- Chúng tôi nhặt được một bé gái bị bỏ rơi trong một chiếc giỏ ở bụi cây. Chúng tôi đã trình báo với xã và hiện đang tạm thời nuôi cháu. Vì nuôi cháu ít ngày qua chúng tôi có tình cảm và muốn giữ cháu lại làm con nuôi. 

Xã cũng đã thông báo lên loa để nếu ai đó bỏ con muốn nhận lại thì nhận. Tuy nhiên cả tuần nay không thấy cha mẹ tới nhận con. Bây giờ tôi muốn nhận con thì cần thủ tục thế nào? Nếu khi mọi thủ tục đã hoàn tất đúng quy định, sau này mẹ cháu về nhận con có được không? Tôi chỉ sợ khi tôi đã nuôi được một thời gian mẹ cháu lại về đòi lại lúc đó rất phiền nhiễu và khó xử. Xin luật sư tư vấn để tôi hiểu rõ.

Khi đã hoàn tất thủ tục nhận con nuôi, mẹ đẻ không có quyền đòi lại con.

Theo thông tin của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

1. Quy trình nhận nuôi con nuôi

a. Điều kiện của người nhận nuôi

Điều 14 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định về điều kiện đối với người nhận con nuôi như sau:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên;

c) Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;

d) Có tư cách đạo đức tốt.

Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này.

Những người sau đây không được nhận con nuôi:

a) Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên;

b) Đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh;

c) Đang chấp hành hình phạt tù;

d) Chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

Như vậy đối với một người thông thường, không phạm vào các nội dung cấm trên thì được nhận nuôi con nuôi.

b. Hồ sơ của người nhận nuôi

Theo quy định tại điều 17 Luật Nuôi con nuôi 2010 hồ sơ của người nhận nuôi gồm có:

1. Đơn xin nhận con nuôi;

2. Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;

3. Phiếu lý lịch tư pháp;

4. Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;

5. Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 14 của Luật này.

Hồ sơ này được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 5 và Điều 7 Nghị định 19/2011/NĐ-CP

c. Hồ sơ của người được nhận nuôi

Theo quy định tại Điều 18 Luật Nuôi con nuôi 2010 thì hồ sơ của người được nhận nuôi gồm có:

a) Giấy khai sinh;

b) Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;

c) Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;

d) Biên bản xác nhận do ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;

đ) Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.

Trường hợp cụ thể của bạn là thuộc quy định tại điểm d trên, tức cần có Biên bản xác nhận do UBND hoặc công an cấp xã nơi bạn đã nhặt bé.

d. Đăng ký nuôi con nuôi

Về việc đăng ký việc nuôi con nuôi, Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định tại Điều 22 Đăng ký việc nuôi con nuôi như sau:

1. Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

2. Trường hợp ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có ý kiến của những người quy định tại Điều 21 của Luật này.

3. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.

Thủ tục đăng ký nuôi con nuôi được quy định tại Nghị định 19/2011/NĐ-CP tại điều 10 như sau:

1. Việc đăng ký nuôi con nuôi được tiến hành tại trụ sở ủy ban nhân dân cấp xã. Khi đăng ký nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ, người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và người được nhận làm con nuôi phải có mặt. Công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào sổ đăng ký nuôi con nuôi và trao giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho các bên.

2. Trường hợp con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi mà phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh đang lưu giữ tại ủy ban nhân dân cấp xã còn để trống, thì căn cứ vào giấy chứng nhận nuôi con nuôi, công chức tư pháp – hộ tịch ghi bổ sung các thông tin của cha mẹ nuôi vào phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; tại cột ghi chú trong sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi.

3. Trường hợp có sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi, sự đồng ý của con nuôi từ 9 tuổi trở lên về việc thay đổi phần khai về cha mẹ trong giấy khai sinh và sổ đăng ký khai sinh của con nuôi; thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai sinh cho trẻ em đăng ký khai sinh lại cho con nuôi và thu hồi giấy khai sinh cũ; tại cột ghi chú của sổ đăng ký khai sinh phải ghi rõ là cha mẹ nuôi. 

2. Về việc đòi lại con sau khi đã làm thủ tục nhận con nuôi

Điều 24 Luật Nuôi con nuôi 2010 quy định hệ quả của việc nuôi con nuôi như sau:

1. Kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Trừ trường hợp giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thỏa thuận khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không còn quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lý, định đoạt tài sản riêng đối với con đã cho làm con nuôi.

Như vậy, theo quy định.của Luật nuôi con nuôi, cha mẹ đẻ không có quyền đòi lại con nuôi sau khi hoàn tất thủ tục nhận nuôi, trừ trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi, con nuôi được giao cho cha mẹ đẻ theo Điều 25, 26, 27 Luật Nuôi con nuôi 2010. Tức sau khi bạn nhận cháu bé theo đúng thủ tục trên thì sau đó trở đi cha mẹ ruột không có quyền đòi lại con trừ khi bạn đồng ý.

Tư vấn bởi Luật sư. Nguyễn Thành Công - Công ty Đông Phương Luật, ĐLS TP.HCM

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc