi. Anh bảo 9 ngày qua anh không rời khỏi phòng mình. Làm việc trong hơn 1 tuần hiệu quả hơn 2 tháng vì không còn phải tốn thời gian đi nhậu, đi đánh golf hay gặp bè bạn giao tiếp. Anh sẽ cố làm tối đa công việc để khi mọi thứ bình ổn sẽ đi chơi bù.

Hai năm trước, cả thế giới nhìn về Thái Lan, nơi 12 cậu bé trong một đội bóng bị kẹt trong hang Tham Luang cùng với người huấn luyện viên. Đội cứu hộ làm việc hết sức nhưng cũng chỉ có thể cứu được họ sau 9 ngày.

Chín ngày không ánh sáng, không thức ăn, điều gì đã giúp những cậu bé kia sống sót? Chỉ có thể là hy vọng. Có lẽ thay vì vẽ ra những thảm cảnh, họ đã cùng nhau nghĩ về những viễn cảnh tươi đẹp khi được thoát ra khỏi đó.

Mẹ tôi lại vừa dạy cho tôi một bài học về sự lạc quan. Chúng ta hãy tin là đại dịch sẽ dần được kiểm soát, hãy tin là thuốc Molnupiravir có thể trở thành lời giải cho nhân loại. 

Những ngày này, có lẽ ít nhiều ai cũng có cảm giác bị cầm tù. Vậy có lẽ đã đến lúc mở The Shawshank Redemption (Nhà tù Shawshank) để xem lại. Bộ phim ấy nói về một nhà tù với một tagline kinh điển: Nỗi sợ cầm tù bạn, nhưng hy vọng sẽ giúp bạn tự do.

Hãy giữ lấy niềm tin là chúng ta sẽ ổn. Nếu chưa ổn, chỉ là niềm tin chúng ta chưa đủ lớn mà thôi.

Cùng nhau, chúng ta sẽ bình an.

Dịch giả Bình Bồng Bột
 
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Các ý kiến, bài viết trao đổi gửi về email: gocnhinthang@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Hàng xóm F0

Hàng xóm F0

Hàng xóm F0 của tôi là một cụ già, không gia đình, không người thân, không quê quán, là người làm cho gia đình chủ này đã ngót nghét 60 năm. Những người như bà trong lòng xã hội Sài Gòn nhiều lắm.